Năm 2013, xuất khẩu gạo của Việt Nam lần đầu tiên "vượt mặt" Thái Lan để chiếm vị trí số 1 trên thế giới về xuất khẩu gạo.
Năm 2013, xuất khẩu gạo của Việt Nam lần đầu tiên “vượt mặt” Thái Lan để chiếm vị trí số 1 trên thế giới về xuất khẩu gạo.
Sự kiện khiến nhiều người Việt Nam, đặc biệt là những nông dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” không khỏi tự hào, phấn khởi.
Không tự hào sao được khi từ một nước trước kia triền miên trong cảnh thiếu hụt lương thực trầm trọng, phải nhập khẩu, nếu không muốn nói là thiếu đói quay quắt? Niềm tự hào này thậm chí còn lan tỏa đến các nhà quản lý, chính quyền địa phương, coi đó như một “dấu ấn”.
Cần sớm nâng cao chất lượng, "tên tuổi" hạt gạo Việt Nam. Ảnh: VINH HIỂN |
Hạt gạo Việt Nam đã có bước tiến dài và chúng ta có quyền tự hào về điều này. Thế nhưng, xem ra hạt gạo Việt Nam sau khi “lên đỉnh” đã quá say sưa với chiến thắng mà quên đi những thách thức, khó khăn của tương lai. Bởi người xưa vẫn nói phấn đấu “lên đỉnh” đã khó nhưng giữ được ở vị trí đó còn khó hơn. Ở thời điểm hiện nay, hạt gạo Việt Nam lại đang loay hoay tìm lời giải cho bài toán xuất khẩu.
Và cũng bởi say sưa với xuất khẩu mà thị trường gạo nội địa đã và đang bị gạo ngoại “xâm lấn”- đặc biệt là gạo Thái Lan. Với đặc tính thơm, dẻo, gạo Thái đã từng bước chinh phục các “thượng đế Việt Nam”- đặc biệt là người tiêu dùng Hà Nội.
Trở lại câu chuyện gạo Thái âm thầm chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Từ năm 1959, Thái Lan đã tìm ra được giống lúa để đặt tên là “Thai Hom Mali”.
Từ đó Thái Lan tiến hành tổ chức lại sản xuất dưới sự chỉ đạo của Đức vua và Chính phủ nhằm giữ vững thương hiệu. Mùi thơm như mùi lá dứa và hoa nhài, logo hình tròn màu xanh lá cây được cấp bởi Chính phủ- đây là những dấu hiệu nhận biết của thương hiệu gạo Thái “Thai Hom Mali”, giúp người tiêu dùng toàn cầu nhận ra loại gạo này giữa nhiều loại gạo khác.
Hiện 1 tấn gạo Thái có giá 800- 1.000 USD/tấn, giá bán lẻ phải từ 1 USD/kg trở lên, còn nếu giá thấp hơn thì được cảnh báo là hàng giả. Việc giúp người tiêu dùng toàn cầu nhận diện gạo Thái là lý do mà gạo Thái được bán với giá cao như vậy. Trong khi đó, gạo Việt Nam chưa có thương hiệu nên hợp đồng mới đây nhất ký với Philippines, chúng ta chỉ bán được hơn 400 USD/tấn.
Tình trạng giá gạo Việt Nam thường xuyên phải chịu cảnh “lép vế” trước gạo Thái đã diễn ra từ nhiều năm qua, chứ không phải đến bây giờ mới xảy ra. Và như vậy, đương nhiên lợi nhuận từ hạt gạo đem lại cho nông dân, cho doanh nghiệp Việt Nam thấp hơn Thái Lan.
Hiện sản xuất lúa của Việt Nam chủ yếu là nông hộ, quy mô nhỏ, 85% số hộ gia đình có quy mô dưới 0,5ha/hộ, trong khi hoạt động của các tổ chức sản xuất tập thể còn yếu, thị trường xuất khẩu của gạo Việt Nam đang ở phân khúc trung bình và thấp, chất lượng gạo xuất khẩu chưa đồng đều, đặc biệt là việc sử dụng thương hiệu trên thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu còn hạn chế.
Do đó, áp lực cạnh tranh đối với gạo Việt Nam không chỉ về giá, chất lượng mà việc xây dựng thương hiệu, duy trì uy tín, lòng tin của thị trường thế giới là yêu cầu cấp bách và quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu.
Như vậy, để tiếp tục gặt hái thành công trong tương lai- nhất là xu hướng cạnh tranh gay gắt trên thị trường lúa gạo ngày càng gay gắt, đặc biệt trong bối cảnh thị trường xuất khẩu lúa gạo xuất hiện trở lại của “người khổng lồ” Ấn Độ và “chàng lực sĩ” Campuchia khi những năm gần đây, Campuchia bắt đầu tham gia thị trường xuất khẩu lúa gạo.
Hạt gạo Việt Nam sẽ phải lựa chọn con đường đi riêng mình. Để xây dựng được thương hiệu gạo quốc gia thì chúng ta phải có sản phẩm khác biệt. Đây vừa là dấu hiệu nhận biết hữu hiệu, vừa là yêu cầu sống còn để cạnh tranh trên thị trường. Sự khác biệt chính là yếu tố tạo nên giá trị cao. Tiếp đến là hoạt động tiếp thị sản phẩm gạo cũng cần phải được đẩy mạnh.
Theo Tập đoàn Lộc Trời (tiền thân là Công ty CP Bảo vệ Thực vật An Giang), để có thương hiệu trên thị trường thế giới, trước tiên phải có thương hiệu trong nước. Chính phủ nên thực hiện bình đẳng chính sách thuế VAT trên mặt hàng gạo giữa doanh nghiệp với tư nhân bán lẻ. Có như vậy, doanh nghiệp mới mạnh dạn đầu tư để làm thương hiệu gạo Việt Nam.
Và dĩ nhiên, để không bị thua trên “sân nhà” hạt gạo Việt Nam sẽ phải tìm lời giải để chinh phục các “thượng đế nội” trước khi muốn chinh phục các “thượng đế ngoại” khó tính.
Cùng với nâng cao chất lượng, “tên tuổi” cho hạt gạo Việt Nam, việc đa dạng hóa các sản phẩm từ lúa gạo: dầu cám gạo, sữa gạo, mỹ phẩm… cũng cần chúng ta xem xét, quan tâm thỏa đáng. Như vậy, không chỉ giúp hạt gạo Việt Nam cạnh tranh trên thị trường mà qua đó góp phần tăng thu nhập cho người sản xuất, đặc biệt là nông dân.
HÀ VĨNH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin