Đoàn kiểm tra Liên ngành 389 tỉnh đã bất ngờ kiểm tra hàng loạt cơ sở bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long thuộc hệ thống Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy.
Đoàn kiểm tra Liên ngành 389 tỉnh đã bất ngờ kiểm tra hàng loạt cơ sở bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long thuộc hệ thống Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy. Qua đó, phát hiện hàng loạt sai phạm, đặc biệt các dịch vụ massage và khám chữa bệnh do nhân viên của công ty thực hiện nhưng không hề có bất kỳ chứng chỉ hành nghề nào.
Nhân viên công ty đang thực hiện chăm sóc sức khỏe cho khách hàng. |
Giá sản phẩm trên trời!
Ngày 7/10/2015, đoàn đã bất ngờ kiểm tra khóa huấn luyện đặc biệt khu vực 2 miền Tây- “cùng tốt” do Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy tổ chức tại TP Vĩnh Long. Có khoảng 500 người tham gia hội thảo nhưng nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi biết đây là “hội thảo chui” của công ty.
Ông Nguyễn Văn Sơn- người đại diện công ty cũng không xuất trình được thông báo tổ chức chương trình đào tạo, nội dung chương trình mà chỉ giải thích gọn: “Do tôi nghĩ là tổ chức tại nhà hàng thì không bắt buộc phải xin phép cơ quan có thẩm quyền”.
Ngành chức năng đã phát hiện nhiều sai phạm khi kiểm tra các cơ sở. |
Theo ông Trần Quốc Linh- Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, ngoài sai phạm không xin phép, đại diện công ty cũng không xuất trình được một số giấy tờ cần thiết như: hóa đơn chứng từ, danh sách khách hàng, sản phẩm, nội dung chương trình…
Còn theo ghi nhận trong các đợt kiểm tra thực tế tại cơ sở thuộc công ty này cho thấy, đều có trang bị các phòng VIP nữ, nam để nhân viên trực tiếp dùng mỹ phẩm để phục vụ khách hàng thử và cảm nhận sản phẩm. Tuy nhiên, qua kiểm tra thì các nhân viên đều không có chứng chỉ hành nghề.
Bên cạnh, hàng hóa tại đây chủ yếu có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Một nồi áp suất có giá bán lẻ hơn 6 triệu đồng. Một bếp từ cũng được niêm yết với giá hơn 6 triệu đồng.
Máy Ozone Đa gần 12 triệu đồng/sản phẩm. Khi đoàn kiểm tra đặt câu hỏi với nhân viên về những mặt hàng giá cao hơn thị trường giới thiệu như thế nào để khách hàng mua, thì hầu hết đều trả lời chung chung hoặc nói qua loa: “ai dư tiền thì mua!”
Ông Võ Văn Nghi (xã Tân Hạnh- Long Hồ)- một trong những nạn nhân cho biết: Ông cùng một người bạn tham gia bán hàng đa cấp tại cơ sở Phụng Quần từ tháng 7/2013 qua giới thiệu của Tô Kim Đặng (xã An Bình- Long Hồ). Qua các chương trình “Long Phụng hòa ca”, “Rồng bay phượng múa”, ông mua 1 máy ozon với giá 7 triệu đồng.
Nhân viên công ty giới thiệu máy ozon có chức năng khử độc, khử trùng, diệt vi khuẩn trong thức ăn và nước uống. Năm 2014, ông được thoái vốn và nhận được số tiền 450.000đ. Sau khi ký hợp đồng và cấp mã số, nhân viên thường xuyên tư vấn ông tham gia bằng cách mua máy ozon hoặc gói chăm sóc sức khỏe.
“Nhân viên nói mua máy ở ngoài thì mất tiền, còn mua máy của hệ thống Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy thì không mất tiền mà còn được thoái vốn dài dài, nếu giới thiệu được người khác tham gia trong hệ thống của công ty. Vì nghe sẽ được thưởng hoa hồng và thoái vốn nên tôi đã mua mã dịch vụ. Đến nay, tôi không giới thiệu được ai, thời hạn hợp đồng cũng hết nên coi như mất gần hết số tiền khi tham gia ban đầu.”- ông Nghi cho biết.
Chữa bệnh không có chứng chỉ hành nghề
Theo ông Phạm Tứ Phương- Phó Giám đốc Sở Công thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, khi tham gia mạng lưới đa cấp thì cái lợi lớn nhất thuộc về người bán hàng và phần thiệt thuộc về người mua, thậm chí chất lượng sản phẩm chưa chắc tốt bằng bên ngoài.
“Bộ mỹ phẩm nhập chỉ có 10 USD thôi, nhưng bán lên trên 11 triệu đồng. Sản phẩm nhập vào chỉ có hơn 200.000đ thì chất lượng của nó như thế nào. Không chỉ vậy, hàng hóa ở đây đang vi phạm về nhãn hàng hóa, không có số lô, không có trọng lượng theo quy định.”- ông Trần Quốc Linh nói.
Theo BCĐ 389 tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh có trên 40 DN thông báo hoạt động bán hàng đa cấp, tất cả đều là các DN ở ngoài tỉnh. Đến nay, chỉ có 3 DN có địa chỉ hoạt động trên địa bàn tỉnh là: Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, Công ty TNHH Thiên Sư Việt Nam, Công ty CP Liên Minh tiêu dùng Việt Nam.
Một nạn nhân tham gia bán hàng đa cấp đang trình bày với cơ quan chức năng. |
Ông Trần Quốc Linh cho biết, từ đầu tháng 10/2015 đến nay, đoàn đã kiểm tra 6 cơ sở trên địa bàn tỉnh, phát hiện dấu hiệu sai phạm như: kinh doanh theo mô hình kim tự tháp; duy trì nhiều hơn 1 vị trí kinh doanh đa cấp, hợp đồng bán hàng đa cấp mã số kinh doanh đa cấp hoặc các hình thức khác tương đương đối với cùng một người tham gia bán hàng đa cấp; thu phí đối với việc cấp, đổi thẻ thành viên cho người tham gia bán hàng đa cấp; sử dụng người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh không có chứng chỉ hành nghề, không khám sức khỏe theo quy định, không có giấy phép hoạt động dịch vụ khám chữa bệnh…
Cũng theo ông Trần Quốc Linh, hoạt động chủ yếu của các DN bán hàng đa cấp là ký hợp đồng đại lý ký gửi hàng hóa tại các cơ sở kinh doanh trong tỉnh, sau đó các nhân viên bán hàng của DN đến nhận hàng của các đại lý này giao cho khách hàng.
Hàng hóa được các DN này kinh doanh chủ yếu là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng điện máy, điện tử, máy massage, may ozon... đa số các loại hàng hóa này được nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan... và một số được sản xuất trong nước.
Đang tham gia gói chăm sóc sức khỏe tại cơ sở Long Giang, ông Phạm Ngọc Chấn, 66 tuổi (xã Bình Phước- Mang Thít) cho biết: Do lao động chân tay, công việc nhiều nên thường xuyên xảy ra đau nhức, thận yếu. Nghe người cháu giới thiệu chăm sóc sức khỏe, tôi mua gói sản phẩm hơn 30 triệu đồng là: máy ozon, bộ chăm sóc sức khỏe, thẩm mỹ. Tôi làm ở đây được 10 lần, vào đây tôi được nhân viên đắp thuốc, xoa bóp, massage. Nhân viên nói là người nào cũng được cấp giấy chứng nhận tập huấn ở TP Hồ Chí Minh, nhưng không ngờ thực tế không phải vậy.
Theo ông Lưu Thành Đoàn- Chánh thanh tra Sở Y tế Vĩnh Long: “Việc mở ra các cơ sở chăm sóc sức khỏe như xoa bóp, bấm nguyệt, bó thuốc nhưng không có chuyên môn coi như vi phạm pháp luật, đặc biệt là vi phạm về Luật Khám chữa bệnh và Nghị định 76/CP của Chính phủ. Chúng tôi đang xem xét và sẽ xử phạt hành chính theo
quy định”.
Ông Trần Quốc Linh- Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường Hiện tại kiểm tra, tất cả nhân viên không có tập huấn, cơ quan y tế không có cấp giấy chứng nhận, không có giấy tờ hành nghề massage, bấm huyệt, nhân viên không có chuyên môn. Người dân đang lấy sức khỏe mình để đánh cược khi điều trị tại đây. |
Kỳ cuối: Bài học từ "giấc mơ triệu phú"
Bài, ảnh: MINH THẢO
[links(left)]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin