Quần áo, giày dép "3 không"-nguy hại khôn lường

06:10, 23/10/2015

Xu hướng mua hàng chỉ quan tâm giá cả và mẫu mã, mà ít chú trọng đến nguồn gốc xuất xứ là một trong những nguyên nhân các mặt hàng quần áo, giày dép, bóp,... không rõ nguồn gốc trên thị trường ngày càng tăng.

Xu hướng mua hàng chỉ quan tâm giá cả và mẫu mã, mà ít chú trọng đến nguồn gốc xuất xứ là một trong những nguyên nhân các mặt hàng quần áo, giày dép, bóp,... không rõ nguồn gốc trên thị trường ngày càng tăng.

Chi cục QLTT tỉnh tiêu hủy 8.000 đôi dép không rõ nguồn gốc.
Chi cục QLTT tỉnh tiêu hủy 8.000 đôi dép không rõ nguồn gốc.

Hàng hóa "3 không"

Theo Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc đang diễn biến khá phức tạp, gây tác hại cho sản xuất, thị trường hàng hóa và quyền lợi người tiêu dùng, người kinh doanh chân chính.

Hàng hóa vi phạm phổ biến là: thuốc lá điếu, mỹ phẩm, giày dép, mắt kính, dây nịt, ví, phân bón, đồ chơi trẻ em, thuốc tân dược, đồ điện, điện tử, thực phẩm đóng gói, thực phẩm chức năng…

Vừa qua, ngành chức năng đã phát hiện nhiều trường hợp vận chuyển nhiều loại hàng hóa không rõ nguồn gốc như: áo thun, áo ngực, quần lót, mắt kính, dây nịt, ví, ba lô... trong đó, đã tịch thu 8.000 đôi dép không rõ nguồn gốc.

Bà Nguyễn Thị Tố Quyên- Đội trưởng Đội QLTT số 1 cho biết: Thời gian qua, đã phát hiện nhiều trường hợp vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc. Các đối tượng thường xé lẻ hàng hóa để vận chuyển trên xe tải đem đi tiêu thụ.

Có thể thấy, hàng hóa không rõ nguồn gốc có mặt từ thực phẩm đến nhiều lĩnh vực khác, trong đó có quần áo, giày dép. Đây được xem là mặt hàng ít được người tiêu dùng quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ, bởi tưởng nó không trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe nên giá cả phù hợp túi tiền, mẫu mã bắt mắt là được.

Ông Trần Quốc Linh- Chi cục phó Chi cục QLTT tỉnh cho biết: Đây là những mặt hàng “3 không”: không rõ nguồn gốc, không có chất lượng, không trách nhiệm với người tiêu dùng.

Mới đây có nhiều thông tin về hàng dệt may của Trung Quốc bị phát hiện chứa hàm lượng formaldehyde cao quá mức cho phép. Trong khi đó, tại thị trường Việt Nam quần áo, mền gối Trung Quốc vẫn được bày bán tràn lan.

Ghi nhận tại một số cửa hàng bán quần áo, giày dép, bóp, dây nịt thì rất ít sản phẩm ghi thông tin cụ thể xuất xứ hàng hóa. Khi hỏi thì chủ cửa hàng chỉ trả lời lấy từ TP Hồ Chí Minh, bảo đảm 100% hàng Việt Nam. Trong khi đó, có rất nhiều mẫu không nhãn mác hoặc có chữ Trung Quốc nhưng không hề có nhãn phụ bằng tiếng Việt vẫn được bày bán.

Chủ một quầy hàng bán quần áo (Phường 1- TP Vĩnh Long) nói: “Khách đến mua hàng là xem kiểu dáng rồi hỏi giá, chứ không ai hỏi xuất xứ, đâu phải thức ăn đâu mà sợ hết hạn sử dụng hay ảnh hưởng sức khỏe (!?)”.

Đang chọn mua áo, chị Nguyễn Anh Thy (Phường 8- TP Vĩnh Long) nói: “Thường tôi mua đồ chỉ hỏi giá, xem mẫu, không quan tâm đến nơi sản xuất, vừa túi tiền, hợp mắt là được rồi”.

Cô Lê Thị Nhãn (xã An Phước- Mang Thít) nói: “Tôi có nghe được thông tin mang giày, dép nhựa bị đau nhức, lở loét chân, tôi rất lo nhưng khi muốn mua dép đảm bảo an toàn thì rất khó nhận biết đâu là hàng Việt Nam, đâu là hàng Trung Quốc, vì rất ít mẫu ghi nơi sản xuất, có đôi lại không có nhãn mác gì. Hỏi chủ cửa hàng thì họ nói các sản phẩm đều là hàng Việt Nam”.

Cẩn trọng khi mua hàng

Vì lợi nhuận, nhiều người đã bất chấp, sẵn sàng buôn bán, vận chuyển hàng không rõ nguồn gốc, trong đó mặt hàng quần áo, giày dép được xem là mặt hàng khá dễ ăn bởi rất ít bị kiểm tra. Rất nhiều trường hợp chỉ bị phát hiện trên khâu lưu thông khi ngang qua địa phận Vĩnh Long, đem đến các tỉnh khác tiêu thụ.

Ông Trần Quốc Linh- Chi cục phó Chi cục QLTT tỉnh cho biết: Không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, việc kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc còn gây tác hại lớn đến nền kinh tế, dẫn đến tình trạng không có tính cạnh tranh.

Nhiều nơi sản xuất chui, làm giả hàng hóa, ảnh hưởng đến cơ sở sản xuất chân chính, ảnh hưởng việc lưu thông hàng hóa.

Đồng thời, đây là một trong những nguyên nhân khiến hàng giả, hàng nhái ngày càng nhiều. Đối với những loại hàng hóa này buộc phải tiêu hủy, không được tái chế.

Ngành chức năng nên thường xuyên kiểm tra các mặt hàng quần áo, giày dép.
Ngành chức năng nên thường xuyên kiểm tra các mặt hàng quần áo, giày dép.

Có thể thấy, hiện còn nhiều người tiêu dùng có thu nhập thấp và thời buổi vật giá leo thang, họ đã dễ dàng làm ngơ và liều lĩnh mua, sử dụng hàng hóa không rõ nguồn gốc. Tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nhưng lâu dài có thể để lại những hậu quả khôn lường.

Vừa qua, có nhiều thông tin về loại dép gây mẩn ngứa, đau nhức chân hay áo chứa chất lạ, chất độc hại đã làm không ít người tiêu dùng lo lắng. Do đó, người tiêu dùng nên cẩn trọng trong việc lựa chọn hàng hóa.

Không phải hàng đắt tiền đã chắc chắn an toàn nhưng hàng giá càng rẻ thì càng nhiều nguy cơ thiếu an toàn. Vì vậy, người tiêu dùng không nên vì ham rẻ mà mua các mặt hàng không có nhãn mác, không biết rõ nguồn gốc, xuất xứ.

 

Đợt tiêu hủy hàng hóa tháng 9/2015, Chi cục QLTT tỉnh đã tiêu hủy gần 21.000 sản phẩm không rõ nguồn gốc. Trong đó, có 8.000 đôi dép nhựa, 2.350 mắt kính, trên 3.200 dây nịt, gần 700 quần áo, trên 800 ví, 100 đôi giày, 2.000 bài lá, gần 100 ba lô...

 

 

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh