Quản thuốc lá để chống buôn lậu

02:09, 22/09/2015

Tổng lượng thuốc lá tiêu thụ bình quân trong tỉnh năm 2013 là gần 46 triệu gói. Người tiêu dùng dễ dàng mua thuốc lá ở các nhà hàng, quán ăn, quán giải khát, tiệm tạp hóa.

[links()]

Tổng lượng thuốc lá tiêu thụ bình quân trong tỉnh năm 2013 là gần 46 triệu gói. Người tiêu dùng dễ dàng mua thuốc lá ở các nhà hàng, quán ăn, quán giải khát, tiệm tạp hóa. Đặc biệt, gần như rất ít người hút thuốc lá chú ý đến đây là thuốc lá “hợp pháp” hay nhập lậu…

Nhằm lập lại trật tự trong kinh doanh thuốc lá, chống thuốc lá nhập lậu, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch hệ thống kinh doanh bán buôn và bán lẻ thuốc lá giai đoạn 2013- 2020.

Hàng năm, lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã bắt giữ nhiều vụ buôn bán, tiêu thụ thuốc lá nhập lậu.Ảnh: THẢO NGUYÊN
Hàng năm, lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã bắt giữ nhiều vụ buôn bán, tiêu thụ thuốc lá nhập lậu.Ảnh: THẢO NGUYÊN

Điểm nóng buôn lậu thuốc lá

Thời gian qua, dù dân số tăng lên song lượng thuốc lá tiêu thụ trong tỉnh có xu hướng giảm, do sự quản lý của Nhà nước và sự nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của việc hút thuốc. Tổng lượng tiêu thụ bình quân trên địa bàn tỉnh năm 2013 gần 46 triệu gói (bình quân 44,2 gói/người/năm). Trong đó, cả người thu nhập cao lẫn thu nhập thấp đều có sử dụng thuốc lá. Nhiều nhất là nhóm trong độ tuổi lao động (25- 50 tuổi), đáng lo ngại là có không ít thanh- thiếu niên.

Người tiêu dùng dễ dàng mua thuốc lá ở các nhà hàng, quán ăn, quán giải khát, tiệm tạp hóa và các tủ thuốc ven đường; giá bán lẻ phổ biến từ 6.000- 25.000 đ/gói. Đa số người tiêu dùng ít quan tâm đến tính hợp pháp của sản phẩm. Các sản phẩm được tiêu thụ bao gồm sản phẩm sản xuất trong nước như: Cửu Long, Fasol, Basto xanh, Basto đỏ, Đà Lạt, Mélia, Craven A, 555… và các sản phẩm nhập khẩu Dunhill, Diamonds, Marlboro… Trong các loại thuốc lá được ưa chuộng nhất trên thị trường có cả các sản phẩm nhập lậu như Hero, Jet, 555, Scott (Hero và Jet chiếm khoảng 90%).

Do lợi nhuận từ buôn lậu thuốc lá rất cao (lên tới 30- 40%) nên từ nhiều năm nay, buôn lậu thuốc lá vẫn là vấn đề nghiêm trọng ở Việt Nam. Riêng Vĩnh Long, tuy không có cửa khẩu biên giới với Campuchia như Kiên Giang, An Giang, Long An hay Đồng Tháp nhưng vẫn được xác định là một trong 17 điểm nóng về buôn lậu thuốc lá cả nước. Hàng năm, lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã bắt giữ nhiều vụ buôn lậu, nhiều vụ có quy mô lớn. Nhờ các giải pháp quản lý, hiện thuốc lá điếu ngoại nhập lậu tuy không được này bán công khai như trước nhưng vẫn được các cơ sở kinh doanh lẻ bán lén lút với số lượng khá nhiều. Có nhiều nguyên nhân, trong đó, thủ đoạn của đối tượng buôn lậu thuốc lá rất tinh vi. Vì vậy, ngành chức năng nhận định: chống buôn lậu thuốc lá nhập lậu sẽ tiếp tục là vấn đề cần được quan tâm trong thời gian tới. Đồng thời, dự báo nguồn cung từ thuốc lá nhập lậu vẫn sẽ là một vấn đề đáng lưu tâm, đòi hỏi sự nỗ lực tiếp tục của các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng để có thể đẩy lùi và tiến tới ngăn chặn hoàn toàn.

Lập lại trật tự kinh doanh thuốc lá

Theo nghiên cứu của dự án, toàn tỉnh hiện có 1 nhà máy sản xuất thuốc lá đang hoạt động tại Phường 8 (TP Vĩnh Long). Sản lượng thành phẩm 60 triệu gói/năm, doanh thu 198 tỷ đồng/năm. Nhà máy chỉ bán buôn sản phẩm qua nhà phân phối và kênh bán buôn trực thuộc. Đồng thời, có 3 doanh nghiệp bán buôn đang hoạt động ở TP Vĩnh Long, Trà Ôn. Sản lượng tiêu thụ của 3 doanh nghiệp đạt 30 triệu gói/năm (chiếm khoảng 65% trên thị trường), doanh thu đạt 250 tỷ đồng/năm. Bên cạnh, có 15.809 cơ sở bán lẻ (tính chung tất cả các loại hình bán lẻ: tủ thuốc lá, nhà hàng, quán ăn, tiệm tạp hóa). Trong đó, chỉ có 8,38% cơ sở đã được cấp giấy phép bán lẻ. Tổng sản lượng bán ra gần 46 triệu gói/năm, doanh thu đạt hơn 436,5 tỷ đồng/năm. Trong đó, chủ yếu là thuốc lá sản xuất trong nước, một số ít thuốc lá ngoại, có cả thuốc nhập lậu.

Quy hoạch hệ thống bán buôn và bán lẻ thuốc lá trên địa bàn tỉnh được tiến hành trên nguyên tắc xác định thuốc lá là hàng hóa hạn chế kinh doanh, không khuyến khích tiêu dùng. Vì thế, Nhà nước sắp xếp lại, kiểm soát chặt chẽ sự phát triển, phân bố mạng lưới bán buôn và bán lẻ phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội và để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Cụ thể, số lượng thương nhân được cấp phép bán buôn sản phẩm thuốc lá tối đa là 23 thương nhân vào năm 2020 và 24 thương nhân năm 2025. Trong đó, TP Vĩnh Long là nơi tập trung nhiều nhất (khoảng 5 thương nhân), mỗi huyện còn lại có thể cấp giấy phép cho 1- 3 thương nhân. Đồng thời, đến năm 2016, đảm bảo tất cả các thương nhân bán lẻ thuốc lá trên địa bàn phải có giấy phép kinh doanh. Năm 2025, tối đa là 3.569 thương nhân được cấp giấy phép bán lẻ.

Theo Phòng Kinh tế TX Bình Minh, cần bàn giải pháp thực hiện quy hoạch hiệu quả, xây dựng lộ trình cụ thể. Bên cạnh, tăng cường tuyên truyền tất cả các thành phần, đoàn thể xã hội… Đồng thời, bày tỏ lo ngại: các hộ kinh doanh nhỏ chắc không đủ điều kiện nhưng cấm thì… rất khó. Đại diện Sở Khoa học- Công nghệ tỉnh thì cho rằng: Cần có giải pháp đột phá và đủ mạnh để thực hiện quy hoạch này, phân công trách nhiệm rõ ràng các cơ quan chức năng xử lý khi có vi phạm. Bên cạnh, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước phải làm gương trước. Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Nguyễn Văn Còn nhấn mạnh: Quy hoạch nhằm để chống buôn lậu, tránh hàng gian, hàng giả. Theo đó, công tác vận động tuyên truyền phải mạnh để thấm dần, thấm lâu.

Hiện có nhiều lực lượng tham gia quản lý kinh doanh thuốc lá trên địa bàn tỉnh gồm: ngành Công thương, Công an, chính quyền các địa phương... Tuy nhiên, hiệu quả quản lý vẫn chưa đạt yêu cầu vì số lượng cơ sở bán lẻ không đăng ký quá nhiều, tâm lý chuộng thuốc lá nhập khẩu giá rẻ của người tiêu dùng và sức hấp dẫn từ khoảng lợi nhuận cao thu được từ hoạt động buôn lậu thuốc lá. Cho thấy, quy hoạch hệ thống kinh doanh là yêu cầu cần thiết.

 

NAM ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh