Người lính già làm du lịch

10:06, 03/06/2015

Điểm vườn homestay của ông Tám Tiền (67 tuổi) ở xã An Bình (Long Hồ), được xem là điểm đến không thể thiếu của các đoàn cựu binh Mỹ, khi tham gia các tour du lịch về Vĩnh Long. 

[links()]

Điểm vườn homestay của ông Tám Tiền (67 tuổi) ở xã An Bình (Long Hồ), được xem là điểm đến không thể thiếu của các đoàn cựu binh Mỹ, khi tham gia các tour du lịch về Vĩnh Long.

Bởi ông Tám cũng là một thương binh thuộc binh chủng bộ binh- đặc công, từng tham gia nhiều trận đánh ác liệt khắp chiến trường U Minh.

Ông Tám Tiền (trái) và Đại tá Coward Tick gặp nhau tại Mỹ (ảnh chụp lại).
Ông Tám Tiền (trái) và Đại tá Coward Tick gặp nhau tại Mỹ (ảnh chụp lại).

Nhắc chiến tranh vì yêu chuộng hòa bình

“Cồn bộ đội”- xã An Bình, ngay đầu vàm Bà Vú, vài chục năm trước vẫn còn rất hoang vu giờ đã trở thành điểm nóng du lịch, “xúm xít” nhiều vườn sinh thái, homestay, những ngôi nhà gỗ mọc lên dọc dài theo con đê lở ngày nào.

Trong đó, vẫn còn một “ông chủ vườn” Tám Tiền giữ nguyên chất bộ đội Cụ Hồ, làm du lịch như làm chiếc cầu nối hòa bình với những người lính “cựu thù” năm xưa. Hơn 10 năm trước cũng vậy, giờ cũng vậy, câu chuyện du lịch luôn được ông bắt đầu bằng những hồi ức chiến tranh và miên man những kỷ niệm của những người lính từng ở 2 đầu chiến tuyến.

Có cảm giác ông nói hoài cũng không dứt chuyện ngày xưa. Bởi lẽ, ông kể về chiến tranh với tâm thế của người trong cuộc, với nỗi ám ảnh ghê gớm và muốn lý giải cho những nỗi đau, nỗi mất mát vô lý vì đạn bom, cùng những hoài niệm về những đồng đội đã hy sinh, như mong mỏi mãi mãi đất nước này, thế giới này đừng bao giờ còn có chiến tranh.

Cho đến nay, không thể kể hết những đoàn cựu binh Mỹ đã từng ghé lại đây. Có người từng tham gia chiến trường Khe Sanh, người từng lái máy bay thả bom trong 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội, người đã từng là hải quân trên chiến hạm 7 ở vàm Sông Đốc (Cà Mau), có cả người từng là trợ lý của Tổng thống Mỹ Lyndon B.Johnson... Và họ đã có những cuộc trò chuyện thẳng thắn, chân tình về những câu chuyện chiến tranh, rồi họ đã trở thành những người bạn của nhau.

Có những đêm ngồi cùng những cựu binh Mỹ, ông Tám Tiền lại kể về những trận đánh, những mất mát và gửi đến những người bạn Mỹ thông điệp hòa bình: “Vì chiến tranh mà đất nước tôi đổ biết bao xương máu, vì chiến tranh mà hơn 60.000 người lính Mỹ chết trận ở Việt Nam, vì chiến tranh bao đồng đội tôi đã vĩnh viễn ra đi, vợ chồng tôi thành những thương binh như thế này...

Đừng bao giờ gây ra chiến tranh dù bất cứ đâu trên thế giới này”. Một trong những lần như thế, câu chuyện và tiếng nói của ông đã được ghi âm và phát lại ở các trường đại học của Mỹ. Năm 2010, Hội Cựu chiến binh Mỹ mời 5 cựu chiến binh Việt Nam sang New York- Mỹ tham gia một hội nghị và có chuyến tham quan 40 ngày trên khắp nước Mỹ. Tại chuyến đi này, có những người bạn Mỹ đã bay về New York để gặp ông. Một kỷ niệm khó quên trong đời người lính già làm du lịch.

Làm du lịch... ngang xương

Nói về chuyện người lính, chuyện đánh trận nó như chảy ra từ trong máu thịt. Xong chiến tranh, cởi áo lính thì cả hai vợ chồng đều là thương binh lại thời buổi khó khăn nên đâu biết làm gì. Nhớ ngày từ Cà Mau đặt chân lên “cồn bộ đội” này là đúng vào 30 năm trước, cả vùng đất hoang vu; nên có lúc phải chạy về Cà Mau làm vuông tôm.

Cho đến năm 2000, khi đứa con gái út vừa học xong lớp nghiệp vụ du lịch ở Vũng Tàu, có ý định làm du lịch, ông cũng chẳng biết phải làm sao. Thôi thì theo kiểu nông dân miệt vườn, o bế lại vườn cây cho khách vào vườn ăn trái, cứ 10.000 đ/người, cá nấu món thành phẩm thời đó cứ 60.000 đ/kg, vậy mà khách kéo vô ào ào, có ngày được cả triệu bạc. Rồi đến khách Tây cũng ghé lại ăn uống, nghỉ đêm. Điểm du lịch Tám Tiền được lên guide book giá ăn ngủ trọn gói 10 USD/khách, vậy mà cho đến nay cả chục năm vẫn cứ giá đó làm tới. Hỏi ông: “Làm vậy sao có lời?” Ông Tám Tiền cười khà khà: “Mình là bộ đội Cụ Hồ mà, làm ăn thiệt tình, đàng hoàng chỉ cần có đồng vô, đồng ra cho mấy đứa nhỏ. Nhưng mình lời chuyện khác”. Ông lại cười hào sảng đúng giọng người...
Cà Mau.

“Cái lời” mà theo ông đó là qua những lần tiếp xúc, du khách sẽ hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam, hiểu được cuộc chiến tranh Việt Nam. Thông qua đó, cũng có những sự hỗ trợ ít nhiều đối với người dân ở cù lao. Như nhóm cựu binh Mỹ hỗ trợ một ngôi trường mẫu giáo ở Hòa Ninh, Thượng nghị sĩ Chuck đã tặng một số trang thiết bị cho thư viện, cựu binh Coward Tick tặng 1 cặp bò... Sắp tới đây, thông qua Tick, nhóm cựu binh tài trợ xây dựng ngôi trường mẫu giáo ở huyện Trần Văn Thời (Cà Mau). Trường được xây ngay bên cạnh hố bom B52, đã làm chết 31 người gồm học sinh, giáo viên và người dân trong chiến tranh. Đó cũng là ngôi trường mà ông Tám Tiền là thầy giáo, khi ấy vừa 19 tuổi. Sau biến cố đó, ông tham gia địa phương quân, rồi đi bộ đội luôn cho đến ngày
giải phóng.

Nằm ngay đầu vàm Bà Vú, nơi bắt đầu những tuyến đường thủy quan trọng nối liền Vĩnh Long với Cái Bè, điểm du lịch Tám Tiền có những thuận lợi khác ngoài cái tình của người lính làm du lịch. Đó là khu vườn rộng thênh thang 7.000m2, với đủ các loại cây trái quanh năm phục vụ du khách. Giữa những ngày nắng hạn, khu vườn vẫn tỏa bóng mát rượi, đủ các loại cá trong các ao mương đầy nước, gợi lên cảm giác yên bình của miền cây lành trái ngọt.

Ông Tám Tiền cứ nhắc đi, nhắc lại chuyện làm ăn phải chân thật, đàng hoàng. Mình là nông dân miền Tây, lại là người lính, ngoài chuyện kinh doanh phải nghĩ đến những lợi ích xã hội, nghĩ đến cộng đồng.

Giá cả ở đây ngày thường, hay lễ, tết gì cũng vậy, món ăn thành phẩm, cá 130.000 đ/kg, gà vườn 200.000 đ/kg. Ngoài ra, gia đình ông còn làm món lạp xưởng ngon, sạch theo đúng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, mỗi năm xuất bán trên 2 tấn lạp xưởng các loại.

 

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh