Giải pháp tiêu thụ hàng hóa hiệu quả

04:06, 23/06/2015

Thông qua các chương trình kết nối cung cầu, các doanh nghiệp (DN) ở Vĩnh Long đã có thêm cơ hội giao thương hàng hóa, tạo cầu nối, mở rộng thị trường vào các tỉnh- thành lớn.

[links()]

Thông qua các chương trình kết nối cung cầu, các doanh nghiệp (DN) ở Vĩnh Long đã có thêm cơ hội giao thương hàng hóa, tạo cầu nối, mở rộng thị trường vào các tỉnh- thành lớn.

Các buổi giao lưu, kết nối giúp doanh nghiệp tìm đầu ra.
Các buổi giao lưu, kết nối giúp doanh nghiệp tìm đầu ra.

Thiết thực, hiệu quả

Thời gian qua, nhiều chương trình xúc tiến, đẩy mạnh giao lưu, hợp tác đã được triển khai thực hiện giữa các DN Vĩnh Long và các DN trong khu vực, mở ra nhiều cơ hội hợp tác với sức tiêu thụ hàng hóa lớn. Qua đó, góp phần giúp các DN yên tâm đầu tư mở rộng quy mô, mạnh dạn liên kết sản xuất, kinh doanh.

Ông Hồ Trung Nghĩa- Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh cho biết: Theo phản hồi từ các DN, hợp tác xã, trong khi họ đang gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra, thì qua các buổi kết nối cung cầu không chỉ giúp đưa sản phẩm của DN vào các hệ thống phân phối các tỉnh- thành khác mà còn tạo điều kiện cho DN mở rộng mạng lưới phân phối. Kết nối giữa DN đang từng bước gia tăng về số lượng và quy mô, hầu hết đơn vị tham gia kết nối đã ghi nhận lợi ích từ việc hợp tác, đóng góp một phần quan trọng vào việc giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận cho các bên.

Vừa qua, Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh Vĩnh Long và Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi kết nối cung cầu với sự tham gia của nhiều nhà phân phối lớn như: SaTra, chợ đầu mối Thủ Đức, Hóc Môn, Vissan, Bình Điền, Công ty Bao bì Sài Gòn, Siêu thị Coopmart… Ông Nguyễn Ngọc Nhân- Giám đốc Hợp tác xã Chôm chôm Bình Hòa Phước (Long Hồ) cho biết: Vĩnh Long đa số là DN nhỏ và vừa, sức chống chọi với những biến động của thị trường rất yếu, muốn liên kết với các nhà phân phối nhưng lại khó tìm, chi phí cao. Đa số DN tự tìm đầu ra cho sản phẩm của mình, hình thành cung- cầu một cách tự phát. Qua các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu đã tạo điều kiện cho DN được tiếp cận, trao đổi và tiến tới ký kết các biên bản ghi nhớ, hợp đồng với các nhà phân phối tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh- thành khác.

Ông Nguyễn Minh Tho- Giám đốc Sở Công thương tỉnh nhận định: Từ chỗ hình thành cung- cầu một cách tự phát theo nhu cầu của mỗi DN, đến nay DN đã tham gia kết nối cung cầu sản phẩm của nhau dưới sự đồng hành của cơ quan quản lý nhà nước. Đây là giải pháp bán hàng hiệu quả, mang tính lâu dài và bền vững, các DN, đối tác an tâm hơn khi tham gia, sẽ mạnh dạn hơn trong cam kết sử dụng các sản phẩm của nhau.

DN cần nỗ lực hơn

Bên cạnh những kết quả đạt được, thì chương trình kết nối còn có những khó khăn là việc thực hiện hợp đồng còn chậm, chưa được suôn sẻ- nhất là đối với các DN có quy mô vừa và nhỏ. Bởi khi tiếp cận với hệ thống phân phối hiện đại của TP Hồ Chí Minh thì DN chưa đáp ứng được tiêu chí về hàng hóa, sản lượng sản phẩm chưa đạt yêu cầu, bao bì, mẫu mã, phương thức giao nhận, thanh toán… Trong khi đó, các hợp tác xã còn thiếu vốn, mặt bằng sản xuất chật hẹp, trang thiết bị sản xuất với công nghệ lạc hậu chưa phù hợp với quy mô phát triển sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…

Đại diện một DN đến từ TP Hồ Chí Minh cho biết: “Các DN còn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu với giá cả và chất lượng ổn định, chưa chú trọng trong việc phát triển xây dựng thương hiệu mặc dù có không ít những sản phẩm được đánh giá cao về chất lượng khi tham gia xuất khẩu”. Mặc khác, một số nhà phân phối nhận hàng từ DN Vĩnh Long nhưng số lượng mỗi lần chừng vài trăm ký và phải giao đến nơi nên DN Vĩnh Long cũng gặp không ít khó khăn vì chi phí vận chuyển… không đủ bù đắp.

Do đó, để việc kết nối cung cầu đạt hiệu quả cao hơn nữa, hàng năm bên cạnh việc tổ chức các cuộc kết nối tại khu vực TP Hồ Chí Minh, cần có định hướng tổ chức các cuộc kết nối ngoài vùng, làm sao để đưa hàng hóa của DN Vĩnh Long ngày càng thâm nhập sâu vào thị trường. Bên cạnh đó, DN cần cố gắng nâng cao trình độ quản lý, năng lực sản xuất, trang thiết bị đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn hàng hóa, bao bì mà thị trường đòi hỏi.

Ông Hồ Trung Nghĩa cho biết: Nhìn chung, nhu cầu về hàng nông sản đối với thị trường trong và ngoài nước là rất lớn, rất nhiều DN nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật rất quan tâm. Từng bước trung tâm sẽ tham mưu các cấp có thẩm quyền để có chiến lược khai thác, cung ứng cho thị trường này bằng cách liên kết trong nước, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức xúc tiến thương mại trong nước, hệ thống mạng lưới cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài và các tổ chức xúc tiến thương mại quốc tế uy tín để các DN gặp gỡ nhau, tìm đầu ra bền vững cho hàng hóa.

Ông Nguyễn Minh Tho- Giám đốc Sở Công thương tỉnh: Hiện nay, lượng cung và cầu của các DN là rất lớn, nhưng DN nhỏ có trở thành đối tác của DN lớn hay không còn phụ thuộc vào chất lượng hàng hóa, giá cả, điều kiện và thời gian giao hàng… của bên cung. Với mục tiêu hỗ trợ DN thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, tạo ra chuỗi liên kết phát triển, điều mà chúng tôi quan tâm nhất là chất lượng sản phẩm hàng hóa cũng như mẫu mã, giá thành, thời gian cung ứng phải mang tính bền vững và cạnh tranh cao. DN nên mở rộng không gian kết nối với các tỉnh- thành khác để tiết kiệm chi phí đầu vào chứ không nhất thiết phải gói gọn trong địa bàn của tỉnh nhà, mới có thể tồn tại và phát triển lâu dài được, khi mà sắp tới đây hàng hóa trong khối ASEAN ồ ạt tràn vào Việt Nam.

Tọa đàm kết nối cung cầu năm 2014 có sự tham gia của gần 30 DN, đơn vị của Vĩnh Long và TP Hồ Chí Minh, qua đó ký kết được 27 bản ghi nhớ hợp tác cung ứng và tiêu thụ sản phẩm. Sau 5 tháng ký kết, lượng hàng hóa DN Vĩnh Long cung cấp cho nhà phân phối khoảng 12 tấn, trị giá khoảng 1,3 tỷ đồng. Năm 2015, buổi kết nối có sự tham gia của 70 DN, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh. Sau buổi kết nối, đã có 69 cuộc tiếp xúc, bản ghi nhớ được ký kết.

 

Bài, ảnh: THẢO LY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh