Du lịch Vĩnh Long: Đi giữa màu xanh cù lao

04:06, 16/06/2015

Nơi "nút thắt" Mỹ Thuận, dòng sông Tiền tiếp tục phân luồng ra biển, đã tạo nên miền cù lao trù phú, để rồi những nông dân bình dị xứ này có điều kiện tạo nên miền cây trái xum xuê.

[links()]

Nơi “nút thắt” Mỹ Thuận, dòng sông Tiền tiếp tục phân luồng ra biển, đã tạo nên miền cù lao trù phú, để rồi những nông dân bình dị xứ này có điều kiện tạo nên miền cây trái xum xuê.

Cũng ở đây, hơn 30 năm trước, đã khởi phát nên “du lịch xanh” một cách tự nhiên, như chính cái tính cách của con người và đất đai vùng sông nước này vậy.

Du lịch sông nước Vĩnh Long. Ảnh: Vinh Hiển
Du lịch sông nước Vĩnh Long. Ảnh: Vinh Hiển

“Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy...”

Cái thuở ấy đã nhắc nhiều rồi, nhưng nó sẽ còn được nhắc mãi, đặc biệt là đối với những ai đã “đi” cùng nó từ cái thời làm du lịch... hồn nhiên quá cỡ. Mà cái thời đó, du lịch của cả nước mình cũng chỉ trong giai đoạn “dò dẫm” mà đi; cho nên việc xuất hiện điểm du lịch “nhà ông Sáu Giáo” ở 4 xã cù lao của Vĩnh Long, nó như một cú đột phá ngoạn mục.

Mà thực ra cái điểm du lịch đó rộng có vài công vườn trồng nhãn, phía trước là sân kiểng của nghệ nhân Sáu Giáo; so ra đâu thấm tháp gì với những khu du lịch sinh thái, du lịch trang trại rộng mấy mẫu đất như bây giờ. Vậy đó, mà khách đổ về Vĩnh Long ào ào. Thử hỏi mấy anh hướng dẫn du lịch kỳ cựu như: anh Hải, anh Vũ, anh Bình, anh Chức,... những người cho tới giờ này vẫn còn gắn bó với “du lịch xanh” thì chúng ta sẽ hiểu. Đó là cái hồn, cái chất trong sản phẩm du lịch. Mà những thứ này thì không có tiền bạc hay kỹ thuật trường lớp nào có thể tạo ra được.

Cái hồn đó là gì? Ai đời một ông chủ nhà tiếp khách mà... ở trần trùi trụi, gặp khách từ ngoài ngõ đã giơ tay chào rổn rảng và cười sảng khoái đúng chất miền Tây Nam Bộ. Một nông dân rặt ròng, nhưng có pha chút “tài tử” của một nghệ nhân đúng điệu; đặc biệt là biết tới... 3 ngoại ngữ. Gặp khách Tây cứ chào: “Hê- lô”, khi giới thiệu khách Pháp thì lại: “Bonjour”, còn gặp khách Nhật thì cứ: “konnichiwa” làm tới. Khách thì ngạc nhiên nhưng cũng cười xòa, nhưng khi được giải thích cái câu thành ngữ: “Tiếng chào cao hơn mâm cỗ”, thì đó là cả một sự giao lưu văn hóa tuyệt vời. Chưa kể, một kho tàng chuyện kể về đời sống, con người và văn hóa nông thôn, nó đã trở thành thứ sản phẩm du lịch tuyệt vời hơn.

Và miền cây trái Vĩnh Long với “trái cây ăn bụng”.Ảnh: N.TRẢNG
Và miền cây trái Vĩnh Long với “trái cây ăn bụng”.Ảnh: N.TRẢNG

Rồi tiếp nối đó, là những điểm du lịch của các lão nông: Tám Hổ, Ba Hùng, Ba Lình, Mười Đầy, Tám Tiền,... đã tạo nên mảng du lịch xanh ở các xã cù lao sôi động hẳn lên; để rồi từ đó chúng ta làm du lịch một cách bài bản hơn, mang nhiều dấu ấn hơn. Tiến tới ký kết hợp đồng trực tiếp với các hãng du lịch lớn ở những thị trường khó tính như: Thụy Sĩ, Nhật,
Pháp, Anh...

Những ấn tượng khó phai

Cho tới giờ này, có lẽ tour về ĐBSCL ấn tượng nhất và chưa bao giờ lặp lại được, đó là chuyến thám hiểm hạ lưu sông Mekong, được Công ty Du lịch Cửu Long lúc bấy giờ tổ chức cho đoàn sinh viên Trường Đại học Chuuo- Osaka của Nhật Bản. 13 ngày đêm vừa lênh đênh trên sông nước, vừa dừng chân ngủ đêm ở những nhà dân dọc theo đường thuộc các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang. Ở chuyến đi này, du khách phải tự giặt quần áo, tự làm thức ăn và từ 4- 5 giờ sáng phải thức dậy đi chợ quê cùng với chủ nhà. Đó thực sự là một tour lý thú mang đến cho du khách những trải nghiệm khó quên trong đời. Sau chuyến đi đó, các bạn sinh viên Nhật Bản đã viết được một tập sách là tập hợp những bài viết, mà đó cũng là những tiểu luận của các bạn trước khi tốt nghiệp. Cũng sau chuyến đi này, đã có nhiều bạn trở lại Vĩnh Long như “trở về nhà” của mình vậy.

Kể lại câu chuyện này, để một lần nữa chúng ta thấy rằng, từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Vĩnh Long đã biết làm du lịch xanh, kết hợp với ngủ nhà dân, đồng thời khám phá chiều sâu đời sống sinh hoạt và nét văn hóa nông thôn Nam Bộ, thông qua chương trình tour được xây dựng độc đáo để đưa du khách tiếp cận sâu hơn vào cuộc sống con người ĐBSCL. Từ đây, du lịch Vĩnh Long đã tạo dựng được thương hiệu với các hãng lữ hành quốc tế; cũng từ đây các tour ngủ đêm lúc nào cũng được tổ chức phục vụ một cách rất chu đáo, phong phú, hấp dẫn du khách.

Nói vậy không có nghĩa là thời đó chúng ta làm du lịch chuyên nghiệp, mà thực ra có rất nhiều khó khăn và vừa làm vừa... rút kinh nghiệm. Những ai đã từng làm việc lâu năm ở Công ty Du lịch Cửu Long trước đây, vẫn thường kể về những chuyến “mắc cạn” trên sông, như những kỷ niệm không thể nào quên. Lúc phải đậu tàu chờ hàng tiếng đồng hồ, khi dẫn khách đi bộ cả cây số, lúc thì lái tàu và hướng dẫn xắn quần đẩy xuồng... tới bến. Chính cái chất, cái hồn nhiên của cái thuở ban đầu làm du lịch ấy, lại càng tạo thêm cảm tình của khách.

Du lịch Vĩnh Long hôm nay vẫn tiếp tục “đi trong màu xanh đồng bằng”, nhưng trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn mới, cùng đó là sự cạnh tranh quyết liệt trong khi việc khai thác nguồn khách trực tiếp. Trên nền tảng ban đầu, du lịch Vĩnh Long vẫn tiếp bước trên sự định hình để phát huy thế mạnh du lịch xanh miệt vườn gắn với homestay- xứng đáng là địa phương đã tạo ra nhiều sản phẩm đặc trưng và vẫn đang phát triển nó một cách
thầm lặng.

NGỌC TRẢNG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh