Mở lối cho du lịch Vĩnh Long

04:04, 14/04/2015

Ngay đầu năm 2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) đã phê duyệt Đề án "Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL". Đề án cho thấy có sự nghiên cứu sâu của từng vùng địa lý, kèm theo những dự án có tính khả thi cao. 

[links(left)]

Ngay đầu năm 2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) đã phê duyệt Đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL”. Đề án cho thấy có sự nghiên cứu sâu của từng vùng địa lý, kèm theo những dự án có tính khả thi cao.

Đặc biệt, trong chương trình này, nhiệm vụ xây dựng không gian Bảo tàng Nông nghiệp ĐBSCL được giao cho tỉnh Vĩnh Long thực hiện; cùng với nhiều sản phẩm đặc thù sông nước là thế mạnh của du lịch Vĩnh Long.

“Xây nền” cho sản phẩm đặc thù

Những vườn cam của nông dân huyện Tam Bình, ven tuyến sông Măng Thít, cũng là những điểm đến hấp dẫn.
Những vườn cam của nông dân huyện Tam Bình, ven tuyến sông Măng Thít, cũng là những điểm đến hấp dẫn.

Trước đây, Bộ VH, TT và DL cũng đã có phân vùng du lịch ĐBSCL theo từng cụm địa lý, tuy nhiên đó chỉ là quy hoạch, tầm nhìn chung nhằm định hướng phát triển cho từng giai đoạn trong tương lai. Còn trong Quyết định 194/QĐ- BVHTTDL, được phê duyệt đầu năm 2015, về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL” đi sâu cụ thể vào từng sản phẩm liên kết của từng địa phương, kèm theo đó là danh sách các dự án được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2015- 2017.

Đáng chú ý, Vĩnh Long là địa phương được phê duyệt phát triển một số sản phẩm quan trọng ở cấp quốc gia. Như chương trình tham quan trải nghiệm cuộc sống cộng đồng gắn với những giá trị cảnh quan sông nước và văn hóa cộng đồng; các địa bàn chính gồm: Cần Thơ, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp, Long An, theo tuyến đường sông. Bên cạnh đó, các địa phương khác được ưu tiên phát triển du lịch sinh thái; trải nghiệm các giá trị văn hóa tiêu biểu; cùng những sản phẩm du lịch cấp vùng. Những chương trình này hướng đến những thị trường phù hợp cho khách quốc tế: Mỹ, Pháp, Anh, Úc, Nhật, Hàn Quốc và thị trường khách nội địa từ: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, các tỉnh miền Trung.

Tìm hiểu quy trình canh tác lúa là một trong những chương trình hấp dẫn khách quốc tế.
Tìm hiểu quy trình canh tác lúa là một trong những chương trình hấp dẫn khách quốc tế.

Để phát triển hệ thống sản phẩm đặc thù vùng là việc hình thành sản phẩm du lịch có giá trị đặc thù cao, như: cải tạo, nâng cấp các hạng mục và yếu tố hình thành sản phẩm. Nâng cấp hệ thống tàu thuyền, cải thiện cơ sở hạ tầng và hệ thống thu gom xử lý rác thải trên các tuyến sông nội vùng và kết nối đến Campuchia. Đào tạo kỹ năng homestay, giao tiếp ứng xử, phục vụ khách, hỗ trợ trang thiết bị, đào tạo hướng dẫn viên tại điểm. Đặc biệt, Vĩnh Long là 1 trong 4 địa phương được xây dựng những công trình quan trọng, gồm: xây dựng không gian Bảo tàng Nông nghiệp lúa nước ĐBSCL tại Vĩnh Long; không gian bảo tàng về dừa ở Bến Tre; không gian bảo tàng về ẩm thực Nam Bộ tại Đồng Tháp; nâng cấp Bảo tàng văn hóa Khmer tại Trà Vinh.

Cơ hội để phát triển

Từ nhiều năm nay, các doanh nghiệp của Vĩnh Long cũng đã tự mình xây dựng những sản phẩm khai thác tính đặc thù về văn hóa lúa nước, những chương trình gieo, cấy và thu hoạch lúa đã tạo nên sự thích thú cho khách quốc tế. Tuy nhiên, theo đại diện Công ty Mekong Travel, trong điều kiện “tự bơi” thì khâu tổ chức của doanh nghiệp phải gánh thêm nhiều chi phí và rất bất cập về thời gian. Như để tổ chức tour gặt lúa, du khách phải đặt tour trước từ 6 tháng, nên gặp khó trong chào bán tour. Do đó, nếu Vĩnh Long xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp lúa nước ĐBSCL sẽ là tin vui cho nhiều doanh nghiệp, cũng là niềm vui chung của du lịch Vĩnh Long, vì chắc chắn rằng đây sẽ là điểm đến vô cùng hấp dẫn không thể thiếu khi du khách muốn tìm hiểu, tham quan về ĐBSCL. Đây cũng sẽ trở thành nơi tìm hiểu học tập, nghiên cứu về lịch sử hình thành phát triển vùng đất Nam Bộ.

Đây là dự án tầm vóc và đặc biệt quan trọng, nên ngay sau khi có quyết định của Bộ VH, TT và DL, thì Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đã có ý kiến: “Giám đốc Sở VH, TT và DL chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL” đã được Bộ VH, TT và DL phê duyệt; đồng thời khẩn trương hoàn thiện Đề án xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp lúa nước vùng ĐBSCL, trình UBND tỉnh”.

Riêng việc xây dựng và khai thác các tour tuyến sông nước miệt vườn hiện nay, ông Phan Văn Giàu- Phó Giám đốc Sở VH, TT và DL, cho rằng: Chúng ta mới chỉ “đi lại” trên sông; có nghĩa là mới có khai thác cái chức năng “vận chuyển”, mà chưa tổ chức được việc vui chơi, giải trí trên sông; chưa khai thác được sinh hoạt, văn hóa sông nước đặc thù của miền Tây Nam Bộ. Ý kiến này phù hợp với đề án phát triển của Bộ VH, TT và DL, khi hình thành các tuyến trải nghiệm đường sông, từ TP Hồ Chí Minh- Tiền Giang- Bến Tre- Cần Thơ; hoặc ở lại nhà dân, tìm hiểu văn hóa sông nước, ngủ trên tàu thuộc các tuyến sông Tiền và sông Hậu.

Một số nét chính trong đề án phát triển du lịch vùng ĐBSCL cho thấy, Vĩnh Long đang có nhiều cơ hội tốt để phát triển sản phẩm đặc thù của địa phương và khu vực. Cũng là cơ hội để du lịch có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong tương lai.

Hình thành các tuyến trải nghiệm sản phẩm đặc thù: TP Hồ Chí Minh- Cần Thơ (chợ nổi Phụng Hiệp, tìm hiểu cuộc sống người dân ven sông)- Vĩnh Long (tìm hiểu canh tác lúa, lưu trú nhà dân)- Tiền Giang (tìm hiểu sinh kế miệt vườn trên cù lao)- Bến Tre (tìm hiểu làng nghề, cuộc sống người dân cù lao và ven sông).

 

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh