Tiềm năng du lịch cặp tuyến sông Măng Thít là rất lớn, trong gần 8 năm qua các hãng lữ hành kinh doanh tàu du lịch đã khai thác khá hiệu quả các điểm vườn thuộc các xã
Tiềm năng du lịch cặp tuyến sông Măng Thít là rất lớn, trong gần 8 năm qua các hãng lữ hành kinh doanh tàu du lịch đã khai thác khá hiệu quả các điểm vườn thuộc các xã: Xuân Hiệp (Trà Ôn), Hòa Hiệp (Tam Bình), Tân An Hội (Mang Thít). Gần đây, Xinh Ba lô khai thác các điểm dừng chân tour xe đạp và một số người dân tự đầu tư khai thác homestay ở xã Phú Thịnh (Tam Bình).
Tiềm năng văn hóa bản địa
Hiện có khoảng trên 90% lượng khách, tour tuyến du lịch đến Vĩnh Long đều gắn với tuyến sông Tiền, thông qua cửa ngõ Cái Bè (Tiền Giang), khai thác các điểm vườn thuộc 4 xã cù lao (Long Hồ). Tuy nhiên, hiện nay Vĩnh Long mất dần thế mạnh; ngoài ra trong sự cạnh tranh tập trung nhiều doanh nghiệp vào đây, đã làm cho tuyến đường sông càng trở nên “chật chội”, cần sự mở rộng “giãn nở” ra những tuyến đường thủy huyết mạch khác. Trong điều kiện này, sông Măng Thít là lựa chọn lý tưởng. Trong khi các doanh nghiệp Vĩnh Long chưa mạnh dạn khảo sát xây dựng tour tuyến, thì các hãng lữ hành ở TP Cần Thơ đã khai thác rất hiệu quả tuyến sông Măng Thít cách đây gần 8 năm.
Điểm homestay của ông Năm Bên (ấp Phú Hữu Đông, xã Phú Thịnh). |
Những hãng lữ hành chuyên khai thác nguồn khách du thuyền, thường là dạng khách có thu nhập cao. Theo các hướng dẫn cho biết các tour trong khoảng 3- 4 ngày, có giá từ 15 triệu đồng trở lên, tàu xuất phát từ Cần Thơ chạy dọc theo sông Măng Thít, qua các địa bàn TX Bình Minh, các huyện: Trà Ôn, Mang Thít, Tam Bình. Đây là điều đáng tiếc, cho một tuyến sông đẹp và phong phú về nét văn hóa, sinh hoạt cộng đồng ở hạ lưu sông Mekong; nhưng cho đến nay các công ty du lịch Vĩnh Long chưa quan tâm khai thác, trong khi chúng ta có thừa khả năng đầu tư cho những du thuyền cỡ nhỏ trong khoảng từ 5- 20 khách.Cho đến nay, khoảng 10 du thuyền lớn nhỏ gồm: Bac Sac, Mekong eyes, Dragon eyes, đều có chương trình dừng chân dùng trái cây, kết hợp đi bộ quanh làng tham quan vườn cây, nét sinh hoạt nông thôn trên các xã: Xuân Hiệp (Trà Ôn), Hòa Hiệp (Tam Bình), Tân An Hội (Mang Thít). Nhìn trên vàm sông Ông Đệ, nơi tiếp giáp giữa sông Ông Đệ và sông Măng Thít, có 3 công trình kiến trúc của 3 tôn giáo rất độc đáo, đó là: nhà thờ Công giáo thuộc xã Xuân Hiệp, Thánh tịnh Ngọc Sơn Quang (Cao đài) và chùa An Lạc (Phật giáo). Các điểm này không xa nhau lắm và đều nằm cặp hai bên bờ sông Măng Thít, rất phù hợp tour tracking (đi bộ). Các công trình này, đều nằm xoay quanh điểm nhà vườn của ông Tư Be (Ấp 7, xã Hòa Hiệp). Theo ông Tư Be, việc các du thuyền chọn nhà mình làm điểm dừng chân xuất phát từ việc tình cờ vào năm 2007. Khi tàu Bac Sac neo đậu trước bến sông cho khách lên bờ đi dạo, tình cờ hỏi mua 2 trái mít chín, nhưng vợ chồng ông Tư Be không lấy tiền; mấy hôm sau tàu đậu lại dịp nhà ông dỡ chà, người hướng dẫn hỏi mua 1kg tôm và ghé nhờ nhà ông nướng ăn. Cách tiếp khách chân tình, thật thà làm cho du khách rất thích thú, nên người hướng dẫn có báo lại cho công ty qua khảo sát và đề nghị gia đình ông Tư Be hợp tác làm điểm dừng chân thường xuyên cho khách du thuyền. Cho đến nay, cặp tuyến sông Măng Thít, đã có thêm nhiều điểm dừng chân như nhà ông Tư Be.
Cần đẩy mạnh xúc tiến du lịch
Vừa qua, Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch và Phòng Nghiệp vụ Du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), phối hợp với Phòng Văn hóa- Thông tin huyện Tam Bình đã khảo sát tiềm năng phát triển du lịch huyện Tam Bình; trong đó, một số điểm du lịch do người dân tự đầu tư hoặc liên kết với các công ty đón khách trong nhiều năm qua. Tại các nhà vườn cặp tuyến sông Măng Thít, thuộc địa bàn xã Hòa Hiệp (Tam Bình), nhiều nông dân kết hợp với các tàu du lịch đón khách dừng chân dùng trái cây, tham quan. Ngoài ra, các điểm dừng chân đón khách tour xe đạp của Xinh Ba lô; hay điểm homestay của ông Năm Bên, thuộc xã Phú Thịnh. Ông Nguyễn Khắc Khoan- Phó Phòng Nghiệp vụ du lịch, cho rằng: Đoàn khảo sát nhằm hỗ trợ người dân trong việc quảng bá hình ảnh, tư vấn pháp lý hướng dẫn thủ tục hoạt động đúng theo Luật Du lịch. Đồng thời, giúp cho ngành có kế hoạch định hướng và phát huy tiềm năng du lịch của địa phương trong tương lai.
Điểm đón khách du thuyền nhà ông Năm Be (Ấp 7, xã Hòa Hiệp). |
Qua cuộc khảo sát ngành du lịch địa phương nắm được tiềm năng và thực tế phát triển của du lịch Tam Bình; nhưng cho đến nay đa phần chỉ là sự phát triển tự phát. Trong hướng tới của Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch, trong khả năng của mình sẽ hết sức hỗ trợ người dân phát triển kinh doanh, thông qua công tác quảng bá, xúc tiến, cũng như mời các chủ nhà vườn đi tham quan các mô hình homestay, tham gia các hội chợ để có điều kiện tiếp cận nguồn khách rộng rãi hơn.Như tại điểm nhà ông Năm Bên (ấp Phú Hữu Đông, xã Phú Thịnh) đang đầu tư đón khách du lịch dạng homestay. Tuy nhiên, do người dân còn bỡ ngỡ nên rất cần sự hỗ trợ nhiều mặt từ ngành du lịch, cũng như chính quyền địa phương. Theo ông Lưu Hoàng Minh, điểm nghỉ này có nhiều lợi thế về mặt cảnh quan, nét sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt nông nghiệp phong phú, nhưng cần tiếp tục cải tạo phù hợp, hấp dẫn hơn. Điểm homestay của ông Năm Bên, nằm cạnh con rạch nhỏ, xung quanh là những ruộng lúa bát ngát, đã có nhiều khách nghỉ dưỡng rất thích thú với những trải nghiệm cùng ăn, cùng ngủ với người dân nông thôn Việt Nam. Dù chỉ mới thực sự đón khách từ tháng 7/2014, nhưng cho đến nay đã có nguồn khách đến từ 20 quốc gia khác nhau. Mặt lợi thế của ông Năm Bên là có 2 người con gái đang công tác trong ngành du lịch ở TP Hồ Chí Minh, nên không lo việc khai thác khách. Hiện ông đang nhờ địa phương giúp đỡ hoàn thành một số thủ tục cuối cùng, để có thể chính thức đón khách quốc tế đúng theo quy định của ngành kinh doanh có điều kiện.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin