Gần đây đàn dê của tôi có dấu hiệu ít di chuyển, không ăn, phần bụng bên trái của dê to hơn so với bình thường, một vài con rên la. Xin hỏi Bạn Nhà nông dê bị bệnh gì và phòng trị như thế nào?
Phan Thị Năm
(Xã Trà Côn, huyện Trà Ôn)
Chị Năm mến!
Những triệu chứng trên có thể đàn dê đã bị bệnh chướng hơi dạ cỏ. Dù chỉ là bệnh rối loạn tiêu hóa nhưng nếu không điều trị kịp thời sẽ gây chèn ép tim, phổi ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn và hô hấp gây nguy hiểm tính mạng.
Bệnh chướng hơi dạ cỏ thường do nguyên nhân đến từ thức ăn là chủ yếu. Những cây chứa nhiều nước như cỏ non, cây họ đậu, thân cây bắp non, dây khoai lang, cây có mủ chát như lá cây râm bụt, cây măng, khoai mì hay do ăn phải cây cỏ bị phun thuốc trừ sâu.
Chướng bụng ở bên trái của dê, có thể nhìn thấy rõ rệt phần bụng bị phình to. Khi sờ nắn, gõ vào phần bụng bị phình có thể cảm nhận được sự căng phồng do khí, cảm giác khi sờ vào gần giống như sờ vào một quả bóng được bơm căng. Dê ít di chuyển, không ăn và không thấy nhai lại. Biểu hiện khó thở: thở bằng miệng, lè lưỡi, thở gấp, hai chân trước dạng ra. Con vật đau đớn, rên la, quất đuôi hoặc đá vào vùng bụng bị sưng phồng. Khi dê có biểu hiện đi lảo đảo, nằm nghiêng sẽ rất nguy hiểm. Do tim phổi bị chèn ép làm máu không lưu thông, tĩnh mạch cổ phình to, mạch yếu, giảm huyết áp kéo dài sẽ khiến dê bị ngạt, nhiễm độc máu và chết.
Để phòng bệnh, cần cho dê ăn uống hợp lý, tránh các loại thức ăn gây chướng hơi cùng với việc quan sát dê có biểu hiện bất thường để xử lý kịp thời. Tránh cho dê ăn cỏ non vào sáng sớm, nhất là khi sương còn đọng trên cỏ khiến độ ẩm trong thức ăn quá cao (có thể phơi để giảm độ ẩm trong thức ăn) và tránh các loại thức ăn dễ lên men, có chất gây độc. Cho ăn khẩu phần hợp lý giữa lượng thức ăn tinh và thô, nếu có thay đổi thức ăn cần thay đổi từ từ để tránh các bệnh rối loạn tiêu hóa.
Khi phát hiện dê bị chướng hơi dạ cỏ, cần cho nhịn ăn 1-2 ngày rồi sau đó cho ăn lại. Nguyên tắc để điều trị bệnh này là làm sao cho lượng khí tích trong dạ cỏ thoát ra càng sớm thì càng tốt, giảm việc sinh thêm hơi và hồi phục lại chức năng các cơ quan. Để tăng cường thoát hơi cho dạ cỏ có thể dùng các loại thuốc như MgSO4 và Na2SO4. Để giảm sinh hơi và lên men: pha 100ml rượu với tỏi giã 3-4 củ, giấm ăn 500ml pha với 1 lít nước hoặc bia lạnh cho dê uống.
BẠN NHÀ NÔNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin