Tôi muốn nuôi thỏ sinh sản. Xin Bạn Nhà nông hướng dẫn cách nuôi đạt hiệu quả.
Phan Thị Thắm
(Xã Song Phú, huyện Tam Bình)
Chị Thắm mến!
Thỏ nuôi khoảng 5,5-6 tháng sẽ bắt đầu sinh sản. Một năm thỏ cái đẻ 6-7 lứa, mỗi lứa 6-7 con. Khi nuôi thỏ sinh sản cần chọn thỏ giống phải nhanh nhẹn trong bầy có cha, mẹ tốt, thỏ làm giống có thể cai sữa muộn hơn khoảng 6 tuần tuổi thay vì 3-4 tuần. Chọn thỏ to con nhưng không quá mập. Cần chọn con giống dài và rộng ngang nhau, nhất là phần mông, đầu tương đối nhẹ, lông mướt mịn. Nên phối cho thỏ ở giai đoạn 8 tháng tuổi đối với thỏ đực và 6 tháng đối với thỏ cái.
Thời gian mang thai của thỏ là 30 ngày, có thể sớm hoặc muộn hơn 1-2 ngày. Thỏ có thai thì nên đặt thỏ ở nơi yên tĩnh, kín đáo và sau 14-15 ngày thì khám thai, không nên khám thai sau ngày thứ 18.
Trước khi đẻ, thỏ mẹ sẽ cắn lông ở bụng và lót vào ổ. Thỏ đẻ nhanh (khoảng 15-20 phút) và tự ra nhau thai. Cần theo dõi để đem thỏ con ra, đôi khi giúp mở bao ối tránh thỏ con bị ngộp; ngoài ra còn tránh thỏ mẹ đạp, cắn hoặc ăn con (nhất là ở lứa đầu) sẽ giúp giảm tỷ lệ hao hụt.
Cho thỏ sơ sinh bú là điều quan trọng, nếu thực hiện cẩn thận và đầy đủ sẽ nâng cao số con còn sống sau cai sữa. Thỏ con cần được sự giúp đỡ để bú mẹ, đặc biệt là thỏ mẹ ở lứa đầu, mỗi ngày cho bú chỉ 1 lần vào buổi sáng. Thỏ con sơ sinh có thể tách ra khỏi mẹ để vào ổ lót bằng nhựa nơi khô ráo, ấm áp và tránh bị thỏ mẹ vào ổ đẻ bới con văng ra hay đè chết. Thỏ con bú đầy đủ sẽ ngủ yên và da căng bóng, trường hợp thiếu sữa thỏ sẽ cựa quậy nhiều và nhăn da, gầy còm.
Thỏ con rất dễ nhiễm E.coli từ môi trường nuôi, từ mẹ… nên có thể phát bệnh từ rất nhỏ (ngay tuần đầu). Có thể áp dụng biện pháp phòng bằng kháng sinh ở ngày thứ 5-7 với: Aralis (1 ml/5kg thể trọng uống 3 ngày liên tục). Cũng cần tiêm phòng bệnh nguy hiểm nhất và rất phổ biến là bệnh xuất huyết thỏ lúc 2 tháng tuổi. Thỏ mẹ sau khi sinh nên được tiêm kháng sinh 3 ngày để phòng viêm nhiễm.
BẠN NHÀ NÔNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin