(VLO) Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, phân bón (PB) hữu cơ (HC) là một yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp xanh và bền vững ở ĐBSCL, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.
Cần đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về phân bón hữu cơ. |
Xu hướng tất yếu nhưng còn nhiều thách thức
Theo ngành chức năng, nếu trước đây, nhiều phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, vỏ trấu, bã mía, phân gia súc, các loại lá cây… sau thu hoạch thường bị coi là phế phẩm bỏ đi thì ngày nay, nông dân đã tận dụng các nguồn phụ phẩm này để tái chế thành PB HC, có thể cung cấp nguồn dinh dưỡng tự nhiên cho đất, bổ sung vi sinh vật có lợi, giảm phụ thuộc vào PB hóa học.
“Từ phụ phẩm nông nghiệp đến PB HC” không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn giúp người nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất.
Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, việc xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng PB HC có thể giúp gia tăng khả năng cạnh tranh của nông sản trên thị trường.
Không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn nâng cao chất lượng nông sản, giúp cải thiện thu nhập và đời sống cho nông dân. Đây được coi là một hướng đi bền vững, góp phần xây dựng nền nông nghiệp tuần hoàn và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đánh giá tầm quan trọng của việc sử dụng PB HC trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, ông Nguyễn Văn Liêm- Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT tỉnh, cho biết: Tăng trưởng xanh là xu hướng tất yếu và sản xuất nông nghiệp xanh với việc ứng dụng PB HC chính là nền tảng cho sự phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp- nông dân- nông thôn và xây dựng NTM thông minh, góp phần bảo vệ môi trường, tăng cường khả năng tái tạo và duy trì các nguồn tài nguyên dinh dưỡng phục vụ sản xuất nông nghiệp bền vững, đặc biệt góp phần nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, tăng hiệu quả kinh tế và nâng cao vị thế cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước.
Theo PGS.TS Lê Nguyễn Đoan Khôi- Trưởng Phòng Quản lý khoa học (Trường ĐH Cần Thơ), PB HC được sử dụng rộng rãi ở ĐBSCL do nguồn nguyên liệu dồi dào và giá thành tương đối thấp để sản xuất loại PB này. Tuy nhiên, năng suất và chất lượng PB HC hiện vẫn còn hạn chế, trong khi nhu cầu sử dụng PB HC ngày càng cao.
Song song đó, việc nông dân áp dụng PB HC trong canh tác nông nghiệp còn gặp thách thức do năng suất của PB HC thường thấp hơn so với PB hóa học, giá thành cao, nhiều nông dân còn hạn chế về kiến thức và kỹ thuật sử dụng PB HC, số lượng cơ sở sản xuất PB HC còn ít, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường.
Trong bối cảnh này, các chuyên gia cho rằng cần có những giải pháp toàn diện để nâng cao chất lượng và sản lượng PB HC thông qua việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cùng sự hỗ trợ từ các chính sách khuyến khích của Nhà nước, từng bước giúp nông dân hình thành thói quen sử dụng PB HC trong canh tác nông nghiệp.
Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức
Hội thảo “Vai trò của PB HC trong sản xuất nông nghiệp xanh bền vững” đã đánh giá vai trò của PB HC trong sản xuất nông nghiệp xanh bền vững ở ĐBSCL; ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ 4.0 vào sản xuất nhằm tiết kiệm PB; đồng thời, đề ra một số giải pháp xây dựng và phát triển chuỗi liên kết sản phẩm PB HC thế hệ mới…
Khẳng định việc số hóa dữ liệu sản xuất nông nghiệp sẽ giúp quản lý hiệu quả hơn việc sử dụng PB HC, TS Trương Minh Thái- Trưởng Khoa Công nghệ phần mềm (Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông- Trường ĐH Cần Thơ), cho biết: “Các hệ thống thông tin về mùa vụ, dự báo thời tiết, điều kiện môi trường, biến động thị trường, công nghệ truy xuất nguồn gốc… sẽ hỗ trợ người nông dân tối ưu hóa quá trình canh tác, tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường”.
Theo nghiên cứu của PGS.TS Huỳnh Việt Khải- Trưởng Khoa Kinh tế tài nguyên và môi trường (Trường Kinh tế- Trường ĐH Cần Thơ), nhiều nông dân tại ĐBSCL đã bắt đầu chấp nhận sử dụng PB HC lỏng (LOF) trong canh tác.
Tuy nhiên, vẫn còn một số trở ngại do thiếu thông tin và sự hỗ trợ kỹ thuật. Ông Khải khuyến nghị: “Cần tăng cường tuyên truyền và hướng dẫn người nông dân về lợi ích của PB HC để thúc đẩy sự thay đổi trong thói quen canh tác”.
Theo ông Phan Như Nguyện- Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, phát triển sản xuất và sử dụng PB HC trên nền sử dụng tối đa phụ phẩm nông nghiệp là hướng đi tất yếu của nông nghiệp Việt Nam kể cả trước mắt và lâu dài để tiến đến nền nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải và tạo ra nông sản an toàn, có giá trị gia tăng cao.
“Do đó, cần nhận thức đầy đủ đây là công việc của toàn xã hội, trong đó cơ quan nhà nước đóng vai trò định hướng, dẫn dắt, doanh nghiệp là hạt nhân chủ chốt và người nông dân là trọng tâm.
Bên cạnh đó phải coi sản xuất, sử dụng PB HC là giải pháp lâu dài dựa trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại kết hợp với kinh nghiệm truyền thống, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về nguồn nguyên liệu HC sẵn có trong nước để thay thế một phần PB vô cơ, giảm sự phụ thuộc vào PB nhập khẩu, phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững”- ông Nguyện nhận định.
Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, ông Nguyện cho rằng: Cần có sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và nông dân. Cần đẩy mạnh công tác truyền thông, tổ chức hội thảo và tập huấn nhằm nâng cao nhận thức của người dân về PB HC.
Đồng thời, khuyến khích người dân tham gia vào các mô hình canh tác sử dụng PB HC, tạo thành chuỗi liên kết bền vững. Một trong những hướng đi quan trọng là tiến tới số hóa trong nông nghiệp, xây dựng cơ sở dữ liệu về PB HC.
Việc xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc và cơ sở dữ liệu về PB HC sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý, đồng thời đảm bảo tính minh bạch và chất lượng sản phẩm trên thị trường.
Ngoài ra, cần có các chính sách khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu và phát triển PB HC chất lượng cao. Việc hợp tác giữa các viện nghiên cứu, doanh nghiệp và các tổ chức nông dân có thể giúp cải thiện đáng kể hiệu quả sử dụng PB HC trong sản xuất nông nghiệp...
Bài, ảnh: SONG THẢO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin