Thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp

06:07, 15/07/2024

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định: Phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) trong nông nghiệp (NN) vừa là yêu cầu, xu hướng tất yếu, đồng thời là một giải pháp phát triển NN bền vững và hiệu quả nhằm triển khai các cam kết quốc tế về phát triển xanh và bền vững.

(VLO) Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định: Phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) trong nông nghiệp (NN) vừa là yêu cầu, xu hướng tất yếu, đồng thời là một giải pháp phát triển NN bền vững và hiệu quả nhằm triển khai các cam kết quốc tế về phát triển xanh và bền vững.

Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp sẽ góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.
Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp sẽ góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.

Tuy nhiên, việc triển khai các mô hình KTTH trong NN vẫn đang còn gặp không ít khó khăn và ở mức khiêm tốn, đòi hỏi sự nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp của các cấp, ngành.

Xu hướng tất yếu

Theo Bộ NN-PTNT, sự tăng trưởng ấn tượng của ngành NN và khả năng cạnh tranh của nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu đang bị đe dọa bởi tình trạng suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu.

Điều này đòi hỏi phải sớm chuyển đổi mô hình từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế NN tuần hoàn để phát triển bền vững trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp.

Theo đó, Việt Nam đã có lộ trình, định hướng phát triển KTTH, thể hiện qua các chủ trương, chính sách được ban hành trong thời gian qua. Khái niệm KTTH được đưa ra trong Điều 142 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Ngành NN-PTNT thúc đẩy ứng dụng và triển khai NN tuần hoàn được thể hiện rất rõ trong chiến lược phát triển NN và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đề án phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy KTTH trong NN đến năm 2030.

Theo đó, NN tuần hoàn là việc áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ và tái chế chất thải, phụ phẩm trong quá trình sản xuất để tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm lãng phí và ô nhiễm môi trường.

Điều này cũng giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về tái sử dụng phụ phẩm và bảo vệ môi trường, từ đó tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, an toàn, thân thiện môi trường, hướng tới nền NN xanh. Do đó, KTTH trong NN cũng có thể coi là một dạng NN sinh thái.

“Phát triển KTTH trong NN vừa là yêu cầu, xu hướng tất yếu, đồng thời là một giải pháp phát triển NN bền vững và hiệu quả nhằm triển khai các cam kết quốc tế, nhiệm vụ quốc gia và ngành về phát triển xanh và bền vững. NN tuần hoàn có vai trò quan trọng thiết thực, đảm bảo lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường...

Hơn bao giờ hết, tác động khí hậu, khan hiếm nguồn tài nguyên thiên nhiên, suy thoái môi trường, dịch bệnh… khiến các quốc gia phải thay đổi tư duy phát triển và sản xuất theo nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”- Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, thời gian qua, vẫn còn nhiều hạn chế trong phát triển KTTH của ngành NN, như: nhận thức về sự cần thiết chuyển đổi sang phát triển mô hình KTTH của nông dân vẫn còn mơ hồ, chưa đầy đủ; khung chính sách về phát triển mô hình KTTH chưa được hoàn thiện; tỷ lệ thu gom, xử lý phụ phẩm NN tạo giá trị gia tăng còn thấp; các mô hình KTTH ứng dụng khoa học công nghệ ở Việt Nam chưa phổ biến…

TS Nguyễn Anh Phong- Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược NN và PTNT (IPSARD), cho biết trong lĩnh vực trồng trọt tại Việt Nam vẫn còn lãng phí nhiều phụ phẩm.

Cụ thể, sản phẩm trồng trọt sau khi thu hoạch, phụ phẩm chủ yếu là thân cây, thì 38% bị đốt tại ruộng; 28% được sử dụng làm thức ăn cho gia súc; bỏ tại ruộng 9%; sử dụng cho trồng trọt 5%; sử dụng để ủ phân chiếm 5%, còn lại là các xử lý khác.

Đối với phụ phẩm và chất thải trong chăn nuôi, hiện tỷ lệ trang trại xử lý chất thải chăn nuôi đạt 96,1%. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ xử lý chất thải trong chăn nuôi mới đạt 48,2%.

Trong lĩnh vực thủy sản, chế biến tôm có lượng phụ phẩm khoảng 35-45%, chế biến cá tra tạo ra lượng phụ phẩm chiếm khoảng 60-70%. Đến nay, 90% lượng phụ phẩm thủy sản đã được thu gom, chế biến thành các sản phẩm hữu ích, có giá trị phục vụ cho sản xuất thức ăn, chế biến thành các sản phẩm có giá trị cao hơn.

Cần thực hiện đồng bộ giải pháp

Nhiều ý kiến cho rằng, để phát triển KTTH trong NN, cần xây dựng chương trình và tổ chức các lớp tập huấn nâng cao cho các cán bộ nghiên cứu, các đơn vị sản xuất kinh doanh về các mô hình ứng dụng, chuyển giao công nghệ xử lý chất thải, phế, phụ phẩm trong NN.

Song song đó, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của người sản xuất, doanh nghiệp… trong phát triển KTTH, để từ đó, nhận thấy rõ được những lợi ích mà KTTH mang lại về kinh tế, về môi trường. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, giới thiệu và nhân rộng các mô hình hay, hiệu quả về KTTH trong NN.

Từ đó, nhân rộng, lan tỏa các mô hình này trong sản xuất. Đồng thời, tạo cơ hội cho việc phát triển thêm các mô hình mới trong phát triển KTTH NN.

Bà Ramla Khalidi- Trưởng Đại diện Thường trú của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam, đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc triển khai các cam kết quốc tế đóng góp do quốc gia tự quyết định, ghi nhận lợi ích của NN tuần hoàn vì mục tiêu khí hậu, nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái.

Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc tự hào đã thử nghiệm thành công hộp công cụ KTTH- đóng góp do quốc gia tự quyết định, có thể giúp Việt Nam xác định, ưu tiên, thực hiện và theo dõi các biện pháp can thiệp tuần hoàn trong NN góp phần thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định 2025.

Công cụ này có ý nghĩa đặc biệt với ngành NN nhằm giảm phát thải khí nhà kính từ sản xuất lúa gạo, trồng trọt, chăn nuôi,…

Từ đó, bà Ramla Khalidi cũng kêu gọi tăng cường hợp tác để xây dựng và thực hiện chính sách tuần hoàn, phân bổ đầu tư thỏa đáng, thúc đẩy chia sẻ và hợp tác kiến thức; sản xuất NN theo chuỗi, tận dụng khoa học công nghệ, triển khai các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức…

Gợi ý Việt Nam cần tạo ra bước nhảy vọt về khả năng tiếp cận các phương thức tài chính cho nông dân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong hành trình này, Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc cam kết sẽ đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam.

Tại Hội nghị Đối thoại chính sách “Tăng cường hợp tác quốc tế và phối hợp đa ngành về KTTH trong NN”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao sự tham gia và quan tâm của cộng đồng quốc tế, các cơ quan chia sẻ trách nhiệm và đề xuất các kiến nghị nhằm tăng cường triển khai NN tuần hoàn.

Từ đó, góp phần hiện thực hóa các cam kết quốc tế và mục tiêu quốc gia về tăng trưởng xanh; phát triển bền vững không đánh đổi vì lợi ích kinh tế đơn thuần; phát triển kinh tế bền vững, đảm bảo sức khỏe, môi trường sinh thái lành mạnh cho thế hệ mai sau.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, trong các tháng đầu năm 2024 lĩnh vực NN đạt nhiều kết quả tích cực, với năng suất, sản lượng lúa tăng; xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, lĩnh vực NN phải đối mặt với nhiều thách thức cần giải quyết, trong đó có việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Vì vậy, việc phát triển KTTH trong NN sẽ góp phần lớn trong việc xử lý chất thải và phụ phẩm ngày một gia tăng.

Mô hình KTTH trong NN được triển khai sẽ đem lại giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế cao; đồng thời các thành phần kinh tế sẽ ngày càng quan tâm thúc đẩy KTTH trong NN, đặc biệt thông qua phát triển KTTH trong NN góp phần giảm phát thải khí nhà kính.

Bài, ảnh: TRÀ MY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh