Tập trung sản xuất vụ lúa Thu Đông

02:07, 23/07/2024

Ngay sau khi thu hoạch lúa Hè Thu, nông dân trong tỉnh đã khẩn trương vệ sinh đồng ruộng và làm đất để bắt tay ngay vào sản xuất lúa vụ Thu Đông. Năm nay, tỉnh có kế hoạch sản xuất 30.000ha lúa Thu Đông, chia làm 3 đợt gieo sạ.

(VLO) Ngay sau khi thu hoạch lúa Hè Thu, nông dân trong tỉnh đã khẩn trương vệ sinh đồng ruộng và làm đất để bắt tay ngay vào sản xuất lúa vụ Thu Đông. Năm nay, tỉnh có kế hoạch sản xuất 30.000ha lúa Thu Đông, chia làm 3 đợt gieo sạ.

Do ảnh hưởng bởi áp thấp nhiệt đới, mưa thường xuyên xảy ra, nhưng nông dân vẫn gieo sạ đúng tiến độ, với quyết tâm tiếp tục có vụ lúa thắng lợi.

Nông dân tập trung sản xuất vụ lúa Thu Đông.
Nông dân tập trung sản xuất vụ lúa Thu Đông.

Theo nhiều nông dân, vụ Thu Đông thường đạt lợi nhuận cao hơn vụ Hè Thu nên ngay từ đầu vụ nông dân đã xuống giống đúng kế hoạch lịch thời vụ, nỗ lực chăm sóc để có được vụ mùa bội thu.

Thời điểm này, nông dân đang tập trung xuống giống đợt 2, với diện tích khoảng 20.000ha. Đây là đợt xuống giống chính của tỉnh.

Tại xã Loan Mỹ (huyện Tam Bình), nhờ được đầu tư hệ thống thủy lợi hoàn thiện nên vụ lúa Thu Đông năm nay việc thoát nước, làm đất thuận lợi, từ đó, góp phần gieo sạ thuận lợi hơn.

Nhiều nông dân cho hay, vụ Thu Đông thời gian đất nghỉ ngắn, lúa mạ dễ bị ngộ độc hữu cơ nên sau khi thu hoạch lúa Hè Thu, nông dân đã nhanh chóng lấy rơm ra khỏi đồng ruộng. Thời điểm gieo sạ nông dân còn bổ sung thêm các chế phẩm giúp rơm rạ dễ phân hủy.

Anh Phạm Văn Năm (xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình) cho hay: “Vụ lúa Hè Thu rồi tôi thu hoạch trễ hơn so với kế hoạch do mưa nhiều, phải đợi trời nắng mới cắt lúa.

Sau khi thu hoạch xong là tôi vệ sinh ruộng thật kỹ lúa rài, lúa chét và cỏ dại xung quanh bờ ruộng, xới trục kỹ và cách ly 2 tuần mới xuống giống vụ Thu Đông”.

Có 3 công lúa sạ được hơn 1 tuần, chú Nguyễn Văn Bảy (xã Long Phước, huyện Long Hồ) cho hay: “Vụ rồi lúa bán được giá, có lời khá nên tôi cũng tích cực xuống giống tiếp vụ Thu Đông theo khuyến cáo.

Tuy nhiên, vụ lúa này rơi vào các tháng mùa mưa lũ, sản xuất bất lợi, do đó tôi cũng chú ý theo dõi diễn biến rầy di trú để có kế hoạch xuống giống theo nguyên tắc tập trung “né rầy” theo lịch khuyến cáo của địa phương, bón lót ngay từ đầu vụ để hạn chế hiện tượng ngộ độc hữu cơ.

Đồng thời, để cây lúa phát triển khỏe mạnh, tôi vệ sinh đất thật kỹ, giảm lượng giống gieo sạ. Vụ này tôi mua giống cấp xác nhận OM 5451, sạ 12 kg/công, để giảm chi phí và giúp cây lúa phát triển khỏe mạnh, ít bị đổ ngã”.

Theo ghi nhận, giống OM 5451 và OM 18 là 2 giống lúa chiếm tỷ lệ gieo sạ nhiều nhất trong vụ này. Mặc dù trên địa bàn tỉnh những ngày qua xuất hiện nhiều cơn mưa, nhưng nhờ hệ thống đê bao hoàn thiện, cơ giới hóa gần như 100% trong khâu chuẩn bị đất nên việc gieo sạ lúa của nông dân cũng không gặp nhiều khó khăn.

Nhiều nông dân còn sử dụng thiết bị sạ hàng, máy sạ lúa giống qua đó giảm lượng giống gieo sạ chỉ còn 8-10 kg/công.

Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, đến nay, diện tích lúa Thu Đông đã xuống giống là hơn 18.600ha. Đợt còn lại sẽ xuống giống 6.000ha, tập trung từ 30/7-20/8 (nhằm 2 con nước: 25/6 và mùng 10/7 âl), nhằm hạn chế ảnh hưởng do mưa bão, triều cường thời điểm thu hoạch.

Ông Nguyễn Ngọc Thanh- Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết: Chi cục cũng đã phối hợp với cơ quan chuyên môn, các địa phương kiểm tra rà soát, củng cố các đê bao xuống cấp, tăng cường nạo vét kênh mương nội đồng, có giải pháp bố trí chủ động máy bơm kịp thời để bơm nước ra ngoài tránh cây lúa ngập úng.

Vụ Hè Thu vừa qua đã thực hiện một số mô hình theo IPHM, theo Đề án 1 triệu hecta lúa canh tác theo hướng bền vững trên cơ sở giảm giống, giảm phân bón, quản lý dịch hại theo hướng sinh học thì cũng đã có những hiệu quả nhất định. Vụ Thu Đông năm nay đơn vị cũng tiếp tục triển khai các mô hình còn lại ở các huyện Bình Tân, Vũng Liêm”.

Theo khuyến cáo của Chi cục Trồng trọt và BVTV, vụ lúa Thu Đông này, với điều kiện thời tiết mưa nhiều như hiện nay, là điều kiện cho ốc bươu vàng tiếp tục phát triển và gây hại.

Trong thời gian tới, ốc bươu vàng có thể tập trung gây hại trên lúa mới xuống giống giai đoạn mạ, nhất là những vùng trũng, ngập nước và không chủ động các biện pháp diệt trừ.

Bên cạnh đó, nguy cơ ruộng lúa bị ngộ độc hữu cơ từ việc tranh thủ mùa vụ do gieo sạ cập rập có thể dẫn đến tỷ lệ nhiễm bệnh gia tăng.

Song song đó, dự báo rầy nâu, sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn, đốm vằn có khả năng xuất hiện, tăng diện tích, tỷ lệ nhiễm trong thời gian tới.

Trong khi đó, do ảnh hưởng thời tiết mưa kéo dài bệnh cháy bìa lá, thối gốc thân do vi khuẩn sẽ tiếp tục phát triển, nhiễm nhẹ trên trà lúa đẻ nhánh, đặc biệt là những ruộng bón thừa đạm, không chủ động rút được nước.

Ngoài ra, ngoài đồng cũng cần chú ý các đối tượng khác như: bù lạch (bọ trĩ), sâu đục thân, chuột… sẽ có khả năng xuất hiện và gây hại trên diện rộng khi gặp điều kiện thích hợp.

Để phòng trị bệnh, nông dân cần áp dụng tổng hợp các biện pháp canh tác ngay từ đầu vụ như: vệ sinh đồng ruộng kỹ, xử lý vôi, bơm và tháo nước rửa đất cho những diện tích có nguy cơ ngộ độc hữu cơ cao, hạn chế canh tác giống nhiễm, cần luân phiên các loại thuốc để đạt hiệu quả cao hơn…

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh