Xác định tầm quan trọng của nông nghiệp (NN) ứng dụng công nghệ cao (CNC) sẽ giúp thay đổi bức tranh NN, thời gian qua, huyện Tam Bình đã và đang tích cực phát triển NN ứng dụng CNC, NN thông minh, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa quy mô lớn, chất lượng.
(VLO) Xác định tầm quan trọng của nông nghiệp (NN) ứng dụng công nghệ cao (CNC) sẽ giúp thay đổi bức tranh NN, thời gian qua, huyện Tam Bình đã và đang tích cực phát triển NN ứng dụng CNC, NN thông minh, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa quy mô lớn, chất lượng.
Nông dân dần thay đổi nhận thức, tư duy, tập quán sản xuất về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. |
Nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt hiệu quả
Theo UBND huyện Tam Bình, thực hiện cơ cấu lại sản xuất NN đang tạo ra chuyển biến tích cực, được người dân đồng tình hưởng ứng. Các ngành và địa phương có quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành NN.
Các mô hình sản xuất trong huyện được duy trì và phát triển, mô hình ứng dụng CNC trong sản xuất NN trên lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả, thu nhập cao cho nông dân, đang tiếp tục duy trì và phát triển, nâng cao chất lượng và hiệu quả.
Thời gian qua, ngành NN huyện đã triển khai thực hiện mô hình sản xuất NN ứng dụng CNC có hiệu quả. Trong đó, tập trung thực hiện các mô hình sản xuất ứng dụng CNC, sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ cho các sản phẩm chủ lực và sản phẩm có tiềm năng, có thị trường tiêu thụ như: lúa, rau màu, cây có múi, cây ăn trái chủ lực của huyện.
Trong năm 2024, thực hiện nghị quyết của Huyện ủy, mỗi xã, thị trấn chọn 1-2 mô hình sản xuất NN hiệu quả, ứng dụng CNC để tập trung chỉ đạo đạt hiệu quả và nhân rộng. Kết quả các xã, thị trấn đăng ký xây dựng 29 mô hình sản xuất NN hiệu quả ứng dụng CNC để xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện.
Cụ thể, huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả như: mô hình trồng mít ruột đỏ theo chuỗi giá trị đạt chứng nhận VietGAP (xã Hậu Lộc) với diện tích 84ha, trong đó có 31ha, được chứng nhận VietGAP và 30ha cấp mã số vùng trồng xuất khẩu.
Sản phẩm mít ruột đỏ Hậu Lộc được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2023 đang tiếp tục duy trì và phát triển, theo kế hoạch năm 2024 đề xuất hỗ trợ nâng hạng sản phẩm lên OCOP 4 sao; HTX cũng đã được hỗ trợ máy bay không người lái phun thuốc BVTV, hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng kỹ thuật tưới phun tự động.
Bên cạnh đó, còn có mô hình trồng sầu riêng đạt tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng CNC ở xã Phú Lộc được cấp giấy chứng nhận VietGAP, các hộ tham gia mô hình được tập huấn kỹ thuật sản xuất, hướng dẫn ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm, tăng cường sử dụng phân hữu cơ trong sản xuất.
Song song đó, còn có mô hình trồng chanh không hạt ở xã Ngãi Tứ với 10,2ha, sản phẩm sản xuất theo quy trình VietGAP và được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu thị trường EU (cấp lại), Anh. Hiện tại công ty bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân trong mô hình.
Ông Nguyễn Hoàng Diệu- Phó Chủ tịch UBND xã Ngãi Tứ cho biết: Thực hiện kế hoạch phát triển NN ứng dụng CNC xã Ngãi Tứ trong năm 2024, địa phương đã tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, tập quán sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp về NN ứng dụng CNC, tư duy về phát triển kinh tế NN; thông tin, phổ biến để nhân rộng các mô hình sản xuất NN ứng dụng CNC, NN hữu cơ, NN tuần hoàn đã đạt hiệu quả, chất lượng…
Theo đó, nông dân cũng đã đẩy mạnh ứng dụng NN 4.0 (NN số), cơ giới hóa, tự động hóa, các quy trình canh tác tiên tiến (ICM, IPM, VietGAP,...) trong sản xuất, để tạo ra những sản phẩm sạch, sản phẩm an toàn, chất lượng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được giám sát chặt chẽ bằng hệ thống quản lý thông minh như sản phẩm bún tươi, hủ tiếu tươi ở Ấp Nhứt; chao ấp An Thới, Đông Hậu,... đạt các tiêu chuẩn sản xuất, hữu cơ, có thương hiệu, nhãn hiệu, OCOP,...
Đồng thời, từng bước xây dựng vùng sản xuất NN CNC, phát triển sản phẩm ứng dụng CNC thích ứng biến đổi khí hậu, phù hợp lợi thế của xã, trọng tâm là chọn kỹ, liên kết các mô hình để hình thành và phát triển một số vùng chuyên canh NN ứng dụng CNC, gắn sản xuất với tiêu thụ trên một số sản phẩm chủ lực vùng sản xuất cây ăn trái như chanh không hạt, bưởi năm roi, cam sành…
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức
Tuy nhiên, trong thời gian qua, dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng sản xuất NN phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của huyện.
Sản xuất còn mang tính nhỏ lẻ, sản phẩm hàng hóa phân tán, chất lượng không đồng đều, có ít mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ những sản phẩm NN chủ lực. Sức cạnh tranh một số sản phẩm nông sản chủ lực của huyện đang ở mức thấp.
Việc cung cấp thông tin về thị trường cho người sản xuất cũng như xúc tiến thương mại, quảng bá nông sản còn hạn chế.
Bên cạnh đó, một số địa phương còn lúng túng trong chỉ đạo thực hiện cơ cấu lại ngành NN, chưa xác định sản phẩm đặc trưng của địa phương, chưa mạnh dạn chỉ đạo nhân rộng mô hình phát triển sản xuất còn trông chờ sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước.
Thời tiết, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp, ảnh hưởng của hạn mặn, mưa bão, triều cường dâng cao ngày càng bất thường và gay gắt.
Mô hình có được bao tiêu nhưng thiếu tính bền vững, năng lực của các công ty bao tiêu hạn chế, khó khăn trong việc nhân rộng mô hình.
Ông Lâm Văn Chánh- Phó Phòng NN-PTNT huyện Tam Bình cho biết: Thời gian tới, ngành NN huyện sẽ tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành NN, phát triển NN ứng dụng CNC; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển NN CNC, khuyến khích phát triển NN sạch, NN hữu cơ.
Cụ thể, cơ cấu lại theo hướng phát triển kinh tế NN, thích ứng biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Nâng cao hiệu quả sản xuất NN, nâng cao giá trị thu hoạch trên một đơn vị diện tích đất NN và thủy sản; đồng thời giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.
Phát triển sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, thâm canh quy mô lớn có liên kết sản xuất- tiêu thụ. Sử dụng linh hoạt đất lúa để phát triển trồng màu và cây ăn trái.
Phát triển các vùng cây ăn trái tập trung, quy mô lớn, chất lượng cao và các loại rau, màu có hiệu quả kinh tế cao ở các vùng có điều kiện, nhất là điều kiện về thủy lợi và nguồn nước…
Bài, ảnh: TRÀ MY