Rầy phấn trắng (RPT) là một trong những bệnh hại thường gặp trên cây dưa leo (DL). Bệnh có thể xuất hiện ở tất cả các giai đoạn phát triển của cây, gây rụng lá, rụng hoa, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Do đó, nông dân trồng DL cần nắm rõ triệu chứng bệnh hại để có biện pháp phòng trừ hiệu quả.
(VLO) Rầy phấn trắng (RPT) là một trong những bệnh hại thường gặp trên cây dưa leo (DL). Bệnh có thể xuất hiện ở tất cả các giai đoạn phát triển của cây, gây rụng lá, rụng hoa, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Do đó, nông dân trồng DL cần nắm rõ triệu chứng bệnh hại để có biện pháp phòng trừ hiệu quả.
Dưa leo bị rầy phấn trắng tấn công khiến cây bị giảm năng suất, chất lượng. |
Giảm năng suất, chất lượng dưa leo
Theo Chi cục Trồng trọt-BVTV (Sở Nông nghiệp-PTNT), toàn tỉnh có hơn 2.000ha trồng DL với sản lượng ước đạt trên 66.000 tấn, phân bố tập trung tại các huyện Tam Bình, Trà Ôn, TX Bình Minh, Bình Tân, Vũng Liêm.
Trong đó, huyện Tam Bình hơn 1.000ha, chiếm hơn 50% diện tích trồng DL toàn tỉnh với sản lượng ước đạt trên 33.500 tấn, tập trung ở các xã Ngãi Tứ, Long Phú, Bình Ninh,...
Thời gian gần đây, RPT đã xuất hiện gây hại ở nhiều vùng trồng DL. Theo số liệu điều tra của chi cục, hiện nay diện tích nhiễm RPT trên cây DL gần 200ha với tỷ lệ từ nhẹ đến trung bình phân bố tập trung tại các huyện Tam Bình, Bình Tân, Trà Ôn, Vũng Liêm...
Riêng huyện Tam Bình, các vườn trồng DL trong huyện đều có RPT xuất hiện với mật số từ 5-15 con/lá. Hiện, ước có gần 50ha DL bị nhiễm RPT ở mức độ nhẹ và hơn 40ha bị nhiễm trung bình.
Theo ngành chức năng, vòng đời hoàn chỉnh của RPT khoảng 18-28 ngày trong điều kiện thời tiết ấm áp. RPT gây hại trên nhiều loại cây trồng như DL, dưa hấu, ớt, cà chua, bầu bí, cây khoai mì...
Trưởng thành và ấu trùng RPT chích hút nhựa cây làm giảm sức sống của cây, cây còi cọc, rụng lá, làm biến dạng lá và trái, làm giảm năng suất và có thể gây chết cây (khi mật số rầy cao). RPT còn là môi giới lan truyền virus gây bệnh khảm virus trên DL.
Vết bệnh khảm là những đốm màu xanh nhạt hoặc vàng xuất hiện chủ yếu trên lá và trái. Lá bệnh sẽ có kích thước nhỏ hơn bình thường, nhăn nheo và đọt non DL bị xoăn lại.
Ngoài ra, chất bài tiết của RPT tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển ảnh hưởng đến khả năng quang hợp của cây và làm giảm hiệu quả của thuốc BVTV.
Chú Nguyễn Văn Sương (ấp Bình Quý, xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình) cho biết: “Tôi có 3 công trồng DL được 12 năm, nhưng vụ rồi ruộng DL bị RPT tấn công nhiều quá, gây thiệt hại 50-60%.
Rầy gây hại từ giai đoạn 12-15 ngày là phổ biến, rất khó phát hiện, trị không kịp là trái bị sượng, chết dây, giảm năng suất”.
Cũng có 3 công trồng DL bị RPT tấn công, chú Phan Văn Hùng Em (xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình) cho hay: “Ruộng DL của tôi bị RPT tấn công, thiệt hại khoảng 30%.
Nếu như các vụ trước 3 công thu hoạch được 12-13 tấn thì vụ này chỉ thu hoạch được khoảng 9 tấn. Mọi năm tôi trồng 3 vụ nhưng vụ tới tôi bỏ vụ để cải tạo đất và tìm biện pháp phòng trừ RPT tấn công”.
Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp
Để tìm giải pháp quản lý hiệu quả RPT giúp người dân canh tác rau màu nói chung, canh tác DL nói riêng an tâm sản xuất, mới đây, Chi cục Trồng trọt-BVTV tỉnh đã tổ chức Hội nghị khoa học “Giám định tác nhân và biện pháp quản lý RPT trên cây DL ở địa bàn huyện Tam Bình”.
Bà Nguyễn Thị Hồng Lĩnh- Chi cục phó Chi cục Trồng trọt-BVTV, cho biết: Qua điều tra của chi cục đã ghi nhận RPT xuất hiện quanh năm nhưng thường gây hại nặng trong mùa nắng với điều kiện thời tiết khô nóng, nhiệt độ cao, ẩm độ thấp.
Rầy bắt đầu xuất hiện rất sớm khi DL có lá thật (khoảng 7 ngày sau khi gieo). Bên cạnh, do thói quen không vệ sinh tốt đồng ruộng và thường sử dụng các loại thuốc trừ sâu phổ rộng, phun định kỳ, phun nhiều lần là những yếu tố gây bộc phát RPT.
Khi xuất hiện bệnh, nông dân đã sử dụng thuốc BVTV là biện pháp phòng trị chủ yếu. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn RPT vẫn xuất hiện và tiếp tục gây hại.
Điều này tiềm ẩn nguy cơ RPT kháng thuốc và dư lượng thuốc trong nông sản ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người tiêu dùng.
Trước tình hình gây hại và sự phát triển của RPT trên cây DL, Chi cục Trồng trọt-BVTV đã triển khai thực hiện mô hình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây DL ở địa bàn ấp Bình Quý, xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình.
Mô hình thực hiện nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm thiểu mối nguy hại do lạm dụng hóa chất, nhất là thuốc BVTV đối với sức khỏe cộng đồng, môi trường, an toàn thực phẩm và góp phần quản lý RPT để người dân trồng DL an tâm sản xuất.
Bên cạnh đó, đơn vị thường xuyên thực hiện công tác điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo tình hình dịch bệnh.
Hướng dẫn kịp thời cho người dân biện pháp quản lý đối với dịch bệnh trên cây trồng nói chung và RPT trên cây DL nói riêng. Đồng thời, cử cán bộ kỹ thuật ngành nông nghiệp thường xuyên phối hợp với địa phương để quản lý tốt các đối tượng dịch bệnh chủ yếu.
Theo bà Huỳnh Thị Ngọc Diễm- Phó Giám đốc Trung tâm BVTV phía Nam, để quản lý tốt đối tượng RPT trên cây DL cần thực hiện đồng bộ và áp dụng tổng hợp nhiều phương pháp để đạt hiệu quả cao.
Theo đó, nông dân cần sử dụng giống tốt, giống chống chịu, vệ sinh đồng ruộng, tỉa bỏ các lá ở gốc tạo sự thông thoáng, loại bỏ các lá bị nhiễm RPT, tưới đủ ẩm trong mùa khô, che phủ đất bằng vật liệu phản xạ (màng phủ nông nghiệp). Đặc biệt, cần luân canh với cây trồng khác.
Bên cạnh đó, cần bảo tồn thiên địch của RPT như bọ xít mù xanh, kiến 3 khoang, bọ rùa,... (trồng hoa dẫn dụ thiên địch và hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc BVTV định kỳ); sử dụng ong ký sinh, sử dụng các chế phẩm sinh học…
Bên cạnh đó, thuốc BVTV là biện pháp cuối cùng dùng để quản lý RPT, và được sử dụng trong trường hợp điều kiện thời tiết nắng hạn kéo dài. RPT phát triển nhanh, mật số hiện diện có thể làm ảnh hưởng đến năng suất, thiên địch cũng không có đủ khả năng khống chế.
Khi mật số RPT tới ngưỡng phòng trừ có thể sử dụng thuốc BVTV kết hợp với dầu khoáng để diệt RPT. Cần luân phiên gốc thuốc để ngăn ngừa tính kháng và lưu ý thời gian cách ly thuốc BVTV để đảm bảo sức khỏe người dùng.
Bài, ảnh: THẢO LY