Thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã phát huy tiềm năng và thế mạnh cây màu theo hướng định hình những vùng sản xuất tập trung, khuyến khích nông dân (ND) chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu theo hình thức luân canh, xen canh. Qua đó, giúp ND nâng cao hiệu quả sản xuất, mang lại lợi nhuận kinh tế cao, bền vững.
Thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã phát huy tiềm năng và thế mạnh cây màu theo hướng định hình những vùng sản xuất tập trung, khuyến khích nông dân (ND) chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu theo hình thức luân canh, xen canh. Qua đó, giúp ND nâng cao hiệu quả sản xuất, mang lại lợi nhuận kinh tế cao, bền vững.
Duy trì, mở rộng vùng sản xuất chất lượng, tập trung
Theo ngành nông nghiệp, diện tích sản xuất rau màu hàng năm của tỉnh khoảng hơn 45.000ha, với sản lượng khoảng 900.000 tấn. Nhờ các đặc thù về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nên tỉnh có các vùng chuyên canh rau màu đặc trưng như: khoai lang (huyện Bình Tân), xà lách xoong (TX Bình Minh), dưa leo (huyện Tam Bình)…
Ngành nông nghiệp tỉnh đã chú trọng phát triển các vùng màu chuyên canh, hướng dẫn ND tuân thủ các quy trình sản xuất rau an toàn, chất lượng tốt để sản xuất và nhân giống. Thành lập các tổ hợp tác, HTX và kết nối với các doanh nghiệp để phát triển các loại rau màu lợi thế. Nâng cao ý thức áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất.
Tại huyện Bình Tân, mô hình trồng khoai lang sạch theo hướng hữu cơ cho sản phẩm khoai lang có chất lượng tốt, năng suất ổn định, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Cùng với việc giảm chi phí đầu tư và giá bán cao hơn so với các ruộng khoai lang sản xuất theo cách truyền thống, mô hình đã mang lại lợi nhuận khá cao cho ND.
Chú Lê Văn Sáng (xã Thành Trung, huyện Bình Tân) cho hay: “Trước đây tôi trồng khoai lang theo cách truyền thống hiệu quả không cao. Do đó, tôi áp dụng biện pháp quản lý dịch hại theo IPM và tăng cường các chế phẩm vi sinh, từ đó, tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn cho môi trường sinh thái và đáp ứng tốt nhu cầu của các thị trường khó tính hiện nay. Tôi cũng mong muốn sẽ góp phần phát triển thương hiệu và sức cạnh tranh của cây khoai lang huyện Bình Tân trên thị trường”.
Phát huy lợi thế sẵn có, tại xã Phước Hậu (huyện Long Hồ), ông Trần Văn Hiền- Giám đốc HTX Rau an toàn Phước Hậu cho biết: Hiện HTX đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao gồm 3 chủng loại rau mùi là cây rau ngò gai, rau thơm và tía tô. Đây là điều kiện thuận lợi để HTX tiếp tục mở rộng thị trường, tạo việc làm ổn định cho xã viên, giúp ND nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng lợi nhuận”.
Còn tại xã Ngãi Tứ (huyện Tam Bình), một trong những địa phương trồng màu nhiều nhất của tỉnh, Phó Chủ tịch UBND xã Ngãi Tứ Nguyễn Hoàng Diệu cho biết, trước đây, xã chủ yếu sản xuất lúa luân canh với màu.
Qua thời gian, nhận thấy trồng màu có hiệu quả kinh tế cao hơn nên người dân mạnh dạn chuyển đổi sang chuyên canh màu từ đất lúa kém hiệu quả. 6 tháng đầu năm, diện tích trồng màu toàn xã trên 820ha, trong đó màu ruộng trên 385ha. Xã tiếp tục duy trì vùng sản xuất màu tập trung ở ấp Bình Quý, ấp Nhứt, ấp Đông Hậu…, đồng thời tiếp tục phát triển ở những nơi có điều kiện. “Qua đánh giá, việc chuyển đổi từ cây lúa sang cây màu đã tăng lợi nhuận cho ND gấp 3-5 lần so với trồng lúa trên cùng một đơn vị diện tích, vừa góp phần cải tạo đất, tăng phù sa, màu mỡ cho đất”- ông Diệu cho biết thêm.
Xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng an toàn
Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, thời gian qua, ND trồng rau tập trung đầu tư chăm sóc, sử dụng giống mới, áp dụng các phương pháp canh tác tiến bộ như dùng màng phủ nông nghiệp, hạn chế sử dụng thuốc BVTV, tăng cường sử dụng phân hữu cơ… Nhờ sản xuất đạt hiệu quả kinh tế, nên ND cũng an tâm sản xuất mở rộng quy mô, đa dạng hóa sản phẩm, từng bước đáp ứng nhu cầu cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, tình hình biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất của ND. Bên cạnh đó, chưa có sự khác biệt về giá trị nông sản có chứng nhận VietGAP và không có chứng nhận. Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ bền vững chưa thật sự mạnh mẽ, còn thiếu liên kết giữa doanh nghiệp với hộ sản xuất thông qua các tổ hợp tác, HTX. Chưa thật sự thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư liên kết trong sản xuất gắn với sơ chế, chế biến và tiêu thụ nông sản để từng bước hình thành các vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ…
Theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phương hướng phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh là chuyển từ “tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp”, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, thích ứng biến đổi khí hậu, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến theo chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Để thực hiện đạt mục tiêu này, thời gian qua, tỉnh đã ban hành các chương trình, kế hoạch, dự án, nhằm đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp nói chung, rau màu nói riêng, theo hướng tập trung, an toàn và bền vững, đảm bảo truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ.
|
Nông dân nâng cao ý thức sản xuất rau màu theo hướng an toàn, chất lượng, dần hình thành vùng sản xuất tập trung. |
Đáng chú ý, ngoài tập trung hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn thì tỉnh sẽ phát triển ngành chế biến rau quả để nâng cao giá trị. Trong đó, đã ban hành “Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long”. Kế hoạch này hướng đến mục tiêu ngành chế biến rau quả đáp ứng được yêu cầu sản xuất và nhu cầu thị trường; có trình độ công nghệ tiên tiến gắn với các vùng sản xuất rau củ quả tập trung, sản lượng hàng hóa lớn; sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm có khả năng cạnh tranh cao.
Trong đó, mục tiêu cụ thể là: thu hút các doanh nghiệp có quy mô lớn và vừa đầu tư vào ngành chế biến rau quả của tỉnh. Đến năm 2030, trên 70% cơ sở chế biến, bảo quản rau củ quả xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đạt trình độ và công nghệ sản xuất tiên tiến; công suất chế biến đạt 24.000 tấn sản phẩm/năm, gấp đôi so với năm 2020.
Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT cho biết: Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục mở rộng vùng luân canh màu trên ruộng lúa; phát triển sản xuất rau an toàn, đặc biệt là các loại rau có giá trị kinh tế cao. Xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng đảm bảo sản xuất an toàn thực phẩm để tiến tới được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP,… Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Tuyên truyền, hướng dẫn ND áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm…
|