Phòng trị bệnh lem lép hạt

10:07, 30/07/2024

Vụ Hè Thu rồi, ruộng của tôi bị bệnh lem lép hạt nhiều. Xin Bạn nhà nông hướng dẫn cách phòng trị hiệu quả để tôi áp dụng cho vụ sau.

 

Vụ Hè Thu rồi, ruộng của tôi bị bệnh lem lép hạt nhiều. Xin Bạn nhà nông hướng dẫn cách phòng trị hiệu quả để tôi áp dụng cho vụ sau.

Đặng Văn Hiền

(Xã Phước Hậu, huyện Long Hồ)

Anh Hiền mến!

Lem lép hạt lúa là tên gọi để chỉ chung hiện tượng hạt lúa có vỏ trấu sậm màu biến đổi từ màu nâu đến đen; từ đen lốm đốm đến đen toàn bộ vỏ trấu bao gồm cả trên hạt lúa có gạo và hạt lúa lép không có gạo ở giai đoạn cây lúa còn trên đồng ruộng trước khi thu hoạch. Hạt lúa bị lép, lửng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và lượng hạt lúa. Nếu dùng làm giống thì chất lượng của hạt giống cũng kém, ảnh hưởng nhiều đến sinh trưởng và phát triển của cây lúa ở vụ sau, và đây cũng là nguồn bệnh ban đầu gây cho lúa ở vụ sau.

Bệnh có nhiều nguyên nhân gây nên, như do nhện gié, do vi khuẩn Pseudomonas glumae, do nấm… Theo thống kê hiện nay có đến 12 loại nấm khác nhau gây nên loại bệnh này và đây chính là nguyên nhân gây lem lép hạt quan trọng nhất.

Thời kỳ cây lúa dễ mẫn cảm với bệnh là từ trổ bông đến chín sữa và rơi vào những tháng có nhiệt độ thấp, ẩm độ không khí cao, lượng mưa lớn và số ngày mưa nhiều.

Để phòng trừ cần sử dụng hạt giống khỏe, giống xác nhận, sạch bệnh, không lẫn tạp chất. Tuyệt đối không dùng giống ở những ruộng có biểu hiện bệnh lem lép hạt. Sạ thưa, bón phân đầy đủ và cân đối giúp cây lúa khỏe, không đổ ngã và tăng khả năng chống chịu đối với sự tấn công của nấm bệnh.

Biện pháp xử lý bằng thuốc hóa học vẫn được xem là biện pháp hiệu quả nhất trong việc phòng trị bệnh lem lép hạt. Việc chọn lựa đúng loại thuốc và thời điểm phun thuốc cũng rất quan trọng. Trong việc dùng thuốc phải phun thuốc phòng bệnh là tốt nhất, để khi bệnh đã xâm nhập vào hạt lúa rồi thì việc phun thuốc trị bệnh sẽ cho hiệu quả thấp, phải phun đi phun lại nhiều lần rất tốn kém. Phun 2 lần vào thời kỳ lúa bắt đầu trổ và trổ đều để hạn chế các loại nấm phát triển trên vỏ hạt lúa, sử dụng các loại thuốc trị nấm, kết hợp với thuốc trừ vi khuẩn có chứa các hoạt chất. Phun thuốc vào giai đoạn đòng trổ này còn phòng trừ được các bệnh khác như đốm vằn, vàng lá chín sớm, đạo ôn cổ bông, thối bẹ lá đòng.

Phòng trừ tốt các loại sâu bệnh gây hại trong giai đoạn làm đòng- trổ sẽ làm giảm tỷ lệ lem lép hạt lúa. Cỏ dại là ký chủ của nhiều loại nấm gây bệnh lem lép hạt lúa, cần phòng trừ tốt cỏ dại gây hại trong ruộng cũng như trên bờ.

BẠN NHÀ NÔNG

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh