Phòng trị bệnh đốm nâu trên cây thanh long

02:07, 23/07/2024

Gần đây, trong vườn thanh long của tôi xuất hiện tình trạng có những đốm tròn màu nâu như mắt cua trên cành thanh long, trái bị nám. Xin Bạn nhà nông cho biết là bệnh gì và cách phòng trị như thế nào?

(VLO) Gần đây, trong vườn thanh long của tôi xuất hiện tình trạng có những đốm tròn màu nâu như mắt cua trên cành thanh long, trái bị nám. Xin Bạn nhà nông cho biết là bệnh gì và cách phòng trị như thế nào?

Trần Minh Khanh (Xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình)

Anh Khanh mến!

Những triệu chứng trên cho thấy có thể cây thanh long của anh đã bị nhiễm bệnh đốm nâu. Đây là một loại bệnh hại khó quản lý. Bệnh đốm nâu thanh long do nấm Neoscytalidium sp gây ra.

Bệnh có thể gây mất mùa, làm tăng chi phí và gây cản trở sản xuất. Bệnh lây lan chủ yếu qua nguồn giống cây trồng, gió, nguồn nước hoặc do sinh vật như côn trùng.

Bệnh thường phát sinh, phát triển mạnh trong giai đoạn ra cành non, và hoa quả non trong mùa mưa, hoặc sương mù nhiều, ẩm độ không khí cao, ít nắng là điều kiện tối ưu cho bệnh phát triển…

Khi mới xuất hiện, triệu chứng ban đầu là các vết lõm màu trắng, sau đó vết bệnh nổi lên thành những đốm tròn màu nâu như mắt cua. Trong điều kiện thuận lợi bệnh phát triển mạnh, các vết bệnh liên kết với nhau làm cho cành thanh long bị sần sùi, gây thối khô từng mảng.

Tương tự như trên thân cành, những đốm làm cho vỏ trái trở nên sần sùi thối khô từng mảng. Bệnh nặng có thể gây nám (rám) cả quả làm giảm giá trị thương phẩm nghiêm trọng.

Để phòng bệnh này, cần trồng mật độ thích hợp và tạo tán đảm bảo thông thoáng. Sau khi thu hoạch, cần vệ sinh tàn tích vụ trước, cắt tỉa thông thoáng cành bị bệnh và đem ra khỏi vườn tiêu hủy, phát quang cây lớn che bóng quanh vườn. Không sử dụng nguồn nước ở mương lân cận hay rãnh luống để phun hay tưới cho thanh long.

Lên luống cao và tưới tiêu nước hợp lý để vườn không bị ẩm thấp thường xuyên. Bón phân cân đối, có đủ phân hữu cơ đã được ủ kỹ với nấm đối kháng Trichoderma, bổ sung các nguyên tố trung, vi lượng vào trước và trong giai đoạn ra cành, hoa quả để giúp tăng sức đề kháng của cây.

Nên bón vôi định kỳ cho đất để giảm độ chua và khử trùng đất. Không kích thích ra hoa trái vụ quá mức. Cần có chế độ chăm sóc phù hợp để cây không bị suy kiệt làm giảm sức chống chịu sâu bệnh.

Khi cây ra đọt non, có triệu chứng bệnh ở giai đoạn mới nhiễm nhẹ hoặc không phun trong 1 thời gian dài mà có mưa liên tục kéo dài thì phun thuốc trừ nấm với đặc tính thấm sâu hoạt chất difenoconazole và azoxystrobin (Asmaitop 325SC).

Nếu cây ra tược non, không có bất kỳ triệu chứng bệnh nào nhưng mưa liên tục kéo dài cần phun thuốc trừ nấm tiếp xúc như Mancozeb (Fovathane 80WP) hoặc có thể phun luân phiên với thuốc Asmaitop. Phun 7-14 ngày một lần tùy vào thời tiết.

BẠN NHÀ NÔNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh