Kỹ thuật nuôi chồn hương

10:07, 09/07/2024

Tôi muốn nuôi chồn hương thương phẩm. Xin Bạn Nhà nông hướng dẫn kỹ thuật nuôi để đạt hiệu quả.

(VLO) Tôi muốn nuôi chồn hương thương phẩm. Xin Bạn Nhà nông hướng dẫn kỹ thuật nuôi để đạt hiệu quả.

Lê Văn Tánh (Xã Mỹ An, huyện Mang Thít)

Anh Tánh mến!

Là một loài động vật hoang dã nhưng nhờ có giá trị kinh tế cao nên hiện nay việc nuôi chồn hương ngày càng phổ biến. Yếu tố đầu tiên cần chú ý trong kỹ thuật nuôi chồn hương là chuồng trại.

Chuồng nuôi chồn nên làm theo hướng Đông Nam, mái lợp ngói hoặc lá, đảm bảo thoáng mát, cao ráo, có hệ thộng cửa sổ đóng- mở thuận tiện cho đông ấm, hè mát.

Tùy theo số lượng chồn mà có thể thiết kế các kiểu chuồng nuôi khác nhau, nếu nuôi nhiều thì xây chuồng thành các tầng (khoảng từ 2-3 tầng), mỗi tầng cao từ 0,7-0,8m để đặt các lồng nuôi nhốt chồn.

Trên cùng một tầng, giữa các lồng nên ngăn kín để chồn không nhìn thấy nhau, có thể gây nên tình trạng bị stress.

Lồng nuôi nhốt chồn hương thường được làm kiên cố bao quanh bằng lưới sắt B40 hoặc có thể đan bằng gỗ, tre nhưng phải có then cài thật chắc chắn để chồn không chui ra ngoài được.

Phải giữ cho môi trường nuôi chồn không bị ô nhiễm, luôn khô ráo sạch sẽ vì vậy mỗi ngày đều phải quét dọn khu chuồng trại, cho phân và nước tiểu thoát ra ngoài thông qua hệ thống rãnh để tránh ô nhiễm môi trường.

Để có những con chồn nuôi chất lượng nên chọn nuôi những con nhanh nhẹn, không dị tật, lông mượt, mắt mũi tinh anh, không bị thương…

Chồn sinh sản phải từ 8 tháng tuổi trở lên. Chồn mang thai trong vòng 90 ngày, sau khi sinh chồn con sẽ mở mắt sau 7-10 ngày. Thời gian đầu chồn con sẽ bú sữa mẹ, đến khi được 35 ngày tuổi chồn sẽ tập ăn thức ăn của mẹ, khi được 60 ngày tuổi thì cho tách bầy.

Khi ở ngoài tự nhiên, mỗi năm chồn hương đẻ 1 lứa, khi được thuần hóa thì có thể đẻ 2 lứa, mỗi lứa đẻ từ 3-6 con. Thời gian sinh sản thường từ tháng 2-10 âl.

Thức ăn yêu thích của chồn hương là côn trùng, chim, chuột, rắn, đu đủ, chuối, mít… Khi nuôi chồn hương nên cho ăn bữa tối là chính, bữa sáng là phụ và tập cho chồn hương ăn thức ăn nhân tạo do con người cung cấp.

Việc phòng và trị bệnh là khâu quan trọng trong kỹ thuật nuôi chồn hương. Trong điều kiện nuôi nhốt, chồn hương rất dễ bị mẫn cảm với những loại thức ăn mới lạ. Chúng rất dễ bị mắc bệnh tiêu chảy, nên phòng bệnh này cho chồn bằng cách trộn thuốc kháng sinh vào trong thức ăn mới.

Ngoài ra chồn hương cũng dễ mắc bệnh cầu trùng tức bệnh phân lẫn máu hoặc bị bệnh thương hàn với biểu hiện sốt cao, phân lỏng màu vàng. Mua các loại thuốc thú y đặc trị, sử dụng theo hướng dẫn liều lượng thuốc/kg thể trọng trên bao bì.

BẠN NHÀ NÔNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh