Mô hình nuôi dê theo hướng bền vững đạt lợi nhuận khá

02:07, 02/07/2024

Nhẹ công chăm sóc, tận dụng nhiều nguồn thức ăn trong tự nhiên, giá bán tương đối ổn định nên nhiều nông dân đã mạnh dạn phát triển mô hình nuôi dê, qua đó, đem lại lợi nhuận khá cho người chăn nuôi.

 

 

Mô hình nuôi dê đem lại thu nhập khá cho nông dân.
Mô hình nuôi dê đem lại thu nhập khá cho nông dân.

Nhẹ công chăm sóc, tận dụng nhiều nguồn thức ăn trong tự nhiên, giá bán tương đối ổn định nên nhiều nông dân đã mạnh dạn phát triển mô hình nuôi dê, qua đó, đem lại lợi nhuận khá cho người chăn nuôi.

Khoảng 4-5 năm trở lại đây, nông dân trong tỉnh đã mạnh dạn phát triển mạnh đàn dê. Đây là vật nuôi có chi phí đầu tư thấp, nhờ tận dụng nhiều nguồn thức ăn trong tự nhiên, ít tốn chi phí thức ăn so với một số loại gia súc khác, nên cho lợi nhuận khá.

Theo đó, nhiều hộ nuôi dê đã có sự đầu tư kỹ lưỡng hơn về mặt chuồng trại, phát triển chăn nuôi dê theo hướng nuôi nhốt trên nhà sàn. Hình thức chăn nuôi này giúp đàn dê hạn chế được rủi ro dịch bệnh khi sinh trưởng và phát triển trong điều kiện môi trường đảm bảo vệ sinh.

Quá trình vệ sinh, chăm sóc đàn dê cũng thuận lợi hơn. Dê được nuôi dưỡng trong vòng 9 tháng sẽ được xuất chuồng. Thời gian từ nuôi đến khi xuất bán mặc dù tương đương hoặc kéo dài hơn với các đối tượng vật nuôi khác nhưng sau khi trừ chi phí, vẫn đảm bảo lợi nhuận tương đối cao.

Nhờ nuôi dê, nhiều hộ thoát nghèo, thậm chí vươn lên khá, giàu. Bên cạnh đó, lượng phân bón thu được trong quá trình chăn nuôi còn được người chăn nuôi tận dụng để phục vụ cho việc sản xuất cây trồng, từ đó, tiết kiệm đáng kể chi phí đầu tư cho sản xuất.

Nuôi dê gần 5 năm, chú Nguyễn Văn Hoàng (xã Trung Thành Tây, huyện Vũng Liêm) cho hay: “So với các loại vật nuôi khác, dê có khả năng kháng bệnh cao, chịu được khí hậu khắc nghiệt; chi phí đầu tư ban đầu ít và không tốn nhiều tiền mua thức ăn. Nhờ nuôi dê mà gia đình tôi có thêm thu nhập ổn định”.

Có kinh nghiệm nuôi dê hơn 10 năm, chú Võ Văn Nhựt (xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ) cũng cho biết: “Ban đầu tôi có 4 con dê cái, đến nay đã có hơn 80 con. Nhờ có kinh nghiệm nuôi dê nên đạt hiệu quả cao, đồng thời, tận dụng cỏ và các phụ phẩm khác làm thức ăn giúp giảm chi phí trong nuôi dê, giúp lợi nhuận tăng hơn. Mỗi năm tôi xuất bán khoảng 60 con dê ra thị trường, lợi nhuận từ 180-200 triệu đồng/năm. Nhờ đó mà gia đình cũng vươn lên khá hơn”.

Ông Trần Chí Cường- Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Phước (huyện Long Hồ) cho biết: Trên địa bàn xã đã xây dựng được 2 tổ hợp tác nuôi dê tại ấp Bình Hòa 1 và Phú An 2 với 28 hộ nuôi, tổng đàn trên 1.350 con. Mô hình mang lại hiệu quả đã góp phần nâng cao đời sống, nâng cao thu nhập hộ gia đình, hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, giữ vững tiêu chí thu nhập trên địa bàn xã.

Nhiều nông dân cho hay, để đàn dê phát triển tốt thì cần đảm bảo chuồng nuôi luôn sạch sẽ, thoáng mát, tiêm phòng đầy đủ, cho dê ăn đầy đủ thức ăn xanh là rau, cỏ các loại. Đồng thời, mỗi ngày có thể bổ sung thêm từ 100-150g thức ăn cho dê trưởng thành. Bên cạnh đó, cần thường xuyên quan sát đàn dê để sớm phát hiện dê mắc bệnh, điều trị kịp thời.

Hiện tổng đàn dê toàn tỉnh có hơn 21.320 con, tập trung nhiều tại TX Bình Minh, huyện Long Hồ, Bình Tân, Mang Thít và nhiều nhất là huyện Tam Bình với hơn 5.700 con. Nhiều địa phương xác định dê là vật nuôi giúp xóa nghèo, tăng thu nhập cho nông hộ.

Để đàn dê phát triển tốt và đạt năng suất, chất lượng, thời gian qua các ngành chuyên môn của tỉnh đã tăng cường hỗ trợ tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Cùng với đó, ngành nông nghiệp tỉnh cũng triển khai nhiều chương trình, dự án góp phần phát triển đàn dê theo hướng quy mô, có liên kết tiêu thụ.

Theo đó, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã phối hợp thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi dê hướng thịt tại một số tỉnh ĐBSCL” do Trung tâm Khuyến nông quốc gia triển khai. Trong đó, thực hiện tại tỉnh Vĩnh Long với quy mô 300 con, trên địa bàn 2 huyện: xã Long Phước (huyện Long Hồ) và xã Mỹ Thuận (huyện Bình Tân). Tham gia dự án các hộ được hỗ trợ 50% tiền mua giống, thức ăn và vaccine ngừa bệnh cho dê, được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, các quy trình chăm sóc nuôi dưỡng.

Ông Lâm Minh Khánh- Trưởng Phòng Khuyến nông Chăn nuôi thú y và Nuôi trồng thủy sản, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp (Sở Nông nghiệp-PTNT) cho biết: Mục tiêu của dự án là hình thành, phát triển vùng chăn nuôi tập trung theo hướng an toàn; hình thành các tổ hợp tác để gắn với liên kết và tiêu thụ sản phẩm.

Việc hình thành và nhân rộng các mô hình nuôi dê trên địa bàn tỉnh không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân mà còn góp phần phát triển ngành chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững.

Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, để nuôi dê đạt hiệu quả thì hộ nuôi cần lưu ý trong khâu chọn con giống, cần mua con giống có xuất xứ rõ ràng; dê mới mua về cần được cách ly từ 30-40 ngày trước khi nhốt chuồng.

Giữ chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát; định kỳ khử trùng cho chuồng nuôi. Thường xuyên kiểm tra sức khỏe đàn dê, nhằm kịp thời phát hiện dê ốm yếu, bị bệnh để cách ly. Đồng thời phải tuân thủ nghiêm lịch tiêm phòng vaccine cho đàn dê theo chỉ dẫn của các cơ quan thú y.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh