Chủ động phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi mùa mưa bão

07:07, 28/07/2024

Trước tình hình thời tiết mưa bão kéo dài dễ phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, ảnh hưởng đến sức khỏe đàn vật nuôi, người chăn nuôi đã chủ động chăm sóc, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh để tăng khả năng chống chịu, ngăn chặn mầm bệnh cho vật nuôi.

(VLO) Trước tình hình thời tiết mưa bão kéo dài dễ phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, ảnh hưởng đến sức khỏe đàn vật nuôi, người chăn nuôi đã chủ động chăm sóc, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh để tăng khả năng chống chịu, ngăn chặn mầm bệnh cho vật nuôi.

Người chăn nuôi cần tăng cường các giải pháp phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi vào mùa mưa.
Người chăn nuôi cần tăng cường các giải pháp phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi vào mùa mưa.

Theo Chi cục Chăn nuôi thú y và thủy sản (Sở Nông nghiệp-PTNT), trong 6 tháng đầu năm, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt; từ đầu năm đến nay không phát hiện bệnh lở mồm long móng và bệnh viêm da nổi cục.

Tuy nhiên, tại một số địa phương vẫn còn xuất hiện một số ổ dịch tả heo châu Phi và ổ dịch cúm gia cầm.

Cụ thể, phát hiện 3 ổ dịch tả heo châu Phi tại 3 xã thuộc huyện Trà Ôn, tiêu hủy trên 50 con heo với trọng lượng gần 4.900kg; 1 ổ dịch cúm gia cầm tại xã Hòa Bình (huyện Trà Ôn), tiêu hủy 3.500 con gà. Các loại dịch bệnh khác xảy ra lẻ tẻ, được mạng lưới thú y điều trị không gây thiệt hại lớn.

Trước nguy cơ dịch bệnh tiếp tục gia tăng mạnh trong thời gian tới, ngành chuyên môn cùng các địa phương đã và đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khống chế, ngăn chặn dịch bệnh gia súc, gia cầm, bảo vệ sản xuất.

Có nuôi hơn 100 con gà, cô Lê Thị Thu (xã Hòa Bình, huyện Trà Ôn) cho hay: “Mùa mưa nên gia cầm có sức đề kháng yếu hơn. Do đó, tôi vệ sinh sạch chuồng nuôi, dụng cụ chăn nuôi mỗi ngày.

Định kỳ sát trùng chuồng nuôi và khu vực xung quanh để diệt mầm bệnh. Đồng thời, chủ động phòng bệnh bằng cách tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine cho đàn gà trước mùa mưa bão. Những ngày mưa bão thường bị mất điện nên tôi dự phòng đèn để giữ ấm cho đàn gà”.

Có đàn bò gần 10 con, chú Nguyễn Thanh Hải (xã Bình Phước, huyện Mang Thít) cũng cho biết: “Mùa mưa tôi chú ý kiểm tra mái che chắn đề phòng mưa tạt, gió lùa vào chuồng nuôi.

Tôi cũng thường kiểm tra hệ thống thoát nước thải, nơi chứa chất thải để hạn chế ô nhiễm. Khơi thông cống rãnh, hạn chế ngập khi mưa to. Tôi cũng không chăn thả khi vào mùa mưa, cho bò ăn thức ăn sạch, uống nước sạch”.

Theo ông Nguyễn Văn Tám- Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Trà Ôn, sau khi phát hiện các ổ dịch bệnh, phòng nông nghiệp đã phối hợp cùng các đơn vị có liên quan tiến hành dập dịch không để lây lan, đồng thời hướng dẫn địa phương hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ theo quy định.

Thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện sẽ tiếp tục thực hiện công tác tiêm phòng vaccine, đặc biệt tăng cường công tác tiêm phòng, tiêu độc khử trùng tại những khu vực có nguy cơ xảy ra dịch bệnh.

Theo dõi giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm toàn huyện; phát triển đàn gia súc, gia cầm, khuyến khích phát triển chăn nuôi công nghiệp gắn với an toàn sinh học, ưu tiên 4 đối tượng nuôi: bò, heo, gà, vịt… chọn nuôi giống mới có năng suất và phẩm chất thịt tốt mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo ông Lê Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y và thủy sản, thời gian qua, vẫn còn nguy cơ tái phát dịch cúm gia cầm, dịch tả heo châu Phi và sự xâm nhập bệnh dại. Tái đàn trong chăn nuôi chậm do lo ngại dịch bệnh, giá con giống cao và giá bán không ổn định.

Nhằm hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi, thời gian qua, ngành thú y tỉnh đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống, trong đó đẩy mạnh công tác tiêm phòng vaccine với phương châm phòng bệnh là chính.

Song song đó, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về nguy cơ xảy ra dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học; triển khai các đợt cao điểm tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường. 

Mới đây, Chi cục Chăn nuôi thú y và thủy sản cũng đã nhận 12.800 lít hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch năm 2024. Hóa chất đã được giao cho các trạm chăn nuôi thú y và thủy sản các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh nhằm triển khai kịp thời đến người dân để thực hiện tiêu độc khử trùng trong môi trường chăn nuôi.

Thời gian tới, chi cục sẽ thường xuyên giám sát tình hình dịch bệnh cúm gia cầm, dịch tả heo châu Phi, lở mồm long móng, bệnh viêm da nổi cục và bệnh dại.

Nhanh chóng phát hiện và xử lý các ổ dịch theo quy định. Tăng cường tuyên truyền cho người chăn nuôi về các biện pháp phòng chống dịch, định kỳ tiêu độc khử trùng, tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Thực hiện công tác truyền thông học đường phòng chống bệnh dại chó.

Thực hiện kế hoạch tiêm phòng gia súc, gia cầm và kế hoạch chỉ đạo công tác tiêm phòng đợt 2/2024. Thực hiện kế hoạch vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, dự kiến 3 đợt.

Xây dựng mới và tái cấp 6 cơ sở an toàn dịch bệnh cúm gia cầm. Đồng thời, hướng dẫn thường xuyên chăn nuôi an toàn sinh học, chăm sóc nuôi dưỡng tốt đàn vật nuôi.

Theo đó, chi cục cũng khuyến cáo các cơ sở, hộ chăn nuôi cần thường xuyên thực hiện việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi; phát quang đường ra vào, phương tiện vận chuyển, thức ăn và sản phẩm gia súc, gia cầm, theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Cơ sở kinh doanh ấp nở gia cầm, thủy cầm tập trung, cơ sở giết mổ, chợ buôn bán gia súc, gia cầm sống ở khu vực nông thôn cần thường xuyên thực hiện việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng; cơ sở nhà xưởng và khu vực buôn bán, phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm động vật,... đúng theo hướng dẫn và quy định của cơ quan chức năng.

6 tháng đầu năm, Chi cục Chăn nuôi thú y và thủy sản tỉnh đã thực hiện tiêm phòng trên 4,5 triệu liều vaccine cúm gia cầm (đạt 88,42% kế hoạch, tăng 21,17% so với cùng kỳ); trên 70.800 liều vaccine dại chó (đạt 118,05% kế hoạch, tăng 50,49% so với cùng kỳ); 20.750 liều vaccine lở mồm long móng trâu bò (đạt 31,92% kế hoạch, tăng 10,73% so với cùng kỳ); 33.300 liều vaccine viêm da nổi cục (đạt 55,5% kế hoạch, tăng 1,09% so với cùng kỳ).

Bài, ảnh: THẢO LY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh