Vào thời điểm giao mùa, sức khỏe đàn heo của nhà tôi thường yếu hơn. Xin Bạn nhà nông hướng dẫn cách chăm sóc đàn heo vào mùa mưa.
Vào thời điểm giao mùa, sức khỏe đàn heo của nhà tôi thường yếu hơn. Xin Bạn nhà nông hướng dẫn cách chăm sóc đàn heo vào mùa mưa.
Nguyễn Thị Tơ
(Xã Hiếu Nhơn, huyện Vũng Liêm)
Chị Tơ mến!
Trong thời điểm giao mùa (đặc biệt mùa mưa) việc phòng chống dịch bệnh trên đàn heo luôn là vấn đề cấp thiết và không thể thiếu. Mưa bão không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe đàn heo mà còn ảnh hưởng đến việc dự trữ nguồn thức ăn hàng ngày.
Trước thời điểm giao mùa cần gia cố chuồng trại: kiểm tra, sửa chữa và chằng chống chuồng trại kiên cố. Đặc biệt là gia cố lại mái chuồng để chống bão, chú ý bạt che để tránh mưa tạt gió lùa. Mật độ chuồng nuôi phù hợp, thường xuyên kiểm tra nhiệt độ chuồng để giữ ấm cho vật nuôi, chú ý đặc biệt đối với heo con. Tùy theo từng giai đoạn phát triển của heo mà nhiệt độ chuồng trại sẽ được điều chỉnh trong khoảng 16-350C. Nhiệt độ thích hợp ở khu vực trại đẻ là 220C, nhưng nhiệt độ khu vực sưởi heo con phải duy trì ở mức 30-370C. Duy trì chuồng khô ráo và sạch sẽ để phòng ngừa bệnh tiêu chảy.
Cần khai thông cống rãnh để tránh ngập nước, kiểm tra hệ thống thoát nước thải cũng như nơi chứa để tránh tình trạng chất thải tràn ra vào mùa mưa gây ô nhiễm. Đối với những khu chuồng nuôi thấp có nguy cơ ngập lụt nên nâng nền chuồng hoặc làm hệ thống sàn chuồng để tránh nước ngập gây hại cho đàn vật nuôi. Đảm bảo nguồn thức ăn đầy đủ: thức ăn tinh, hỗn hợp cho đàn heo. Chú ý: thức ăn phải được đặt nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm mốc (tuyệt đối không cho vật nuôi ăn thức ăn bị nấm mốc, hư). Đảm bảo đầy đủ nguồn nước sạch, mát cho đàn heo. Dự trữ vitamin, men tiêu hóa… để sử dụng cho vật nuôi khi cần thiết.
Để phòng bệnh, cần chủ động tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh như dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn, FMD, tai xanh… Đặc biệt chú ý đảm bảo an toàn sinh học cho vật nuôi để tránh phát sinh và lây lan mầm bệnh (đặc biệt ASF). Đảm bảo tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine.
Báo ngay cho cơ quan thú y hoặc khuyến nông địa phương nếu thấy những biểu hiện bệnh truyền nhiễm như ASF để tránh lây nhiễm và có biện pháp xử lý nhanh chóng.
Sau mùa mưa bão, tiến hành vệ sinh sạch sẽ, phun khử trùng, rắc vôi, thay đệm lót… tạo môi trường khô, ấm cho vật nuôi. Tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng, bổ sung vitamin, khoáng, men tiêu hóa để tăng đề kháng, đảm bảo vật nuôi phát triển tốt và khỏe mạnh.
BẠN NHÀ NÔNG