Đảm bảo sản xuất thắng lợi vụ lúa Thu Đông

06:06, 25/06/2024

Theo dự báo của ngành chuyên môn, đỉnh lũ ở đầu nguồn sông Cửu Long năm nay ở mức thấp, nhưng đối với khu vực vùng giữa và vùng ven biển ĐBSCL (trong đó có Vĩnh Long), do chịu tác động mạnh bởi triều cường nên nhiều khả năng đỉnh lũ xuất hiện cùng với đỉnh triều cường ở mức cao. 

(VLO) Theo dự báo của ngành chuyên môn, đỉnh lũ ở đầu nguồn sông Cửu Long năm nay ở mức thấp, nhưng đối với khu vực vùng giữa và vùng ven biển ĐBSCL (trong đó có Vĩnh Long), do chịu tác động mạnh bởi triều cường nên nhiều khả năng đỉnh lũ xuất hiện cùng với đỉnh triều cường ở mức cao. Ngoài ra, từ nay đến cuối năm do tác động của hiện tượng La Nina làm gia tăng mưa, bão. Đây là những điều kiện bất lợi cho sản xuất vụ lúa Thu Đông.

Với dự báo mưa, bão nhiều hơn, cần sớm triển khai nâng cấp, sửa chữa hệ thống thủy lợi nội đồng nhằm đảm bảo tiêu nước, chống úng cho vụ lúa Thu Đông năm nay.
Với dự báo mưa, bão nhiều hơn, cần sớm triển khai nâng cấp, sửa chữa hệ thống thủy lợi nội đồng nhằm đảm bảo tiêu nước, chống úng cho vụ lúa Thu Đông năm nay.

Đề phòng mưa nhiều, triều cường gây ngập úng cho lúa

Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, vụ lúa Thu Đông năm nay, toàn tỉnh có kế hoạch gieo sạ 30.000ha (từ 1/6-20/8), chia làm 3 đợt chính: Đợt 1 là 4.000ha (từ 1-20/6), đợt 2 là 20.000ha (từ 30/6-20/7) và đợt 3 là 6.000ha (từ 30/7-20/8). Như vậy, lúa sẽ được thu hoạch vào thời điểm đầu tháng 9 đến hết tháng 11.

Đây là thời kỳ có nhiều mưa, lũ, bão, triều cường, có khả năng ảnh hưởng lớn đến suốt vụ, nhất là gây ngập úng, chết giống ở giai đoạn lúa mới sạ và làm đổ ngã, giảm năng suất, thất thu ở giai đoạn lúa chính, thu hoạch.

Cụ thể, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến tháng 9/2024, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng từ 5-7 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 2-3 cơn đổ bộ vào đất liền nước ta.

Từ tháng 10-12, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng từ 4-6 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 2-3 cơn đổ bộ vào đất liền, tương đương hay nhiều hơn 1 cơn so với trung bình nhiều năm (TBNN).

Về lượng mưa, ở khu vực Nam Bộ, trong tháng 7-9, tổng lượng mưa tại khu vực này phổ biến ở mức cao hơn từ 5-15% so với TBNN; và trong tháng 10-12, lượng mưa phổ biến cao hơn từ 5-20% so với TBNN cùng thời kỳ.

Về lũ, theo nhận định của Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam (Bản tin dự báo số 1, ngày 20/6/2024), lũ đầu nguồn sông Cửu Long năm nay ở mức thấp hơn khá nhiều so với TBNN, nhưng cao hơn cùng kỳ năm ngoái.

Đến cuối tháng 7, mực nước tại trạm Tân Châu (sông Tiền) dao động ở mức từ 1,9-2m, thấp hơn TBNN từ 0,33-0,43m và cao hơn cùng kỳ năm ngoái từ 0,07-0,17m; mực nước tại trạm Châu Đốc (sông Hậu) dao động ở mức 1,85-1,95m, thấp hơn TBNN từ 0,02-0,12m, nhưng xấp xỉ và cao hơn năm 2023 là 0,08m.

Đến ngày 20/8, mực nước tại Tân Châu dao động ở mức 2,25-2,4m, thấp hơn TBNN khoảng 0,54-0,69m nhưng cao hơn năm 2023 từ 0,08-0,23m; mực nước tại Châu Đốc dao động ở mức 2,1-2,25m, thấp hơn TBNN từ 0,27-0,42m, xấp xỉ và cao hơn năm 2023 là 0,11m.

Đỉnh lũ chính vụ năm nay có khả năng xuất hiện vào nửa đầu tháng 10, đỉnh lũ tại Tân Châu dao động ở mức 3,2-3,5m, tương đương hoặc thấp hơn mức báo động 1 (BĐ1) là 0,3m, nhưng thấp hơn so với TBNN từ 0,4-0,7m và cao hơn đỉnh lũ năm 2023 từ 0,11-0,41m.

Đỉnh lũ tại Châu Đốc dao động ở mức 2,9-3,2m, xấp xỉ hoặc cao hơn mức BĐ1 là 0,2m, nhưng thấp hơn so với TBNN từ 0,31-0,61m, xấp xỉ hoặc cao hơn đỉnh lũ năm ngoái 0,27m.

Đối với khu vực vùng giữa và vùng ven biển ĐBSCL, tuy lũ đầu nguồn nhận định ở mức thấp, nhưng do tác động mạnh bởi triều cường nên dự báo ở mức cao, nhiều khả năng đỉnh lũ xuất hiện cùng với đỉnh triều cường.

Cụ thể là vào kỳ triều cuối tháng 10 và tháng 11, đỉnh lũ phổ biến ở mức xấp xỉ và trên mức BĐ3, chỉ một số trạm thấp hơn mức BĐ3, cao hơn khá nhiều so với TBNN và cao hơn cùng kỳ năm 2023.

Đảm bảo các điều kiện cho sản xuất thắng lợi

Nông dân cần làm đất, vệ sinh đồng ruộng thật tốt trước khi xuống giống để lúa Thu Đông phát triển tốt, năng suất cao.
Nông dân cần làm đất, vệ sinh đồng ruộng thật tốt trước khi xuống giống để lúa Thu Đông phát triển tốt, năng suất cao.

Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, trước dự báo mưa, lũ, bão, triều cường có khả năng diễn biến bất thường cần tập trung đầu tư cho công tác thủy lợi để đảm bảo chống tràn, chống ngập úng, bảo vệ an toàn cho diện tích và tăng sản lượng vụ lúa Thu Đông hơn nữa.

Do vậy, thực hiện đầu tư xây dựng, duy tu, sửa chữa hệ thống thủy lợi, nhất là công trình thủy lợi nội đồng cần được tiến hành sớm nhằm tiêu thoát nước, chống ngập phục vụ diện tích lúa đã gieo sạ.

Song song đó, nhu cầu đầu tư sửa chữa các trạm bơm tiêu cố định hiện có và lắp thêm các trạm bơm di động (giải pháp tiêu bằng động lực) ở những khu ruộng trũng, khó tiêu tự chảy (tập trung ở vùng giữa, có nhiều giáp nước của tỉnh thuộc các huyện Long Hồ, Tam Bình, Trà Ôn, Vũng Liêm) cũng rất cần thiết và rất lớn để tiến tới chủ động trong tiêu thoát nước hết diện tích lúa đã gieo sạ khi gặp những điều kiện bất lợi về thời tiết xảy ra.

Một điều kiện quan trọng nữa là, theo Sở Nông nghiệp-PTNT, khi bố trí thời vụ cho lúa Thu Đông cần lưu ý đến thời điểm xuống giống chính vụ lúa Đông Xuân 2024-2025. Nên bắt đầu xuống giống lúa Thu Đông tập trung cách thời điểm thu hoạch lúa Hè Thu khoảng 3-4 tuần và kết thúc xuống giống vào ngày 20/8, tối đa là 30/8/2024.

Lịch thời vụ xuống giống cần bố trí theo hướng tập trung “né rầy”, đồng loạt trên từng khu vực; không nên xuống giống kéo dài so với khung lịch chung. Kết hợp theo dõi số liệu rầy nâu vào đèn tập trung vào những ngày cuối tháng (từ ngày 20-25 dương lịch).

Sử dụng những giống lúa cho vụ Thu Đông, bên cạnh dùng những giống lúa có tính chống chịu với rầy nâu, vàng lùn và lùn xoắn lá, bệnh cháy lá, cháy bìa lá và giống có độ cứng cây để hạn chế đổ ngã...cần khuyến cáo nông dân sử dụng giống có thời gian sinh trưởng ngắn và có phẩm chất gạo tốt, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Nhóm giống lúa chủ lực có khả năng thích ứng rộng, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu tốt được Sở Nông nghiệp-PTNT khuyến cáo sử dụng trong năm nay là: OM5451, OM4900, OM6976, Đài thơm 8, OM18,…; nhóm giống lúa bổ sung như: OM380, OM34, OM429, OM2517, OM9577, OM9955…

Bên cạnh, nông dân cần làm đất, vệ sinh đồng ruộng thật tốt, tiêu hủy nguồn bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá, tiêu hủy rơm rạ hoặc sử dụng các hoạt chất phân hủy rơm rạ để hạn chế ngộ độc hữu cơ.

Sử dụng phân bón trong vụ Thu Đông ngoài việc cung cấp dinh dưỡng đa lượng phải lưu ý đến việc bổ sung canxi và silic cho lúa để tăng cường tính chống chịu trong điều kiện mưa bão...

Các nhà chuyên môn còn cho rằng, song song với việc tăng cường triển khai thực hiện các giải pháp kỹ thuật nhằm giúp cho vụ lúa Thu Đông vừa an toàn trước thiên tai vừa giúp tăng năng suất, sản lượng lúa, thì cũng cần chú trọng đến vấn đề xã hội khác như: sự liên kết giữa nông dân, tổ chức sản xuất (HTX, tổ hợp tác) với doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, về giá cả đầu vào- đầu ra trong sản xuất, thị trường tiêu thụ... nhằm đảm bảo hài hòa về thu nhập, lợi nhuận cho người trồng lúa và doanh nghiệp liên kết sản xuất, thu mua lúa gạo.

Bài, ảnh: TRUNG CHÁNH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh