Do ảnh hưởng của hạn, xâm nhập mặn diễn ra gay gắt trong mùa khô năm 2024 nên diện tích xuống giống vụ Hè Thu 2024 ở một số xã ở huyện Vũng Liêm có chậm hơn so với kế hoạch. Ngay khi độ mặn tại các sông chính dẫn nước vào ruộng giảm mạnh, nông dân các xã bị ảnh hưởng đã tranh thủ làm đất, ráo riết chuẩn bị giống để gieo sạ.
Nông dân tất bật gieo sạ vụ Hè Thu muộn. |
Do ảnh hưởng của hạn, xâm nhập mặn diễn ra gay gắt trong mùa khô năm 2024 nên diện tích xuống giống vụ Hè Thu 2024 ở một số xã ở huyện Vũng Liêm có chậm hơn so với kế hoạch. Ngay khi độ mặn tại các sông chính dẫn nước vào ruộng giảm mạnh, nông dân các xã bị ảnh hưởng đã tranh thủ làm đất, ráo riết chuẩn bị giống để gieo sạ.
Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, nhờ chủ động các giải pháp ứng phó với hạn mặn nên đến nay trên toàn tỉnh chưa ghi nhận xảy ra thiệt hại. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của hạn, xâm nhập mặn diễn ra gay gắt trong mùa khô năm 2024 nên diện tích xuống giống vụ Hè Thu 2024 ở một số xã ở Vũng Liêm có chậm hơn 36-46 ngày so với kế hoạch.
Cụ thể ở các xã: Trung Hiệp, Quới An, Trung Thành Tây, Trung Thành, Trung Ngãi, Trung Nghĩa với diện tích khoảng 2.112ha. Do đó, ngay khi độ mặn tại các sông chính dẫn nước vào ruộng giảm mạnh, các xã đã khuyến cáo bà con nông dân tranh thủ làm đất, chuẩn bị giống để gieo sạ.
Tại cánh đồng xã Trung Thành Tây, những ngày qua, nông dân đang tất bật ra đồng để trục, đánh đường nước, chuẩn bị giống… để gieo sạ. Đang cho máy san bằng mặt ruộng để chuẩn bị cho giống xuống sạ, anh Nguyễn Văn Khít (ấp Trung Hậu, xã Trung Thành Tây) cho hay: “Tôi có 20 công ruộng, mới có năm nay là gieo sạ trễ so với kế hoạch của xã hơn 1 tháng. Khoảng 10 năm về trước khi chưa có bị ảnh hưởng của hạn mặn thì có sạ vào tháng 4 âl, sau đó vẫn sản xuất đủ 3 vụ. Tuy nhiên, năm nay, thiếu nước ngọt vào ruộng, sạ trễ nên chắc chỉ làm được 2 vụ”.
Cũng có 20 công ruộng sạ vào 11/4 âl, chú Nguyễn Văn Lùn (ấp Trường Thọ, xã Trung Thành Tây) cho hay: “Vụ này tôi sạ giống OM18. Tôi nhẩm tính, nếu sạ trong thời điểm này thì năm nay chỉ làm được 2 vụ, thay vì 3 vụ như những năm trước vì đến tầm cuối tháng 7 âl mới thu hoạch lúa Hè Thu. Sau đó, thêm thời gian cho đất nghỉ ngơi, nếu sạ vụ Thu Đông sẽ kéo dài, đến vụ Đông Xuân xuống giống thì khả năng ảnh hưởng hạn mặn năm sau là rất cao”.
Anh Nguyễn Thành Trung-Trưởng ấp Trường Thọ, cho hay: Những năm qua, địa phương đã đầu tư các hệ thống công trình ngăn mặn nên hệ thống thủy lợi được khép kín, đảm bảo sản xuất của nông dân trong nhiều năm. Tuy nhiên, năm nay, do hạn mặn kéo dài, độ mặn tăng nhanh, nên có xảy ra tình trạng thiếu nước sản xuất. Hiện toàn ấp có 7,5ha lúa gieo sạ từ 11-13 âl. Ấp cũng dự định sau khi sản xuất xong vụ lúa Hè Thu sẽ họp bàn nông dân để cho ý kiến về sản xuất 2 vụ.
Tại xã Quới An (huyện Vũng Liêm), Phó Chủ tịch xã- Nguyễn Hoàng Ngân cũng cho hay: “Toàn xã có trên 209ha lúa Hè Thu vừa xuống giống vào mùng 10/4 âl. So với lịch thời vụ thì xuống giống trễ hơn nửa tháng do ảnh hưởng của hạn mặn dẫn đến thiếu nước sản xuất. Xã cũng khuyến cáo nông dân sạ giống chất lượng cao, có khả năng chống chịu hạn mặn. Đồng thời, khuyến cáo nông dân nên bỏ vụ Thu Đông, tập trung sản xuất vụ Hè Thu và vụ Đông Xuân 2024-2025 để đảm bảo hiệu quả sản xuất.
Bà Lê Ngọc Yến- Phó Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Vũng Liêm, cho hay: Tính đến tháng 5, toàn huyện đã xuống giống vụ Hè Thu trên 7.550ha, trong đó có trên 1.400ha lúa giai đoạn mạ, gần 950ha lúa đẻ nhánh, trên 4.000ha giai đoạn đòng và thu hoạch trên 1.100ha.
Do ảnh hưởng của hạn, xâm nhập mặn kéo dài nên việc cung cấp nước ngọt phục vụ cho sản xuất lúa Hè Thu ở một số xã chưa xuống giống đồng loạt. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục theo dõi tình hình sản xuất vụ Hè Thu, thường xuyên đến địa bàn để hướng dẫn nông dân chăm sóc, phục hồi cây trồng trong điều kiện hạn, mặn và phòng trừ dịch hại theo phương pháp “4 đúng”. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện vệ sinh, nạo vét kênh, mương để trữ ngọt, phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Bài, ảnh: THẢO LY