Tỉnh Vĩnh Long có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển chăn nuôi (CN) gia súc, gia cầm. Thi hành Luật CN năm 2018, thời gian qua, ngành CN của tỉnh không ngừng chuyển đổi phương thức CN, đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế to lớn cho người CN và cải thiện môi trường.
|
Việc chuyển đổi phương thức chăn nuôi đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: NGUYÊN KHANG |
Tỉnh Vĩnh Long có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển chăn nuôi (CN) gia súc, gia cầm. Thi hành Luật CN năm 2018, thời gian qua, ngành CN của tỉnh không ngừng chuyển đổi phương thức CN, đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế to lớn cho người CN và cải thiện môi trường.
Trước đây, CN gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh phổ biến là hình thức CN nông hộ, quy mô nhỏ lẻ, thường phát sinh nhiều dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Để ngành CN phát triển, đủ sức chống chịu dịch bệnh diễn biến phức tạp và tránh rủi ro trước sức cạnh tranh trên thị trường, ngành nông nghiệp của tỉnh đã hỗ trợ, khuyến khích người CN từng bước chuyển dần sang CN tập trung, trang trại quy mô lớn, CN theo chuỗi khép kín, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và thực hành nuôi tốt- VietGAP.
Đồng thời hình thành các mô hình CN tiên tiến, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để tăng lợi nhuận của cơ sở, hộ CN, góp phần tăng giá trị sản xuất ngành CN và thúc đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cũng như cơ cấu lại ngành sản xuất nông nghiệp của tỉnh. CN theo hình thức này giúp người CN vừa tiết kiệm được nhiều chi phí sản xuất, chủ động trong tiêm phòng, giảm thiểu dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phát triển CN theo hướng bền vững hơn.
Theo Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh, từ năm 2020, sau khi áp dụng Luật CN năm 2018 về quy mô trang trại, trên địa bàn tỉnh có 645 cơ sở CN đạt tiêu chuẩn quy mô trang trại. Đến cuối năm 2023, số lượng trang trại tăng lên 1.074 cơ sở. Trong khi đó, CN nhỏ lẻ có xu hướng giảm dần theo từng năm: năm 2022, số lượng CN nông hộ là 73.974 hộ, đến cuối năm 2023 còn 63.233 hộ (giảm 15%).
Đặc biệt, CN trang trại đã và đang phát triển theo hướng CN an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh. Tính từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có 27 cơ sở được chứng nhận an toàn dịch bệnh và có 70 trang trại, trại nuôi gà thịt (sản lượng 7.974 tấn/năm), 9 trại nuôi heo (sản lượng 2.948 tấn/năm) được chứng nhận VietGAP và tương đương.
Ngoài ra, CN theo hình thức này còn giúp cho các hoạt động liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm CN giữa các trang trại CN- doanh nghiệp chế biến thức ăn- cơ sở chế biến trong tỉnh được đẩy mạnh, giúp cho các doanh nghiệp, cơ sở CN và nông hộ thuận lợi hơn trong sản xuất. Trong năm 2023, tỉnh có 9 cơ sở nuôi heo và 100 cơ sở nuôi gia cầm liên kết với các doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ với sản lượng 19.500 con heo/lứa và gần 3 triệu con gia cầm/lứa.
Nhằm đảm bảo cho việc chuyển đổi CN theo hướng phát triển bền vững, công tác quản lý và giám sát dịch bệnh CN rất được tỉnh quan tâm. Ngành nông nghiệp của tỉnh đã kiện toàn mạng lưới thú y cơ sở; đầu tư phương tiện, thiết bị cho cán bộ nông nghiệp xã và đặc biệt là triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng dịch, như: tăng cường công tác tuyên truyền, tập trung giám sát để phát hiện sớm, khống chế kịp thời không để lây lan diện rộng, kết hợp với đẩy mạnh tiêu độc sát trùng môi trường CN.
Nhờ đó, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt. Các loại bệnh như dịch tả heo châu Phi, cúm gia cầm giảm, từ đầu năm 2024 đến nay trong tỉnh không xảy ra bệnh lở mồm long móng, bệnh viêm da nổi cục trên gia súc.
Song song đó, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã vận động các cơ sở, hộ CN đầu tư xây dựng những mô hình xử lý chất thải, CN an toàn sinh học bảo vệ môi trường khá tốt, đặc biệt là xây dựng công trình khí sinh học biogas, mang lại nhiều lợi ích kinh tế lẫn môi trường.
Hiện 1.074 trang trại CN trong tỉnh đa số đều thực hiện các biện pháp xử lý môi trường bằng HPDE, hầm biogas và công trình khí sinh học bằng chất liệu composite, giúp cho người CN an toàn trong công tác phòng, chống dịch được đảm bảo, an tâm trong hoạt động sản xuất không gây ô nhiễm về vấn đề môi trường.
Ở nông thôn trong tỉnh, những hộ CN quy mô tương đối lớn đã xây dựng công trình để sử dụng khí biogas như túi nilon và xây dựng công trình kiên cố bằng gạch xây, bê tông cốt thép.
Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh cũng quản lý chặt chất lượng nguồn giống, thức ăn, kiểm soát vận chuyển, giết mổ, bảo quản và chế biến sản phẩm CN; vận động người CN sử dụng giống có chất lượng và khai thác, tận dụng triệt để thức ăn tại chỗ, sẵn có để giảm chi phí CN... Nhờ vậy, đã góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm của người CN trong phát triển CN, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô trong CN gia súc, gia cầm.
Hiện tổng đàn heo của tỉnh hơn 88.300 con; đàn bò hơn 75.000 con, đàn gia cầm (không kể vịt chạy đồng) gần 12 triệu con.
Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định, tổng đàn vật nuôi trong tỉnh đến năm 2030 là: đàn heo 350.000 con, đàn bò 85.000 con, đàn gia cầm duy trì ở mức 10 triệu con, xây dựng được ít nhất 25 cơ sở CN an toàn dịch bệnh; duy trì và phát triển 5 chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm CN… và tiếp tục phát triển CN theo hướng an toàn sinh học, giữ ổn định tổng đàn gia cầm, phát triển CN heo và bò ở mức hợp lý.
|
Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến khích người chăn nuôi chuyển dần sang nuôi tập trung, trang trại quy mô lớn, an toàn sinh học để nghề chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững. |
Trong quy hoạch này, tỉnh Vĩnh Long sẽ tiếp tục ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích hộ gia đình, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển các mô hình CN gia súc, gia cầm (nhất là heo, gà) đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh ứng dụng công nghệ cao, gắn với liên kết sản xuất- tiêu thụ sản phẩm tại các huyện: Mang Thít, Tam Bình, Long Hồ, Trà Ôn, Bình Tân và Vũng Liêm nhằm thúc đẩy hình thức CN theo hướng mới (CN trang trại, an toàn sinh học, an toàn thực phẩm) phát triển hơn nữa, góp phần tăng nhanh giá trị sản xuất của ngành CN nói riêng, ngành nông nghiệp của tỉnh nói chung trong thời gian tới.