Với nhiều ưu điểm như: chi phí đầu tư thấp, dễ trồng, nhẹ công chăm sóc và cho trái quanh năm, cây ca cao đã giúp nhiều nông dân ở huyện Trà Ôn và một số địa phương lân cận "sống khỏe", có thu nhập ổn định.
Với nhiều ưu điểm như: chi phí đầu tư thấp, dễ trồng, nhẹ công chăm sóc và cho trái quanh năm, cây ca cao đã giúp nhiều nông dân ở huyện Trà Ôn và một số địa phương lân cận “sống khỏe”, có thu nhập ổn định.
Ca cao- cây trồng có giá trị kinh tế cao
Theo ngành nông nghiệp tỉnh, từ năm 2006, huyện Trà Ôn đã được chọn triển khai mô hình trồng ca cao xen canh vườn cây ăn trái (chủ yếu là vườn dừa).
Từ những hiệu quả bước đầu, giai đoạn 2011-2015, Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh tiếp tục thực hiện dự án phát triển cây ca cao nhằm mở rộng diện tích, hình thành vùng sản xuất hàng hóa, đưa những giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho nhà vườn.
Qua đó, diện tích trồng ca cao của huyện Trà Ôn không ngừng được mở rộng. Song song với việc hỗ trợ nông dân thực hiện mô hình, ngành nông nghiệp tỉnh cũng khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ trái ca cao.
Gắn bó với cây ca cao hơn 20 năm, ông Nguyễn Văn Suối- Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tích Khánh (ấp Tích Khánh, xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn) cho biết: “Trước đây gia đình có 30 công ruộng nhưng canh tác không hiệu quả nên tôi đã sang tỉnh Bến Tre học tập mô hình trồng ca cao. Sau gần nửa năm tìm hiểu kỹ và nhận thấy hiệu quả kinh tế, tôi về bàn bạc với gia đình và mạnh dạn chuyển đổi một nửa diện tích đất canh tác sang trồng 1.200 cây ca cao. Hiện nay, với mức giá bình quân 5.500- 8.000 đ/kg trái tươi, mỗi năm 15 công ca cao cho thu nhập gần 500 triệu đồng. Tôi cũng chia sẻ kinh nghiệm trồng ca cao cho bà con có nhu cầu và HTX bao tiêu đầu ra trái ca cao tươi rồi tách hạt phơi khô để cung ứng nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến”.
Theo ông Suối, ưu điểm của ca cao so với những loại cây trồng khác đó là dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp (chỉ khoảng 16.000 đ/cây giống) và hầu như cho trái quanh năm. Đặc biệt, đây là loại cây có thể chịu được độ mặn khá tốt và chỉ tưới nước từ 1-2 lần/tuần.
Nếu trồng ca cao chuyên canh có thể trồng dày với mật độ 80 cây/1.000m2, nhưng nếu xen canh với các loại cây trồng khác, ví dụ như dừa thì khoảng 40 cây ca cao và 20 cây dừa mỗi công. Thời gian cho thu hoạch của ca cao cũng không quá dài, từ lúc trồng đến 18 tháng tuổi cây bắt đầu ra hoa và cho lứa trái chiếng sau 2 năm.
Nếu được chăm sóc tốt, bón phân đầy đủ thì cây ở năm tuổi thứ 3 có thể cho năng suất trái 30 kg/năm. Và cứ mỗi năm sau đó năng suất tăng thêm từ 5-10 kg/cây. Đối với vườn ca cao đã trưởng thành như của ông Suối hiện tại có thể cho sản lượng trái trung bình khoảng 80 kg/cây/năm.
Để phát triển bền vững cây ca cao
Theo nhiều nông dân, ca cao được thu mua với mức giá ổn định, người trồng có thu nhập khá. Từ đây, những tổ hợp tác, HTX được hình thành, đóng vai trò đầu mối đưa cây ca cao bén rễ không chỉ tại huyện Trà Ôn mà còn ở nhiều địa phương lân cận. Trong đó, HTX Nông nghiệp Tích Khánh là đơn vị chủ chốt trong việc tổ chức sản xuất và liên kết thu mua, sơ chế, cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Văn Suối, thời gian qua, HTX đã liên kết sản xuất cùng các đơn vị, bà con nông dân ở nhiều địa phương như TT Trà Ôn, các xã Thiện Mỹ, Tân Mỹ, Trà Côn, Lục Sĩ Thành, Phú Thành (huyện Trà Ôn); xã Đông Thành (TX Bình Minh); các xã Ngãi Tứ, Bình Ninh (huyện Tam Bình); xã An Phú Tân (huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh)… Trong năm 2023, HTX đã trồng thêm 3.000 cây ca cao, nâng tổng diện tích vùng nguyên liệu lên đến 140ha, với 220 hộ tham gia, năng suất đạt bình quân 10 tấn/ha/năm.
Có vườn ca cao hơn 3 năm tuổi đã cho trái, chị Nguyễn Thúy Oanh (ấp Mỹ An, xã Bình Ninh, huyện Tam Bình) cho biết: “Trước đây, 5 công đất này tôi trồng cam và bưởi, nhưng không hiệu quả nên tôi chuyển sang trồng ca cao. Trồng loại cây này không mất nhiều công chăm sóc, chỉ cần bón phân, tưới nước và tỉa cành thông thoáng là tự ra trái. Hàng tuần có người của HTX đến tận vườn thu mua. Từ đầu năm đến nay, giá ca cao tăng, ở mức 8.000-8.500 đ/kg, tôi có thu nhập khá”.
Theo Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tích Khánh, nhờ sự quan tâm giúp đỡ của ngành chức năng, địa phương đã tạo điều kiện cho HTX duy trì hoạt động hiệu quả suốt hơn 17 năm qua. Đến nay, tất cả các xã viên đều tham gia sản xuất ổn định.
Ngoài ra, với 7 tổ thu mua ca cao, HTX đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 145 lao động, với thu nhập bình quân khoảng 3,5 triệu đồng/người/tháng. Dự kiến trong năm 2024 HTX sẽ mở rộng diện tích thêm 8ha, tương đương trồng mới 10.000 cây.
Theo ông Nguyễn Văn Suối, cây ca cao có nhiều tiềm năng phát triển sau này. |
“Cây ca cao hiện đang có nhiều triển vọng. Vĩnh Long cũng có nhiều điều kiện thích hợp trồng ca cao. Nếu được quan tâm đầu tư đúng mức, thích hợp, tiềm năng phát triển đối với cây trồng này lớn. Thời gian tới, HTX sẽ từng bước mở rộng thị trường, xây dựng và quảng bá thương hiệu ca cao; ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, giống, bảo quản sơ chế, chế biến, phòng trừ dịch hại; nâng cao năng lực cán bộ quản lý đối với cây trồng này. Bên cạnh đó, HTX cũng mong muốn được ngành chức năng hỗ trợ vốn để mở rộng vùng nguyên liệu; đầu tư sản xuất, kinh phí quảng bá thương hiệu cũng như đăng ký sản xuất theo hướng VietGAP”- ông Suối cho hay.
Theo ông Nguyễn Văn Tám- Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Trà Ôn, thời gian qua, huyện khuyến khích nông dân chuyển đổi cây trồng ở những nơi phù hợp. Trong đó, cây ca cao đang có triển vọng. Từ đầu năm đến nay, giá ca cao tăng, nông dân có thu nhập khá từ mô hình này.
Để phát triển cây ca cao bền vững, cần phải đi vào chiều sâu; hướng đến hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến người tiêu dùng, đồng thời cần tăng cường liên kết sản xuất với doanh nghiệp để đảm bảo ổn định đầu ra, giúp nông dân an tâm sản xuất.
Bài, ảnh: PHI LONG