​Nhiều tiện ích từ bẫy đèn thông minh

11:04, 16/04/2024

Việc lắp đặt và vận hành hệ thống giám sát côn trùng thông minh đem lại nhiều tiện ích, hiệu quả trong việc kiểm soát côn trùng trên ruộng lúa, cây trồng, rau màu, từ đó giúp nông dân chủ động phòng trừ các đối tượng gây hại đạt hiệu quả cao.

 

 

Thông qua bẫy đèn thông minh, giúp nông dân chủ động phòng trừ các đối tượng gây hại đạt hiệu quả cao.
Thông qua bẫy đèn thông minh, giúp nông dân chủ động phòng trừ các đối tượng gây hại đạt hiệu quả cao.

Việc lắp đặt và vận hành hệ thống giám sát côn trùng thông minh đem lại nhiều tiện ích, hiệu quả trong việc kiểm soát côn trùng trên ruộng lúa, cây trồng, rau màu, từ đó giúp nông dân chủ động phòng trừ các đối tượng gây hại đạt hiệu quả cao.

Theo Chi cục Trồng trọt-BVTV (Sở Nông nghiệp-PTNT), bẫy đèn là một công cụ dùng để thu hút rầy nâu trưởng thành và một số côn trùng có đặc tính hướng sáng hỗ trợ việc giám sát dịch hại cây trồng.

Tuy nhiên, thời gian qua hệ thống bẫy đèn có nhiều bất cập, cần thiết phải được cải tiến như: tình trạng nước tràn phễu hoặc rơi túi dựng khi mưa to gây mất số liệu, cần nhiều công lao động và công kỹ thuật trong việc nhận diện, đếm thủ công và báo cáo số liệu côn trùng vào bẫy kịp thời từ địa phương đến cơ quan quản lý cấp trên.

Do đó, năm 2023 Chi cục Trồng trọt-BVTV đã triển khai thực hiện lắp đặt thí điểm bẫy đèn giám sát côn trùng thông minh tại xã Mỹ Lộc (huyện Tam Bình) để thay thế dần hệ thống bẫy đèn truyền thống ở địa phương.

Bẫy đèn thông minh này, với dãy ánh sáng có nhiều màu (gồm xanh lá, xanh dương, UV và trắng- có thể điều chỉnh được) tăng khả năng dẫn dụ đa dạng các loại côn trùng vào bẫy; thu thập dữ liệu hình ảnh côn trùng bằng camera và truyền tải hình ảnh ghi nhận về trung tâm phân tích dữ liệu.

Hệ thống sử dụng trí tuệ nhân tạo có thể nhận dạng, phân biệt được 103 loài côn trùng (gồm 20 loài côn trùng trên cây lúa như rầy nâu, rầy xanh đuôi đen, rầy lưng trắng, bướm sâu cuốn lá, sâu đục thân, sâu năn, bọ xít đen, sâu phao...; 20 loài côn trùng trên rau màu; 21 loài côn trùng trên cây ăn trái và 42 loài côn trùng trên các loại cây trồng khác); có thể thay thế hoàn toàn việc theo dõi thủ công hàng đêm của cán bộ kỹ thuật.

Qua đó, giảm công lao động trong khâu nhận dạng và đếm số lượng côn trùng vào bẫy, dữ liệu trực tiếp tại điểm truy cập, hạn chế sai sót qua các khâu trung gian (nhận diện, đếm, nhập dữ liệu các công đoạn báo cáo...), dễ dàng truy cập và quản lý, giúp cho công tác dự tính, dự báo trở nên nhanh chóng và kịp thời hơn.

Cụ thể, khâu trích xuất dữ liệu dưới dạng excel, thể hiện theo từng ngày trong tháng, từng tháng trong năm, theo đối tượng cần trích xuất dữ liệu, dễ dàng khai thác dữ liệu tổng hợp báo cáo.

Ngoài ra, công nghệ bẫy đèn thông minh còn có thể giúp nông dân có thể giám sát côn trùng, truy cập thông tin nhanh và chính xác bằng điện thoại thông qua các phần mềm ứng dụng. Từ đó, giúp người nông dân chủ động phòng trừ dịch hại một cách hiệu quả nhất, giảm chi phí trong sản xuất, đặc biệt là giảm tối đa việc sử dụng thuốc BVTV để phòng và trừ dịch hại.

Qua thời gian đầu, sau khi lắp đặt, bẫy đèn thông minh thu hút đa dạng các loại côn trùng trên lúa (các đối tượng không được ghi nhận trên bẫy đèn truyền thống như thành trùng sâu keo, sâu năn,...), trên cây ăn trái và rau màu (kiến vương, bọ hung, bướm sâu keo...). Đồng thời, có sự chênh lệch cao về số lượng côn trùng khi bị thu hút bởi ánh sáng của bẫy đèn thông minh so với bẫy đèn truyền thống.

Ông Trần Văn Cường- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Lộc, cho biết: Thông qua phần mềm giúp ngành chuyên môn biết được khá chính xác từng đối tượng, số lượng vào bẫy, qua đó tính được thời điểm dịch hại xuất hiện trên đồng để có các biện pháp hướng dẫn nông dân phòng trị kịp thời. Ngoài ra, bẫy đèn còn có các thiết bị quan trắc khí tượng thời tiết (đo nhiệt độ, ẩm độ, tốc độ gió, hướng gió và cảm biến mưa trong ngày).

“Bẫy đèn là một dụng cụ khá đơn giản dùng để thu hút, diệt trưởng thành của rầy nâu và một số loại sâu hại khác dựa vào đặc tính sinh học (tính hướng sáng) của một số loài côn trùng. Nhưng mục đích chính là thống kê, theo dõi số lượng rầy vào bẫy đèn mỗi ngày để từ đó dự báo được tình hình phát sinh phát triển của các lứa rầy trên đồng ruộng trong các đợt sinh trưởng tiếp theo. Trên cơ sở đó, sẽ xác định lịch thời vụ cho các địa phương xuống giống và có biện pháp phòng trừ sinh vật hại thích hợp”- ông Cường cho biết thêm.

Theo Chi cục Trồng trọt-BVTV, nhìn chung, việc lắp đặt bẫy đèn thông minh tại xã Mỹ Lộc (huyện Tam Bình), ngoài việc giúp nông dân chủ động phòng trừ các đối tượng gây hại đạt hiệu quả cao, giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường về phun thuốc BVTV, tăng sức khỏe cộng đồng dân cư nông thôn; còn góp phần hỗ trợ nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước cho ngành trồng trọt-BVTV của tỉnh.

Cụ thể, là việc kịp thời theo dõi, dự tính dự báo tình hình dịch hại trên cây lúa theo hướng hiện đại. Từ đó tạo thuận lợi cho việc hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời quản lý dịch hại tổng hợp, quản lý dịch hại cộng đồng trong tỉnh; góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất lúa gạo an toàn, bền vững trong điều kiện biến đổi khi hậu như hiện nay.

Bài, ảnh: THẢO LY

 

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh