Dùng bẫy pheromone hạn chế sâu hại

09:04, 18/04/2024

Theo ngành nông nghiệp, việc sử dụng bẫy pheromone ưu điểm lớn nhất là không gây độc hại đối với con người, bảo vệ thiên địch có ích và môi trường sinh thái, song vẫn khống chế tốt quần thể sâu phát sinh, phát triển trên đồng ruộng, giúp giảm số lần sử dụng thuốc BVTV trong vụ mà vẫn đảm bảo hiệu quả phòng trừ.

 

 

Sử dụng bẫy pheromone ưu điểm lớn nhất là không gây độc hại đối với con người, bảo vệ thiên địch.
Sử dụng bẫy pheromone ưu điểm lớn nhất là không gây độc hại đối với con người, bảo vệ thiên địch.

Theo ngành nông nghiệp, việc sử dụng bẫy pheromone ưu điểm lớn nhất là không gây độc hại đối với con người, bảo vệ thiên địch có ích và môi trường sinh thái, song vẫn khống chế tốt quần thể sâu phát sinh, phát triển trên đồng ruộng, giúp giảm số lần sử dụng thuốc BVTV trong vụ mà vẫn đảm bảo hiệu quả phòng trừ.

Với mục tiêu thay thế các hợp chất hóa học độc hại bằng cách phát triển và áp dụng công nghệ pheromone trên các cánh đồng lúa, dự án Cánh đồng xanh Phero Rice đã được triển khai tại Vĩnh Long trong vụ Hè Thu 2024.

Theo ngành nông nghiệp, pheromone là hợp chất hóa học có hoạt tính sinh học tương tự như chất kích thích tố của côn trùng, nhằm thu hút con trưởng thành vào bẫy để diệt côn trùng. Pheromone là tên gọi một hỗn hợp các hormone giới tính. Hỗn hợp này tạo ra loại mùi thơm đặc trưng giống cái của một số loài côn trùng.

Côn trùng đực theo đó bị dẫn dụ và bị giữ lại trong bẫy nhờ hỗn hợp keo dính tương tự như trong bẫy màu. Dự án Cánh đồng xanh Phero Rice thực hiện trên đồng ruộng dựa trên việc đánh lạc hướng và làm mất khả năng bắt cặp của côn trùng gây hại bằng pheromone. Qua đó, nông dân có thể kiểm soát quần thể và giảm thiệt hại mà loại côn trùng này gây ra cho đồng ruộng.

ThS Manon Avignon- Giám đốc Kỹ thuật Công ty M2i Life Sciences, Cộng hòa Pháp, cho biết: “Đối với dự án tại Việt Nam, chúng tôi tập trung vào 3 loại pheromone chính là 2 loài sâu đục thân và 1 loài sâu cuốn lá nhỏ. 85% là hiệu quả giảm thiệt hại đối với các loại pheromone khác trên các quốc gia khác. Đối với sâu đục thân và sâu cuốn lá lúa thì chúng tôi kỳ vọng đạt kết quả như vậy”.

Tại Vĩnh Long, trong vụ Hè Thu năm nay, Dự án Cánh đồng xanh Phero Rice được thực hiện tại huyện Vũng Liêm và huyện Tam Bình, với tổng diện tích khoảng 10ha gồm 10 điểm trình diễn. Tại mỗi điểm trình diễn, dự án sẽ đào tạo nông dân và cấp giấy chứng chỉ về quản lý dịch hại tổng hợp bằng công nghệ pheromone, hỗ trợ nông dân giảm thiệt hại do sâu đục thân và sâu cuốn lá nhỏ gây ra thông qua việc sử dụng pheromone, giúp tăng thu nhập cho nông dân.

Tham gia dự án, chú Dương Thành Thơi (Ấp 11, xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình) cho hay: “Tôi được giới thiệu về pheromone, nguyên lý tác động và công dụng của pheromone trong việc quản lý côn trùng gây hại, hướng dẫn cách treo pheromone trên đồng ruộng. Tôi thấy lợi ích lớn nhất của bẫy pheromone là bảo vệ các loài thiên địch, bảo vệ môi trường và quan trọng là sản phẩm đảm bảo an toàn. Tôi cũng thử nghiệm trên ruộng của mình để hạn chế sâu bệnh, từ đó tiết kiệm chi phí”.

Ông Trần Văn Cường- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Lộc (huyện Tam Bình) cho biết: Lợi ích lớn nhất của bẫy pheromone là bảo vệ các loài côn trùng có ích, bảo vệ môi trường, an toàn cho sức khỏe của nông dân. Xã có 6 hộ tham gia trình diễn mô hình kiểm soát sâu bệnh gây hại bằng pheromone với diện tích 1 ha/hộ. Khi triển khai mô hình, nông dân rất quan tâm và nhiệt tình thực hiện. Mô hình sẽ được đánh giá mức độ hiệu quả sau khi thu hoạch vụ Hè Thu, sẽ đánh giá được mức độ giảm gây hại của sâu đục thân và sâu cuốn lá.

Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, cho biết: Việc triển khai dự án là một giải pháp hiệu quả trong sản xuất theo hướng an toàn, tuần hoàn nông nghiệp xanh. Đặc biệt trong Đề án “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030” thì đến năm 2025, tỉnh sẽ có 1,5% diện tích sản xuất hữu cơ và đến năm 2030 sẽ có 3%. Dự án thành công sẽ góp phần tăng được năng suất, hiệu quả và bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe làm cho sản phẩm sạch, an toàn hơn và nâng cao được giá trị sản xuất cho nông dân.

Theo ngành nông nghiệp, thời gian qua, nông dân phòng trị sâu hại trên đồng ruộng (trong đó có sâu đục thân và sâu cuốn lá nhỏ) chủ yếu sử dụng thuốc BVTV hóa học. Bên cạnh hiệu quả mang lại thì giải pháp này cũng gây ra nguy cơ kháng thuốc đối với côn trùng, ảnh hưởng đến sức khỏe nông dân và môi trường đồng ruộng. Việc sử dụng pheromone để quản lý các đối tượng sâu hại trên đồng ruộng là giải pháp an toàn cho người nông dân và môi trường, bên cạnh còn hỗ trợ nông dân sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn an toàn, hữu cơ, qua đó nâng cao lợi nhuận cho nông dân.

Ông Aru David- Giám đốc ASSIST khu vực sông Mekong, cho hay: “Dự án sẽ tiếp tục triển khai ở tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Long An. Kỳ vọng sau dự án này là chúng tôi sẽ tập huấn cho nông dân và chọn ra khoảng 30 nông dân nòng cốt để hướng dẫn lại cho nông dân khác. Cụ thể, nông dân được đào tạo và cấp chứng chỉ về quản lý dịch hại tổng hợp bằng công nghệ pheromone thông qua lớp tập huấn đồng ruộng (FFS); giảm thiểu 85% thiệt hại do sâu bệnh thông qua việc sử dụng công nghệ pheromone và tăng 10% thu nhập cho nông dân… Chúng tôi cũng mong muốn bà con nông dân nâng cao thu nhập của mình từ việc nâng cao giá bán, giảm chi phí trong sử dụng thuốc trừ sâu hóa học và hướng đến một nền nông nghiệp phát triển bền vững hơn”.

 

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh