Xin Bạn Nhà nông hướng dẫn cách nuôi cá chạch lấu trong bể xi măng đạt hiệu quả.
Xin Bạn Nhà nông hướng dẫn cách nuôi cá chạch lấu trong bể xi măng đạt hiệu quả.
Nguyễn Văn Tám
(Xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm)
Anh Tám mến!
Chạch lấu là một trong những loài cá được đánh giá là dễ nuôi. Nuôi cá chạch lấu trong bể xi măng cũng có nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, cần nắm bắt được kỹ thuật nuôi để đạt hiệu quả cao.
Trước hết, nuôi cá chạch lấu trong bể xi măng, nhiệt độ môi trường nước nên duy trì trong khoảng 25- 270C. Để đảm bảo duy trì được nhiệt độ trên, có thể tiến hành thiết kế thêm mái che cho bể nuôi, có thể cho thêm bèo, hoặc sử dụng các loại cây không chứa tinh dầu như tre, trúc vào để tạo nơi trú ẩn cho chúng.
Trước khi thả cá xuống bể, cần xử lý qua bể nuôi bằng cách sử dụng muối hoặc thuốc tím để rửa sạch bể. Hoặc có thể ngâm phèn chua để khử các vụn xi măng, mùi xi măng còn sót lại. Để việc làm sạch bể hiệu quả, nên tiến hành ngâm trong vòng 1 tuần. Sau đó rửa sạch lại với nước trong khoảng vài ngày. Cuối cùng là thay nước mới để cho cá chạch lấu vào trong bể nuôi.
Cần chọn con giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng ở cơ sở uy tín, chất lượng, da thịt của con giống không bị trầy xước, xây xát, ưu tiên chọn những con giống bơi nhanh, chọn con cùng kích cỡ. Mục đích là để khi thả vào trong cùng một bể, không có hiện tượng con lớn cấu xé, giành giật thức ăn với con nhỏ.
Thả cá vào bể với mật độ 50- 100 con/m2 là hợp lý. Thả quá dày sẽ khiến môi trường sống của cá chạch lấu bị chật chội, từ đó mà sinh trưởng và phát triển kém.
Khi cho cá chạch lấu ăn, chỉ nên cho chúng ăn một lượng vừa đủ. Tốt nhất chỉ nên bằng 5- 8% so với trọng lượng cơ thể của chúng. Có thể cho cá chạch lấu ăn một ngày 3- 4 lần, vào buổi sáng sớm, hoặc chiều tối.
Cá chạch lấu là loài dễ nuôi. Tuy nhiên, chúng cũng có nguy cơ mắc một số bệnh nếu môi trường sống bị ô nhiễm. Các bệnh thường gặp ở cá chạch lấu là nấm, bệnh đường ruột, đốm đỏ lở loét,… Để phòng những bệnh này, có thể tiến hành bổ sung thêm nhiều vitamin C. Hoặc có thể dùng men tiêu hóa trộn cùng với thức ăn cho cá.
Từ khi nuôi đến 9- 12 tháng sau, có thể tiến hành thu hoạch cá. Hoặc khi cá đạt kích cỡ 100- 150 con/kg, có thể thu tỉa dần. Trước 1 ngày đánh bắt cá chạch lấu, không nên cho chúng ăn. Đồng thời, trước nửa tháng khi xuất bán, cũng không nên sử dụng thuốc kháng sinh. Trong quá trình thu hoạch, cẩn thận tránh làm da cá chạch lấu bị xây xát. Giá trị thương phẩm của cá sẽ bị giảm xuống nếu để chúng bị mất nhớt, hoặc da bị trầy tróc.
BẠN NHÀ NÔNG