Trong năm vừa qua, ngành nông nghiệp huyện Mang Thít tiếp tục có nhiều bước đột phá mới trong thực hiện nhiệm vụ, chuyển biến tích cực về nhận thức của nông dân trong sản xuất, kinh doanh. Qua đó, góp phần từng bước xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.
Năm 2023, giá trị gia tăng toàn ngành nông nghiệp huyện Mang Thít tăng cao nhất trong những năm gần đây. |
Trong năm vừa qua, ngành nông nghiệp huyện Mang Thít tiếp tục có nhiều bước đột phá mới trong thực hiện nhiệm vụ, chuyển biến tích cực về nhận thức của nông dân trong sản xuất, kinh doanh. Qua đó, góp phần từng bước xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.
Nhiều mô hình nông nghiệp trăm triệu
Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Mang Thít, với sự quyết tâm cao, nỗ lực, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thích ứng an toàn, sáng tạo, đổi mới tư duy để vượt qua khó khăn, thách thức, nông nghiệp huyện đã đạt được các mục tiêu phát triển.
Cụ thể, trong năm qua, phong trào trồng cây lâu năm đang có xu hướng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng. Mô hình nuôi gia công gia súc, gia cầm tiếp tục duy trì và phát triển.
Nhiều mô hình nông nghiệp trong huyện đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, như: nuôi lươn thịt (lợi nhuận 110 triệu đồng/1.000m2/năm), nuôi lươn sinh sản (lợi nhuận 200 triệu đồng/1.000m2/năm); ươm cây sầu riêng giống tập trung ở xã An Phước, Chánh An, lợi nhuận 700 triệu/ha/3 năm; trồng dưa hoàng kim ở Long Mỹ đạt lợi nhuận khoảng 70 triệu đồng/ha gấp 12 lần lúa; nuôi gà gia công ở các xã Mỹ Phước, An Phước, Tân An Hội đạt lợi nhuận 95 triệu đồng/10.000 con/3 tháng nuôi (tỷ lệ hao hụt 5%)…
Bên cạnh đó, đã phát triển được một số mô hình mới, như: nuôi chim công (xã Nhơn Phú), nuôi cá chốt (xã Tân Long Hội), nuôi cá linh (xã Mỹ Phước)…
Theo ông Hồ Phước Dư- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện: Trong năm 2023, ngành nông nghiệp huyện đã luôn chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai sớm các lịch thời vụ trong các vụ mùa sản xuất; tích cực khuyến cáo nông dân ứng dụng các kỹ thuật 3 giảm 3 tăng, hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng an toàn, ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất để nâng cao chất lượng nông sản, từng bước tiến tới nông nghiệp công nghệ cao và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo đó, chú trọng phát triển theo hướng vùng nguyên liệu tập trung, an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn VietGAP và phát triển bền vững; xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa... Phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, hình thức trang trại.
Đa dạng các loại hình nuôi trồng thủy sản tập trung, theo hướng an toàn thực phẩm gắn với tiêu thụ theo chuỗi liên kết sản phẩm. Duy trì, giữ vững diện tích nuôi thủy sản đạt các tiêu chuẩn VietGAP và tương đương. Huyện cũng chú trọng công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông, thủy sản và hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh các sản phẩm nông sản.
Anh Tống Hữu Cường Quốc- Giám đốc HTX Sản xuất và tiêu thụ mật ong công nghệ cao Vĩnh Long (TT Cái Nhum) cho hay: Được sự quan tâm và hỗ trợ từ Nhà nước, HTX tiếp cận với các kỹ thuật tiên tiến, đảm bảo quy trình sản xuất chất lượng cao, HTX cũng được hỗ trợ thực hiện chương trình OCOP và có sản phẩm mật ong đạt chứng nhận OCOP 3 sao.
Chương trình xúc tiến thương mại của địa phương hỗ trợ góp phần giúp HTX phát triển mở rộng thị trường, tạo thu nhập ổn định cho thành viên.
Phát triển nông nghiệp bền vững
Theo ngành nông nghiệp huyện, trong năm qua, thời tiết diễn biến phức tạp. Một số sản phẩm nông sản giá đầu ra không ổn định, giá vật tư nông nghiệp ở mức cao dân không an tâm đầu tư.
Việc thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ còn nhiều khó khăn. Ông Hồ Phước Dư cho biết: Ngành nông nghiệp huyện sẽ theo dõi chặt chẽ, thông tin kịp thời về tình hình, thời tiết, dịch bệnh để chủ động phòng chống và ứng phó có hiệu quả.
Đẩy mạnh thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững và tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thực hiện; khuyến cáo nông dân sử dụng các loại giống cây trồng có khả năng chống chịu với biến đối khí hậu…
Định hướng phát triển ngành nông nghiệp huyện trong thời gian tới, Chủ tịch UBND huyện Mang Thít Nguyễn Văn Diên cho biết:
Năm 2024, huyện sẽ thực hiện tốt việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng lúa; tiếp tục tăng diện tích lúa ứng dụng “3 giảm 3 tăng” và diện tích sử dụng giống xác nhận hoặc tương đương vào sản xuất.
Kịp thời nhân rộng các mô hình, dự án sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao. Duy trì mở rộng mô hình liên kết, tiêu thụ trong chăn nuôi; phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ trong trồng trọt.
Tăng cường hỗ trợ tổ chức, cá nhân thiết lập mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc trên các loại cây trồng chủ lực.
Đồng thời, khuyến khích người dân cải tạo vườn kém hiệu quả, trồng mới các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, có tiềm năng về thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước; phát triển mạnh diện tích ao nuôi thủy sản thâm canh, các mô hình nuôi cá trên ruộng lúa, nuôi cá trong mương vườn; thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.
Song song đó, chú trọng đầu tư các hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững…
Năm 2023, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp- thủy sản huyện tăng cao nhất so với 3 năm gần đây, đạt 3,34%. Trong đó, giá trị sản xuất ngành trồng trọt tăng 4,82%, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng 2,39%; giá trị dịch vụ nông nghiệp tăng 3,93%. Năm 2024, ngành nông nghiệp huyện phấn đấu giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, thủy sản tăng 2,6% so với năm 2023. Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 2,5%, giá trị sản xuất thủy sản tăng 3,7%. |
Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG