Tập trung xuống giống lúa Đông Xuân

07:11, 28/11/2023

Những ngày này, nhiều nông dân trong tỉnh đang tập trung xuống giống đợt 2 vụ lúa Đông Xuân 2023-2024. Đây cũng là đợt xuống giống chính của vụ lúa. Để thắng lợi vụ lúa này, ngành nông nghiệp cũng có những khuyến cáo để nông dân né rầy, né mặn, đạt hiệu quả cao trong sản xuất.

 

Nông dân tập trung xuống giống vụ lúa chính trong năm.
Nông dân tập trung xuống giống vụ lúa chính trong năm.

Những ngày này, nhiều nông dân trong tỉnh đang tập trung xuống giống đợt 2 vụ lúa Đông Xuân 2023-2024. Đây cũng là đợt xuống giống chính của vụ lúa. Để thắng lợi vụ lúa này, ngành nông nghiệp cũng có những khuyến cáo để nông dân né rầy, né mặn, đạt hiệu quả cao trong sản xuất.

Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, dự kiến vụ lúa Đông Xuân 2023-2024, toàn tỉnh sản xuất 40.000ha, năng suất 7 tấn/ha, sản lượng 280.000 tấn. Trong đó, tập trung xuống giống 30.000ha trong đợt 2, từ 20/11-9/12 (nhằm con nước từ mùng 10-25/10 âl). Đây là đợt xuống giống chính và phân bố tại hầu hết các địa phương trong tỉnh.

Sau đó, đợt 3, xuống giống 6.000ha, tập trung từ 19/12/2023-9/1/2024 (nhằm con nước từ mùng 10-25/11 âl). Phân bố ở vùng còn lại và nơi lúa Thu Đông muộn vừa thu hoạch, không xuống giống vùng có nguy cơ bị nhiễm mặn trong đợt này. Tuy nhiên, tùy vào điều kiện thực tế từng địa phương và nhất là cần có sự tính toán hợp lý căn cứ vào tình hình hạn, mặn để xây dựng lịch thời vụ chặt chẽ theo từng tiểu vùng sinh thái của địa phương.

Đợt 1 của vụ lúa Đông Xuân đã được nông dân xuống giống với diện tích hơn 2.100ha. Nhiều nông dân cho hay, nhiều trà lúa xuống giống trong đợt 1 đã được thương lái đang đặt cọc thu mua với giá từ 180.000-186.000 đ/giạ, tương đương từ 9.000-9.300 đ/kg. Dự đoán thị trường ổn định, thương lái tìm nông dân đặt hàng thu mua trước lúa đang gieo sạ hiện nay với giá tương đương nên nông dân rất phấn khởi xuống giống.

Tại cánh đồng xã Hòa Lộc (Tam Bình), vụ lúa này, nhiều nông dân đã chú trọng áp dụng kỹ thuật vào sản xuất để giảm chi phí đầu tư, trước tiên là giảm lượng giống gieo sạ. Ông Bùi Văn Tiễn (xã Hòa Lộc) cho hay: “Tôi sạ hàng nhiều năm nay. Sạ hàng ít tốn giống hơn, lúa phát triển đồng đều, trúng hơn. Còn sạ tay thì không đều, tốn giống, năng suất cũng không cao”.

Ghi nhận tại các địa phương, nông dân cũng tuân thủ tốt các khuyến cáo của ngành nông nghiệp, trong đó, chủ yếu gieo sạ các giống lúa thơm chất lượng cao để phục vụ xuất khẩu như OM18, OM4900, Đài thơm 8. Ngoài ra, còn xuống giống các giống lúa chất lượng cao khác như OM5451, OM6976.

Ông Lê Văn Thơ (xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình) cho biết: “Vụ lúa Đông Xuân này tôi sạ giống OM4900, vì có năng suất cao, ít bệnh, chất lượng cao. Tôi cũng tuân thủ xuống giống theo lịch của địa phương để né mặn, né rầy”.

Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, việc chọn giống cấp xác nhận trở lên, gieo sạ với mật độ vừa phải là giải pháp tiên quyết giúp nông dân giảm phân, thuốc, các giải pháp về BVTV để có vụ lúa thành công. Bên cạnh đó, việc vận dụng công nghệ cao, máy bay không người lái để phun thuốc, rải phân cũng rất quan trọng, từ đó có thể góp phần thực hiện thắng lợi vụ lúa sắp tới.

Để sản xuất an toàn, hiệu quả, hạn chế của xâm nhập mặn cho vụ lúa Đông Xuân 2023-2024, ngành nông nghiệp cũng đã khuyến cáo các địa phương bố trí thời vụ theo hướng tập trung “né rầy”, đồng loạt trên từng khu vực; không nên xuống giống kéo dài so với khung lịch chung. Đặc biệt, vùng có nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn do tác động của hiện tượng El Nino cần xuống giống sớm ở thời điểm cuối vụ.

Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, cho biết: Ngành nông nghiệp phấn đấu thực hiện thắng lợi sản xuất lúa và rau màu vụ Đông Xuân 2023-2024 nhằm làm cơ sở gia tăng tốc độ tăng trưởng, góp phần hoàn thành kế hoạch sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2024 và duy trì ổn định mức thu nhập cao cho người nông dân.

Theo đó, ngành nông nghiệp tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân xuống giống đúng lịch thời vụ, áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật theo khuyến cáo, cần đảm bảo có cách ly về thời gian giữa các vụ lúa ít nhất 3-4 tuần nhằm hạn chế tình trạng ngộ độc hữu cơ đồng thời ngăn chặn sự lưu tồn và lây lan của dịch bệnh.

“Dự báo xâm nhập mặn bắt đầu vào giữa tháng 12/2023, cao nhất xuất hiện vào đầu tháng 2/2024 (trên sông Cổ Chiên, sông Hậu) và kéo dài đến tận tháng 5.

Để bảo vệ sản xuất cho người dân, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp thông tin các cảnh báo về diễn biến của khí tượng thủy văn, tình hình mưa, bão, triều cường, hạn hán, xâm nhập mặn… để các địa phương, người dân chủ động phòng, tránh, ứng phó. Đồng thời, tuyên truyền, khuyến cáo đến người dân tổ chức sản xuất an toàn, có phương án tích trữ nước, vận hành hệ thống bơm tưới”- ông Nguyễn Văn Liêm cho biết thêm.

Giá lúa cao ngay từ đầu vụ cùng những hỗ trợ của ngành chuyên môn về thủy lợi, giống chất lượng cũng như những kỹ thuật sản xuất tiên tiến là động lực để nông dân yên tâm sản xuất vụ lúa chính trong năm.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh