Trên vỏ cây sầu riêng của tôi xuất hiện một lớp tơ màu trắng đục, sau đó chuyển thành lớp lông nhung màu hồng, sau đó vỏ cây thâm, cành héo dần. Xin Bạn nhà nông cho biết là sầu riêng bệnh gì và cách phòng trị ra sao?
Trên vỏ cây sầu riêng của tôi xuất hiện một lớp tơ màu trắng đục, sau đó chuyển thành lớp lông nhung màu hồng, sau đó vỏ cây thâm, cành héo dần. Xin Bạn nhà nông cho biết là sầu riêng bệnh gì và cách phòng trị ra sao?
Trần Thanh Hậu
(Xã Chánh An, huyện Mang Thít)
Anh Hậu mến!
Những dấu hiệu trên có thể cây sầu riêng của anh bị nhiễm bệnh nấm hồng hay còn gọi là tảo đỏ. Đây là loại bệnh gây hại phổ biến trên các loài cây thân gỗ, bệnh do nấm Erythricium salmonicolor gây ra. Nếu không phát hiện và có biện pháp điều trị bệnh kịp thời, bệnh nấm hồng sẽ lây lan nhanh và gây hậu quả nghiêm trọng.
Nấm hồng gây hại trên cây sầu riêng ở các vị trí thân, cành và lá của cây sầu riêng. Trên thân và cành, bên dưới vị trí xuất hiện nấm hồng, mô vỏ của cây sẽ bị thâm và thối làm cho cây không thể vận chuyển, hấp thụ nước và chất dinh dưỡng, dần dần khiến cành bị khô, nứt vỏ, nếu nặng sẽ chết cành hoặc chết cây. Lớp phủ phấn của nấm hồng trên lá làm giảm khả năng quang hợp của lá sầu riêng từ đó khiến cây giảm sức sống và không còn xanh tốt. Đặc biệt, nấm hồng thường xuất hiện và gây hại chủ yếu ở chảng ba của cây sầu riêng, sau đó là những cành non, chúng mọc lên tại nơi phân cành gây tình trạng khô héo, chết cành hoặc có thể gây mục một bên đối với cành lớn.
Nấm hồng gây bệnh phát sinh mạnh trên cây sầu riêng trong điều kiện nhiệt độ thấp, độ ẩm cao, mưa gió liên tục, sương mù nhiều. Ngoài ra, khi mật độ cây trồng trong vườn quá dày, rậm rạp gây thiếu ánh sáng cũng tạo điều kiện để nấm hồng sinh sản và phát triển. Ngoài ra nấm hồng cũng có thể rơi vào đất và lan truyền qua nước tưới hay nước mưa.
Nấm hồng cũng phát triển mạnh ở những vườn sầu riêng không được chăm sóc tốt như đất xấu, thiếu hữu cơ, kém thoáng khí, độ pH thấp, trên cây có vết thương hở do chặt chém cành. Đặc biệt, bệnh nấm hồng thường xuất hiện nhiều vào giai đoạn trước và sau thu hoạch do cây đang suy yếu sau thời gian mang trái.
Để hạn chế sự phát sinh và phát triển của nấm hồng trong vườn sầu riêng, cần có biện pháp canh tác phù hợp và hiệu quả. Không trồng cây trong vườn quá dày đặc. Cần cắt tỉa cành thường xuyên, tạo không gian thoáng mát, cung cấp đầy đủ ánh sáng cho vườn sầu riêng được quang hợp, giảm tình trạng độ ẩm cao. Tưới nước, bón phân, chăm sóc cây sầu riêng đầy đủ chất dinh dưỡng giúp tăng sức đề kháng để cây đủ sức kháng lại bệnh hại. Thường xuyên thăm vườn sầu riêng để sớm phát hiện mầm bệnh và có biện pháp điều trị phù hợp.
BẠN NHÀ NÔNG