Lo nước cho vụ Đông Xuân

03:10, 17/10/2023

Theo ngành chức năng, dự báo, nguồn nước cho sản xuất vụ Đông Xuân 2023-2024 này sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, để bảo đảm nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất, các địa phương cần có giải pháp chủ động với tình trạng này.

 

 

 Người dân cần chủ động có giải pháp ứng phó với tình trạng thiếu hụt nguồn nước, đảm bảo phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2023-2024.
Người dân cần chủ động có giải pháp ứng phó với tình trạng thiếu hụt nguồn nước, đảm bảo phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2023-2024.

Theo ngành chức năng, dự báo, nguồn nước cho sản xuất vụ Đông Xuân 2023-2024 này sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, để bảo đảm nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất, các địa phương cần có giải pháp chủ động với tình trạng này.

Theo Cục Thủy lợi, các đợt xâm nhập mặn mùa khô năm 2022-2023 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm đã ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi.

Song, do đã chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó hiệu quả như: cung cấp thông tin dự báo xâm nhập mặn sớm, chi tiết; đẩy sớm thời vụ gieo trồng lúa Đông Xuân; vận hành hợp lý công trình thủy lợi để chủ động lấy nước, trữ nước ngọt; bổ sung nhiều hình thức, phương tiện tích trữ nước phân tán, ngoài ra, có xuất hiện mưa trái mùa nên xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 không gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng đến dân sinh.

Tuy nhiên, trong mùa khô 2023-2024, do ảnh hưởng của El Nino, lượng mưa thiếu hụt ở hầu hết khu vực Nam Bộ cũng như trung, hạ lưu sông Mekong và mức độ sử dụng nước trên khu vực thượng nguồn gia tăng, khả năng thiếu hụt nguồn nước ngọt ở ĐBSCL rất lớn.

Cụ thể, hiện tại, lượng trữ điều tiết của các hồ chứa trên lưu vực mới đạt 33,8 tỷ m3, chiếm 51,5% tổng dung tích hữu ích của các hồ (tổng cộng khoảng 65 tỷ m3); trong đó, ở Trung Quốc chiếm 36,6%, các nước thuộc vùng hạ lưu đạt 60,1%. Dự báo dung tích Biển Hồ lớn nhất năm 2023 vào khoảng 25-30 tỷ m3, ở mức tương đương với năm 2015 (26 tỷ m3), thấp hơn năm 2019 (37,6 tỷ m3).

Dự báo dòng chảy mùa kiệt năm 2023-2024 thuộc nhóm năm ít nước, diễn biến xâm nhập mặn khó lường, phụ thuộc vào vận hành của các hồ thủy điện trên lưu vực. Đáng chú ý các hồ thượng nguồn khả năng kéo dài tích nước đến cuối năm 2023, giai đoạn đầu mùa khô tháng 12/2023-3/2024 có thể xả nước hạn chế; vì vậy, dòng chảy kiệt thấp làm tăng nguy cơ mặn có thể xuất hiện sớm.

Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 sẽ xuất hiện sớm và sâu hơn so với trung bình nhiều năm, một số thời điểm tương đương năm 2015-2016, 2019-2020. Trong đó, vùng các cửa sông Cửu Long vào tháng 1, 2/2024, ranh mặn 4 g/l vào sâu từ 55-65km, cao hơn 10-15km so với trung bình nhiều năm.

Phạm vi ảnh hưởng dự kiến vượt qua các công trình kiểm soát mặn, nhất là vào các kỳ triều cường, kết hợp gió mạnh. Nguy cơ ảnh hưởng của xâm nhập mặn đến sản xuất nông nghiệp rất lớn.

Tại Vĩnh Long, ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, cho biết: Theo dự báo dưới tác động của El Nino, nhiều khả năng tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ở mức độ ảnh hưởng mạnh, kéo dài như đã xuất hiện trong các năm 2014-2016.

Do đó, kịch bản ứng phó phải được xem xét, xây dựng ở mức cao nhất (trường hợp mặn xâm nhập rất sâu, độ mặn lên rất cao như xảy ra trong mùa khô 2019-2020; mực nước sông, rạch rất thấp). Xâm nhập mặn dự báo bắt đầu vào giữa tháng 12/2023, cao nhất xuất hiện vào đầu tháng 2 (trên sông Cổ Chiên, sông Hậu) và kéo dài đến tận tháng 5.

Để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân, ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương, người dân cần theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, nguồn nước, xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn với các kịch bản có khả năng xảy ra để chủ động triển khai các giải pháp phù hợp.

Đồng thời, cần thường xuyên kiểm kê nguồn nước, cân đối để bố trí cơ cấu sản xuất, mùa vụ, thời điểm xuống giống lúa phù hợp, bảo đảm hạn chế tác động của hạn hán, thiếu nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với những diện tích thường xuyên gặp khó khăn về nguồn nước; tăng cường sử dụng các giống cây trồng thích ứng với điều kiện hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Bên cạnh đó, cần tăng cường thực hiện việc nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập ngăn mặn, đào ao trữ nước, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến; thực hiện ưu tiên cung cấp nước cho sinh hoạt, chăn nuôi, cây trồng lâu năm… khi hạn hán xảy ra. Thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn (nông- lộ- phơi, ướt khô xen kẽ, phun mưa, nhỏ giọt…).

Tăng cường thông tin, tuyên truyền về tình hình nguồn nước tới người dân nâng cao ý thức người dân trong việc sử dụng nước tiết kiệm; vận động người dân phối hợp với các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi tranh thủ lấy, trữ nước và sử dụng nước hiệu quả.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh