Thời gian qua, một số nông dân trong tỉnh đã ứng dụng giá thể hữu cơ vi sinh trồng ớt sừng vàng châu Phi và đã đạt hiệu quả, năng suất, lợi nhuận cao, qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững hơn.
Mô hình trồng ớt sừng vàng châu Phi kết hợp giá thể hữu cơ vi sinh đem lại hiệu quả. |
Thời gian qua, một số nông dân trong tỉnh đã ứng dụng giá thể hữu cơ vi sinh trồng ớt sừng vàng châu Phi và đã đạt hiệu quả, năng suất, lợi nhuận cao, qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững hơn.
Theo Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ Vĩnh Long, giá thể hữu cơ vi sinh (hay còn gọi là phân hữu cơ vi sinh) được phối trộn bởi các nguyên liệu từ mùn dừa xử lý kết hợp với các thành phần nguyên liệu khác như tro trấu, phân dơi, NPK, chế phẩm vi sinh... tạo ra sản phẩm hữu cơ vi sinh sử dụng hiệu quả trên nhiều loại cây trồng.
Quy trình xử lý nguyên liệu mùn dừa được tận dụng từ phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp, là nguồn nguyên liệu sạch bệnh được kết hợp với chế phẩm vi sinh tạo ra sản phẩm hữu cơ vi sinh chất lượng, an toàn và tiết kiệm chi phí, cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây trồng; đồng thời hạn chế các tác nhân gây hại đối với tình trạng bệnh thối rễ, vàng lá; tăng cường sức đề kháng cho cây trồng, duy trì tốc độ sinh trưởng đạt năng suất cao.
Ngoài ra, giá thể hữu cơ vi sinh còn có chức năng rất quan trọng giúp cải tạo chất lượng đất, tạo cho đất tơi xốp thoáng khí nhờ sự có mặt của các chủng vi sinh vật có ích được đưa vào trong đất. Quy trình ứng dụng các chế phẩm vi sinh vào sản xuất giá thể hữu cơ vi sinh không chỉ làm hoai mục các chất hữu cơ nhanh mà còn có khả năng làm giảm đi đáng kể sự hôi thối khi để các chất hữu cơ tự phân hủy theo phương pháp truyền thống, ưu điểm này còn giúp bảo vệ sức khỏe con người và thân thiện với môi trường.
Thời gian qua, Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ Vĩnh Long đã tập trung nghiên cứu triển khai thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến phát triển ứng dụng các sản phẩm hữu cơ trong nông nghiệp. Trong đó, nghiên cứu thành công quy trình sản xuất giá thể hữu cơ vi sinh từ nguyên liệu phụ phẩm nông nghiệp.
Một trong những mô hình rau màu ứng dụng giá thể hữu cơ vi sinh mang lại hiệu quả cao và được duy trì qua các năm là mô hình trồng ớt sừng vàng châu Phi. Theo đó, cán bộ kỹ thuật của trung tâm kết hợp với các địa phương khảo sát thực tế và xây dựng các mô hình trồng ớt sừng vàng châu Phi trên đất ruộng chuyên trồng màu kết hợp sử dụng giá thể hữu cơ vi sinh bón lót làm nền đã đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Các mô hình trồng ớt sừng vàng châu Phi đã được ứng dụng tại: xã Hiếu Thuận (huyện Vũng Liêm), xã Tân Long Hội (huyện Mang Thít); xã Long Phước (huyện Long Hồ); xã Đông Thạnh, Thuận An (TX Bình Minh)...
Ông Nguyễn Hữu Dùng- Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ, cho biết: Tại các mô hình, cây con ớt giống được nuôi dưỡng giai đoạn đầu tại nhà lưới và được kiểm soát hoàn toàn sâu bệnh gây hại. Sau 40 ngày gieo hạt, cây con có đủ điều kiện để đưa ra trồng ngoài đồng. Các hộ dân tham gia mô hình đã chuẩn bị kỹ lưỡng khâu làm đất, vệ sinh đồng ruộng; đặc biệt bón lót phân nền giá thể hữu cơ vi sinh trước khi đặt cây giống, điều này tạo tiền đề tốt cho cây ớt sừng vàng châu Phi được sinh trưởng và phát triển liên tục mà không bị gián đoạn. Sau 60 ngày xuống giống, tại các mô hình ớt đã bắt đầu cho thu hoạch trái. Thời gian thu hoạch ớt khá nhanh kể từ lúc gieo hạt đến khi thu hoạch, cây cho trái to, chín vàng đỏ nên được thị trường rất ưa chuộng, đầu ra dễ bán.
Mô hình trồng ớt của anh Nguyễn Văn Trịa (ở ấp Phước Ngươn B, xã Long Phước, huyện Long Hồ) cho hiệu quả khá tốt. Ớt cho thân lá xanh tốt, ớt đậu trái dày đặc dưới tán lá, đánh giá bình quân trên mỗi cây ớt đạt từ 1,5-2 kg/cây, diện tích trồng 2.000 cây/1.000m2. Anh Trịa cho biết trái đầu vụ có lúc bán gần 100.000 đ/kg,
sau đó giảm dần và ổn định hơn 25.000 đ/kg. Năng suất bình quân đến cuối vụ đạt hơn 3 tấn/1.000m2 (trừ hao hụt số lượng cây yếu, chết khoảng 20%) tổng thu nhập khoảng 80 triệu đồng/1.000m2/vụ ớt.
Có 2 công trồng ớt tham gia mô hình, anh Nguyễn Thanh Hùng (ấp Phước Ngươn B, xã Long Phước, huyện Long Hồ) cho biết: “Mô hình trồng ớt sừng vàng kết hợp giá thể hữu cơ vi sinh mang lại hiệu quả cao. Ớt sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh gây hại và cho năng suất khá cao. So với trồng các loại rau màu khác thì lợi nhuận trồng ớt khá hơn. Hiện tôi cũng đang xuống giống vụ tiếp theo”.
Nhiều nông dân cho hay, sản phẩm giá thể hữu cơ vi sinh sử dụng rộng rãi trong thời gian qua trên nhiều loại cây trồng, rau màu khác nhau và đem lại hiệu quả rất thiết thực. Người dân tại các mô hình và các hộ dân xung quanh rất mong muốn được ứng dụng nhân rộng mô hình có sử dụng giá thể hữu cơ vi sinh nhằm từng bước nâng cao chất lượng, năng suất nông sản, nâng cao thu nhập.
Theo ngành chức năng, việc ứng dụng nông nghiệp hữu cơ trong sản xuất không chỉ để tạo ra những sản phẩm hữu cơ an toàn cho người sử dụng, thân thiện với môi trường, mà còn góp phần nâng cao nhận thức trong sản xuất cho nông dân, thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp hữu cơ ngày càng hiệu quả và bền vững hơn.
Bài, ảnh: PHƯƠNG THẢO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin