
Bệnh vàng lá chín sớm ở lúa là một trong những loại bệnh hại phổ biến gây ảnh hưởng đến năng suất và phẩm chất lúa, gây thiệt hại về kinh tế không nhỏ cho nông dân. Để phòng bệnh vàng lá chín sớm, nông dân cần áp dụng đúng các biện pháp canh tác ngay từ đầu vụ và sử dụng đúng thuốc BVTV đặc trị ngay khi phát hiện bệnh.
![]() |
Nông dân cần thăm đồng thường xuyên để phát hiện bệnh sớm. Trong ảnh: Thu hoạch lúa Hè Thu tại huyện Long Hồ. |
Bệnh vàng lá chín sớm ở lúa là một trong những loại bệnh hại phổ biến gây ảnh hưởng đến năng suất và phẩm chất lúa, gây thiệt hại về kinh tế không nhỏ cho nông dân. Để phòng bệnh vàng lá chín sớm, nông dân cần áp dụng đúng các biện pháp canh tác ngay từ đầu vụ và sử dụng đúng thuốc BVTV đặc trị ngay khi phát hiện bệnh.
Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV, thời gian qua, bệnh vàng lá chín sớm xảy ra diện tích khoảng 400ha với tỷ lệ nhiễm phổ biến 5-10% gây nhiễm trên trà lúa đòng trổ. Phân bố rải rác tại huyện Long Hồ, TX Bình Minh, Trà Ôn. Bệnh thường gây hại nặng trên các ruộng lúa xanh tốt, sạ dày hoặc bón nhiều đạm.
Bệnh do nấm gonatophrgamium sp. gây hại, thường xuất hiện và gây hại ở giai đoạn 7-10 ngày trước khi trổ cho đến khi thu hoạch. Lúa bị vàng lá chín sớm trên lá sẽ xuất hiện những vết đốm nhỏ có hình tròn hoặc bầu dục màu vàng nhạt đến cam nhạt. Theo thời gian, vết bệnh vàng lá chín sớm sẽ kéo dài từ gân lá đến chót lá tạo thành vệt sọc màu vàng cam và dần lan ra cả lá, có thể hình thành các vết cháy khô nếu vàng lá chín sớm lúa tiến triển nặng. Ở giai đoạn đòng trổ, bệnh vàng lá chín sớm tiến triển nhanh cho đến lúc sắp thu hoạch. Cây lúa bị vàng lá chín sớm trong giai đoạn này sẽ bị cháy khô lá lúa, làm giảm năng suất của cây lúa.
Anh Nguyễn Văn Hùng (xã Long An, huyện Long Hồ) cho biết: “Ruộng của tôi gần vườn cây ăn trái, thường có nhiều vùng râm, không có nắng nên lúa bị bệnh vàng lá chín sớm, nhìn xa tưởng lúa chín nhưng lại gần bông lúa vẫn còn xanh. Tôi lo lắng vụ này năng suất rất khó đạt cao”.
Dự báo trong thời gian tới bệnh tiếp tục phát triển do ảnh hưởng thời tiết nắng mưa xen kẽ, tỷ lệ nhiễm nhẹ trên các trà lúa từ đẻ nhánh đến đòng trổ, đặc biệt là những ruộng bón thừa phân đạm; không chủ động rút được nước.
Để hạn chế bệnh vàng lá chín sớm, theo kinh nghiệm của chú Phan Văn Tùng (xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình), nông dân cần ưu tiên sử dụng các giống lúa xác nhận khỏe mạnh, có sức chống chịu tốt; nên gieo sạ ở mật độ vừa phải; lưu ý tránh bón thừa phân đạm sẽ dẫn đến nguy cơ gây vàng lá chín sớm lúa. Thay vào đó, chỉ bón vừa phải theo nhu cầu của cây lúa. Khi phát hiện lúa bị vàng lá chín sớm, bà con nên sử dụng các loại thuốc BVTV đặc trị vàng lá chín sớm để ngăn không cho bệnh có cơ hội phát triển gây ảnh hưởng đến năng suất. Nên phun thuốc 2-3 lần, cách nhau từ 10-12 ngày theo đúng liều lượng được hướng dẫn.
Theo ông Nguyễn Vĩnh Phúc- Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV, để phòng trị bệnh vàng lá chín sớm đạt hiệu quả cao cần áp dụng tổng hợp các biện pháp canh tác: Vệ sinh đồng ruộng kỹ, hạn chế canh tác giống nhiễm.
Cần tháo cạn nước trên ruộng để loại bỏ nguồn vi khuẩn và hạn chế lây lan, rải vôi bột 20-25kg mỗi công. Sử dụng thuốc trừ vi khuẩn, ngưng ngay việc bón phân đạm, tăng cường bón phân có chứa chất silic, canxi, tuyệt đối không kết hợp phun phân bón lá có chứa đạm kết hợp với thuốc trừ bệnh. Cần luân phiên các loại thuốc để đạt hiệu quả cao hơn.
Ngoài ra, cũng cần chú ý các đối tượng khác có khả năng xuất hiện và gây hại trên diện rộng khi gặp điều kiện thích hợp. Cùng với sự biến động của thời tiết mưa nắng xen kẽ đồng thời cường độ nắng trong ngày khá gay gắt, đạt ngưỡng nắng nóng ở trên mức 35-36OC có thể tạo cơ hội cho các loại sâu, bệnh hại phát triển mạnh. Do đó, nông dân không nên chủ quan mà phải tăng cường thăm đồng thường xuyên phát hiện sâu bệnh sớm nhằm xử lý kịp thời và hiệu quả.
Đã thu hoạch hơn 20.500ha lúa Hè Thu Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở Nông nghiệp-PTNT), vụ lúa Hè Thu 2023 đã thu hoạch hơn 20.500ha, ước năng suất bình quân 5,86 tấn/ha. Diện tích còn lại giai đoạn chín và đang chuẩn bị thu hoạch trên 16.900ha. Giá lúa hiện ở mức ổn định, nông dân có lời. Dự báo bệnh đạo ôn cổ bông, lem lép hạt trên vụ lúa Hè Thu có thể gia tăng trong thời gian tới. Tỷ lệ nhiễm do điều kiện thời tiết hiện nay nắng nóng, xen kẽ mưa lớn bất thường, ẩm độ không khí cao thích hợp cho bệnh phát triển trên lúa giai đoạn trổ đến chắc xanh trên lúa Hè Thu muộn. Bên cạnh đó, chuột tiếp tục gây hại mạnh, đặc biệt trên những mảnh ruộng gần chân vườn, rẫy, ruộng có gò cao, ven đường, bãi hoang, gần khu dân cư, các ruộng gieo sạ không tập trung. Khuyến cáo nông dân cần chủ động có biện pháp xử lý thích hợp. |
Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin