Phòng trị bệnh loét miệng truyền nhiễm trên dê

02:06, 27/06/2023

Gần đây đàn dê của tôi bị nổi mụt đỏ quanh miệng, cằm, da bị sưng, một số con bỏ ăn. Xin Bạn Nhà nông cho biết là dấu hiệu của bệnh gì và phòng trị ra sao.

(VLO) Gần đây đàn dê của tôi bị nổi mụt đỏ quanh miệng, cằm, da bị sưng, một số con bỏ ăn. Xin Bạn Nhà nông cho biết là dấu hiệu của bệnh gì và phòng trị ra sao.

Bùi Thanh Hải

(xã Trung Hiếu, huyện Vũng Liêm)

Anh Hải mến!

Qua những dấu hiệu trên có thể đàn dê của anh bị bệnh viêm loét miệng truyền nhiễm. Đây là bệnh do một loại virus (parapox virus) gây bệnh chung cho dê và cừu, đặc điểm chủ yếu là bệnh tích nổi mụn ở môi và miệng.

Bệnh thường bắt đầu ở môi rồi lan nhanh xuống cằm và đầu mũi. Bắt đầu, da sưng lên rồi thành những mụn đỏ có mủ, có phản ứng ở hạch dưới hàm (nóng, đau).

Mụn nổi một cách liên tục, hay từng đợt nối tiếp, kéo dài chừng 10 ngày. Virus xâm nhập vào dê qua chỗ da bị trầy xước hoặc niêm mạc, do cây cỏ nhọn sắc gây xây xát ở miệng, thuận tiện cho virus nhiễm vào. Sự lây lan cũng còn do bàn tay con người chăm sóc, các dụng cụ… Tỷ lệ mắc bệnh ở dê thường tới 100%.

Tỷ lệ chết do đói hoặc bệnh thứ phát có thể tới 20%. Dê trưởng thành thường mắc bệnh nhẹ. Bệnh tiến triển trong 4-6 tuần, giai đoạn viêm đến ngày thứ 5, giai đoạn mụn mủ và vảy từ ngày thứ 10-15, rồi thành u thịt. Khi bệnh nhẹ, dê có thể khỏi trong 3 tuần.

Những vảy rơi xuống đất có thể là nguồn truyền bệnh quan trọng cho những con khác trong thời gian vài tháng hoặc thậm chí 1 năm sau. Nguồn bệnh quan trọng khác là dê mắc bệnh. Những con non hay con gầy yếu thường chết do không ăn được; nếu thời tiết xấu, những con trưởng thành cũng có thể chết nhiều. Dê mới chuyển vùng, nhất là dê con dễ cảm nhiễm bệnh hơn.

Những con dê bị bệnh một lần thì được miễn dịch. Nhưng lại không di truyền tính miễn dịch cho đời con. Cần thực hiện cách ly những con bệnh. Tránh bệnh lây lan do bụi. Chăn dắt dê theo những đường riêng. Bỏ những đồng cỏ đã nhiễm bệnh.

Chuồng, dụng cụ, thân thể dê phải được vệ sinh khử trùng. Nền chuồng phải cào đất, hun lửa. Sau khi khỏi bệnh, tắm cho dê bằng nước pha hóa chất sát trùng. Cho dê ăn những thức ăn mềm, non và bồi dưỡng bằng các vitamin A, B…

Cần chú ý rằng: người dễ bị nhiễm bệnh khi tiếp xúc với con vật bệnh. Vì vậy, người chăn nuôi, điều trị, xử lý dê bệnh nên đeo găng tay và sát trùng cẩn thận sau khi tiếp xúc, chăm sóc dê bệnh, dụng cụ…

BẠN NHÀ NÔNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh