Ruộng ớt của tôi gần đây xuất hiện tình trạng thối trái ngày càng nhiều. Xin Bạn Nhà nông hướng dẫn cách phòng trị hiệu quả.
Ruộng ớt của tôi gần đây xuất hiện tình trạng thối trái ngày càng nhiều. Xin Bạn Nhà nông hướng dẫn cách phòng trị hiệu quả.
Lâm Văn Hiếu
(Xã Hiếu Nghĩa, huyện Vũng Liêm)
Anh Hiếu mến!
Ớt bị thối trái là một bệnh rất thường gặp. Ngoài nguyên nhân do bệnh thán thư, ớt bị thối trái còn có thể do cây bị thiếu canxi, tuy nhiên ớt thối trái do bệnh thán thư thường phổ biến hơn. Bệnh này nếu không xử lý nhanh có thể khiến trái bị thối rụng hàng loạt, giảm chất lượng quả.
Để khắc phục tình trạng này, trước hết, cần đảm bảo ớt phải thoáng gốc để khu vực gốc không bị ẩm ướt tránh nấm phát triển gây bệnh. Nên cắt tỉa hết các nhánh mới mọc ở gần gốc, thu dọn hết lá vàng và lên luống cao để đất không bị ẩm ướt nhất là vào mùa mưa.
Thu nhặt hết các quả ớt bị rụng dưới đất và quả bị thối còn ở trên cây mang đi tiêu hủy. Tốt nhất là đào hố sau đó cho 1- 2 nắm vôi xuống rồi cho ớt bị thối xuống lấp đất lên.
Nếu xác định cây bị thiếu canxi thì có thể phun Canxi- BO cho cây để bổ sung canxi. Nếu xác định cây bị thán thư thì phun kết hợp các loại thuốc trị thán thư. Nên phun kép 2 lần, mỗi lần cách nhau 5- 7 ngày thì bệnh sẽ hết.
Để phòng bệnh ớt bị thối trái, khi làm đất trồng ớt nên thu dọn tàn dư của cây trồng vụ trước, dọn hết cỏ dại và phơi đất để tránh mầm bệnh. Bón vôi cho đất để tăng lượng canxi, diệt được các mầm bệnh và cân bằng pH cho đất. Liều lượng bón vôi là 1.000m2 dùng 80- 90kg vôi bột. Không nên trồng chuyên canh ớt mà nên luân canh với cây trồng khác để giảm ảnh hưởng từ sâu bệnh.
Trồng ớt với mật độ vừa phải, thường xuyên cắt tỉa các nhánh nhỏ mọc sát gốc. Bón phân đầy đủ nhưng phải đảm bảo cân đối hàm lượng đạm, lân, kali. Đặc biệt phải bón đủ lân và kali thì khi cây bị bệnh sẽ không bị nặng, nếu bón nhiều đạm thì cây bị thán thư thường sẽ bị rất nặng.
BẠN NHÀ NÔNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin