Để giải quyết bài toán bền vững cho cây cam sành Vĩnh Long không thể chỉ dừng lại ở việc người dân "gắng gượng qua mùa giá rẻ" hay sự chung tay "giải cứu" mà cần phải có định hướng lâu dài gắn với việc quản lý chuyển đổi cây trồng hợp lý.
|
Anh Lê Văn Tài- Giám đốc HTX Cam sành Thắm Tài đang rất “máu lửa” liên kết với nông dân, đối tác có kinh nghiệm để tìm đường xuất khẩu cho trái cam sành. |
Để giải quyết bài toán bền vững cho cây cam sành Vĩnh Long không thể chỉ dừng lại ở việc người dân “gắng gượng qua mùa giá rẻ” hay sự chung tay “giải cứu” mà cần phải có định hướng lâu dài gắn với việc quản lý chuyển đổi cây trồng hợp lý.
Chuyển đổi cơ cấu
cây trồng hợp lý
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nông dân thường tự phát luôn chọn cây có hiệu quả kinh tế cao trong thời điểm “trước mắt”; tạo nên sự tăng nhanh diện tích cam sành. Do đó, so quy hoạch được UBND tỉnh Vĩnh Long phê duyệt thì đã vượt hơn 30% diện tích.
Theo Bí thư Huyện ủy Trà Ôn Nguyễn Văn Minh, trong những năm qua, giá trị cây cam sành đã mang lại nhiều hiệu quả kinh tế cho người dân, đặc biệt là giúp nhiều nông dân vươn lên khá giả, làm giàu. Trong khi đó, cây cam sành cũng đã góp phần xây dựng thành công chương trình xây dựng NTM ở nhiều địa phương trên địa bàn huyện.
Theo nhận định của huyện Trà Ôn, giá cam sành rớt giá trong những ngày qua là “khó khăn tạm thời” do số lượng cam chín đã tiêu thụ hết. Tuy nhiên, sắp tới, huyện cũng sẽ có một số giải pháp trước mắt và có những định hướng lâu dài.
Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Trà Ôn, giải pháp trước mắt là khuyến cáo người dân có cam tới đợt thu hoạch thì không nên “treo” lại vì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển, tuổi thọ của cây và gây tồn đọng sản lượng cục bộ, làm ảnh hưởng đến giá cả đầu ra sản phẩm cam sành.
Đồng thời, sẽ phối hợp cùng các đơn vị có liên quan mời gọi các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ tiêu thụ, tìm đầu ra cho sản lượng cam sành đang còn tồn đọng và sắp thu hoạch. Hỗ trợ đưa sản phẩm cam sành để bán trên các sàn thương mại điện tử của Sở Nông nghiệp- PTNT và các sở, ngành tỉnh liên quan.
Trong khi đó, về giải pháp lâu dài, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân không nên tiếp tục mở rộng diện tích cam sành. Tham gia vào các tổ hợp tác, HTX cam sành và áp dụng các quy trình sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, sản xuất tốt để kết nối tìm đầu ra ổn định. Đồng thời tăng cường sử dụng phân hữu cơ để giảm lượng phân bón hóa học nhằm giảm chi phí sản xuất, giúp cây phát triển bền vững và trái cam đạt chất lượng cao. Tích cực vận động và hỗ trợ nhà vườn tham gia thực hiện mã số vùng trồng để kết nối cung cầu.
|
Cam sành Vĩnh Long đã đạt được nhiều chứng chỉ quan trọng và cần định hướng phát triển bền vững bằng con đường xuất khẩu. |
Về định hướng lâu dài, Bí thư Huyện ủy- Nguyễn Văn Minh cho biết, huyện sẽ xây dựng HTX tiêu thụ cam bền vững (đang làm thủ tục theo hướng dẫn) nhằm sản xuất cam sành theo hướng bền vững. Đồng thời vận động nông dân “rải vụ”, cơ cấu các loại cây trồng hợp lý với sự hướng dẫn của các ngành chuyên môn, đặc biệt là với các loại cây trái có thể xuất khẩu được.
“Một điều cũng lo lắng cho người dân trồng cam sành trên địa bàn huyện chính là tình trạng vật tư nông nghiệp không đảm bảo chất lượng. Mong muốn của người dân là tìm được nhà cung cấp vật tư nông nghiệp uy tín. Bên cạnh đó là mong muốn các ngân hàng mở rộng quy mô vốn giúp người dân an tâm sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cam sành”, đồng chí Nguyễn Văn Minh cho biết.
Liên kết, đa dạng
kênh tiêu thụ
Trong quá trình tìm hiểu về cam sành những ngày gần đây, chúng tôi ngạc nhiên khi sự liên kết trồng, sản xuất và tiêu thụ cam ở các nhà vườn còn rời rạc, nhất là các hộ sản xuất riêng lẻ. Đặc biệt là tình trạng “mạnh ai nấy làm” khi giá cam sành xuống giá thấp hơn giá thành sản xuất.
Theo anh Phú- thành viên HTX Cam sành Thắm Tài (Trà Ôn), hiện thiệt hại kinh tế do cam sành rớt giá hầu hết là những người mới làm khoảng 2- 3 năm trở lại đây, nhất là những người đi thuê đất để trồng. “Có thể thấy, kinh nghiệm hơn 20 năm trồng cam sành, thị trường đầu ra rất ổn định, chỉ cần người dân chú ý đến thời điểm làm bông, ra trái, né thời tiết lạnh và… đụng mùa cam của miền Bắc”- anh Phú cho biết.
Nói về hướng phát triển lâu dài, anh Phú chân tình bộc bạch, hiện nay rõ ràng là người trồng cam sành “mạnh ai nấy làm”, nhiều khi hộ này hạ giá bán làm ảnh hưởng đến nhiều hộ xung quanh khác. “Nếu được đề xuất, tôi đề xuất làm thế nào để những nông dân trồng cam sành trên địa bàn huyện, tỉnh liên kết, các HTX cam sành nắm chặt tay nhau cùng sản xuất, chủ động đề xuất giá bán, làm thế
nào để làm chủ giá bán đồng loạt thì may ra cây cam sành mới ăn bền vững, lâu dài…”.
Anh Lê Văn Tài- Giám đốc HTX Cam sành Thắm Tài, cho biết: “Hiện nay chúng tôi đã tiếp cận và tạo liên kết với một số đối tác trung gian, có kinh nghiệm xuất khẩu các mặt hàng trái cây khác vào thị trường Trung Quốc để áp dụng vào trái cam sành. Tất nhiên, để xuất khẩu được thì rất cần có thời gian nghiên cứu, tìm hiểu tiêu chuẩn cũng như thăm dò thị trường tiêu thụ. Hy vọng chúng tôi có thể liên kết để xuất khẩu trái cam sành, tạo đầu ra ổn định trong tương lai, trước mắt là thị trường Trung Quốc”.
Hiện nay, theo nhiều hộ dân và các HTX cam sành, điều cần thiết nhất là làm thế nào để liên kết tiêu thụ, chủ động giá sàn cho cam và đẩy nhanh hoạt động xuất khẩu. Còn việc mở rộng diện tích, cơ cấu cây trồng hợp lý cũng rất cần sự quản lý, dự báo của các cơ quan chức năng. Theo anh Tài, khi trái cam xuất khẩu được cũng chính là lúc đẩy mạnh thương hiệu cam sành Vĩnh Long nói chung, Trà Ôn nói riêng, bởi lẽ trái cam sành đã đạt được các chứng nhận như VietGAP, GlobalGAP, chỉ dẫn địa lý hay mã số vùng trồng…
“Làm thế nào mà người nông dân, HTX thu mua tiêu thụ và các cơ quan chức năng liên quan liên kết để đa dạng hóa đầu ra cho cam sành. Như vậy mới định hướng phát triển bền vững cây cam sành ở địa phương…”, anh Tài cho biết.
|
Đa dạng hóa các kênh tiêu thụ sẽ góp phần đảm bảo tiêu thụ sản phẩm được thông suốt. Ảnh minh họa |
Ông Hồ Trung Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) chia sẻ, trước thực trạng thương mại cam sành như hiện nay, ngoài những giải pháp trước mắt và định hướng lâu dài, ngành xúc tiến thương mại đề xuất các ngành và địa phương cần tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, hướng dẫn nông dân áp dụng chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp để tăng cường khả năng dự báo thị trường, chủ động trong sản xuất, ước tính được sản lượng thu hoạch vào các thời điểm trong năm để tìm đầu ra tiêu thụ ngay từ đầu mùa vụ, tránh bị động khi vào vụ.
“Sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, xây dựng kênh phân phối tiêu thụ nông sản thông qua các hợp đồng dài hạn trong hệ thống các siêu thị trên địa bàn tỉnh, các tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh, nhằm đảm bảo thị trường tiêu thụ ổn định, lâu dài cho cam sành và nhiều nông sản khác của tỉnh...”, ông Hồ Trung Nghĩa cho biết thêm.
Bài, ảnh: KHÁNH DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin