Như lời hẹn với mùa xuân, từ khoảng rằm tháng 10 âl hàng năm thì nhà vườn ở miền Tây sẽ bắt đầu vào vụ hoa Tết. Khác với sự dè dặt trong năm qua, năm nay nhiều nhà vườn dự kiến sẽ tăng số lượng hoa, kiểng với niềm hy vọng có một vụ hoa "được mùa, được giá".
Thời điểm nắng nóng, người trồng hoa phải phủ thêm rơm để làm mát. |
(VLO) Như lời hẹn với mùa xuân, từ khoảng rằm tháng 10 âl hàng năm thì nhà vườn ở miền Tây sẽ bắt đầu vào vụ hoa Tết. Khác với sự dè dặt trong năm qua, năm nay nhiều nhà vườn dự kiến sẽ tăng số lượng hoa, kiểng với niềm hy vọng có một vụ hoa “được mùa, được giá”.
Tại xã Tân Mỹ (Trà Ôn) nhiều nhà vườn đã bắt đầu xuống giống các loại hoa cây (nhổ cả cây) như cúc tiger, cúc lan, cúc mai, cúc vạn thọ... Năm nay, gia đình anh Lê Văn Sang ở ấp Sóc Ruộng (xã Tân Mỹ) quyết định trồng 4.000 cây cúc tiger trên 2 công đất, anh cho biết: “Năm nay tôi trồng nhiều hơn 1.000 cây so với năm ngoái, đợt rằm vừa rồi tôi bán được hơn 1.000 cây cúc tiger và cúc lan, giá 15.000 - 20.000 đ/cây”.
Có hơn 10 năm kinh nghiệm trồng hoa cây, anh Sang cho biết mưa lớn và giá vật tư nông nghiệp tăng cao sẽ gây áp lực cho người trồng hoa: “Mấy bữa trước rằm thì trời mưa nhiều, ruộng bông đang chuẩn bị thu hoạch lại bị ngập nước nhưng nhờ bón thêm phân thì mới giữ được, mà giá cây giống bán sỉ 700 đ/cây, giá phân bón DAP 30.000 đ/kg... giá tăng gấp đôi thì thành thử ra lợi nhuận cũng giảm”.
Bên cạnh ruộng hoa của anh Sang là hơn 1 công đất trồng hoa của anh Nguyễn Văn Liêm. Anh Liêm chia sẻ, cũng trong đợt rằm tháng 10 âl vừa qua, anh bán được hơn 1.500 cây và thu nhập hơn 20 triệu đồng: “Tôi trồng bông quanh năm, mỗi vụ kéo dài khoảng 3 tháng, chủ yếu bán tại các chợ xung quanh vào ngày rằm và ngày lễ. Tết năm nay tôi trồng hơn 3.500 cây cúc tiger và thu hoạch vào lối 20 tháng Chạp, hy vọng là bán được giá tốt” - anh Liêm nói.
Sau đợt mưa lớn vào rằm tháng 10 âl, những cây cúc lan “trễ hẹn” được nhà vườn giữ lại để bán lẻ với mức giá thấp hơn. |
Trong vài năm trở lại đây thì loại hoa giấy kiểng trở thành xu hướng chơi hoa Tết rất được yêu thích. Đang chăm sóc cho 600 chậu hoa giấy kiểng, anh Nguyễn Văn Phương ở xã Tân Mỹ (Trà Ôn) chia sẻ: “Hiện tại là thời điểm cắt giảm lượng nước để bông giấy không bị rụng lá, từ lối rằm tháng 11 âl thì mới bắt đầu làm bông, dự kiến giá bán thấp nhất là 150.000 đ/chậu. Hy vọng loại cây kiểng này sẽ tiếp tục hút hàng trong dịp Tết năm nay”.
Bông giấy kiểng dự kiến có giá khoảng 150.000 đ/chậu. |
Theo ông Phạm Văn Sơn - công chức nông nghiệp, thủy lợi và môi trường xã Tân Mỹ (Trà Ôn), nghề trồng hoa ở đây đã có từ nhiều năm qua và mang lại thu nhập ổn định, nhưng do giá nguyên liệu đầu vào có xu hướng tăng cao làm giảm lợi nhuận nên mô hình này vẫn chưa phổ biến rộng rãi.
Cũng trong thời điểm này, nhà vườn ở làng hoa Cái Mơn (Bến Tre) đã bắt đầu ươm các loại hoa chậu như cúc mâm xôi, cúc vạn thọ, mào gà... dự kiến số lượng hoa, kiểng cung ứng cho thị trường Tết năm nay sẽ tăng gấp đôi so với năm trước.
Nhìn từ xa, những cánh đồng hoa như được khoác lên chiếc áo mang sắc xanh mơn mởn, những mầm xuân đang lặng lẽ vươn mình dưới đôi bàn tay cần mẫn của người trồng hoa, hứa hẹn sẽ mang đến cho bà con một vụ hoa Tết đong đầy sắc hương và chan chứa nguồn vui.
Bài, ảnh: THẢO TIÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin