Trước những khuyến cáo từ ngành nông nghiệp, các địa phương cần triển khai lịch thời vụ theo đúng khuyến cáo để né hạn, mặn và thiếu nước sản xuất cuối vụ.
Trước những khuyến cáo từ ngành nông nghiệp, các địa phương cần triển khai lịch thời vụ theo đúng khuyến cáo để né hạn, mặn và thiếu nước sản xuất cuối vụ.
Các địa phương ven biển sẽ xuống giống theo đúng lịch thời vụ để né hạn mặn. |
Vụ lúa Đông Xuân tới, toàn vùng ĐBSCL sẽ xuống giống khoảng 1,5 triệu ha, năng suất ước đạt hơn 7,1 tấn/ha và sản lượng dự kiến hơn 10,7 triệu tấn lúa, đây cũng được xem là vụ lúa quan trọng nhất trong năm, mang lại năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế đối với người trồng lúa.
Tuy nhiên, vụ lúa lớn nhất trong năm của vùng ĐBSCL phải đối mặt với những thách thức từ chi phí vật tư đầu vào tăng cao, nguy cơ hạn mặn có thể xảy ra đối với các địa phương ven biển và đặc biệt là thị trường lúa gạo thế giới đang có nhiều biến động là những vấn đề sẽ tác động không nhỏ đến việc sản xuất lúa của vùng ĐBSCL.
Theo Cục trồng trọt, Bộ NN&PTNT, vụ lúa Đông Xuân 2022-2023 sẽ triển khai với cơ cấu giống gồm lúa thơm, chất lượng cao, chống chịu hạn mặn và ngắn ngày, đảm bảo đúng cơ cấu giống để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Cục trồng trọt cũng khuyến cáo, đối với những vùng có nguy cơ hạn cuối vụ như Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang sẽ xuống giống trong tháng 10 với diện tích khoảng 400.000 ha, những vùng này có nguy cơ thiếu nước nên cần xuống giống sớm để né mặn.
Còn thời điểm chính vụ ở ĐBSCL sẽ xuống giống trong tháng 11 với diện tích khoảng 700.000 ha và tháng 12 sẽ xuống giống khoảng 400.000 ha, đạt kế hoạch theo đúng lịch thời vụ, hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn gây có thể ảnh hưởng đến sản xuất.
Chọn mức độ an toàn trong sản xuất lúa Đông Xuân
Theo các nhà chuyên môn, việc bố trí thời vụ và chủ động xuống giống sớm, linh hoạt cho những vùng ảnh hưởng của xâm nhập mặn hàng năm tại các tỉnh ven biển sẽ đảm bảo đủ lượng nước cho sản xuất lúa và hạn chế những thiệt hại có thể xảy ra. Người dân không nên chủ quan và luôn cảnh giác với mức độ cao nhất để đảm bảo vụ lúa thắng lợi. Bên cạnh công tác xuống giống để né hạn mặn, ở vụ lúa này các địa phương và người dân cần quan tâm đến các loại sâu bệnh gây hại và trong vụ Đông Xuân khi thời tiết chuyển lạnh, xuất hiện sương mù cần chú ý đến bệnh đạo ôn ở giai đoạn đẻ nhánh.
Nếu như ĐBSCL có xâm nhập mặn sớm vào tháng 12 và kéo dài cho đến tháng 4, thời điểm này sẽ không có cây trồng trên đồng ruộng. Vì vậy, các địa phương cần tuân thủ lịch thời vụ theo khuyến cáo, thực hiện xuống giống đồng loạt, tập trung theo từng vùng, từng cánh đồng.
Phó Cục trưởng Cục trồng trọt Lê Thanh Tùng cho rằng, lúa không chết vì xâm nhập mặn, nhưng sẽ chết vì khô hạn khi đóng tất cả các cửa cống ngăn nước mặn. Vì thế, vùng ven biển của ĐBSCL từ Long An cho tới Hà Tiên cần xuống giống trong tháng 10.
“Có nhiều ý kiến cho rằng, xuống giống lúa trong tháng 10 năng suất không cao bằng xuống giống trong tháng 11. Tuy nhiên, nếu chúng ta xuống giống trong tháng 11 sẽ không thu được hạt lúa nào, nếu xuống giống trong tháng 10 năng suất có thể giảm từ 5% – 10%. Đây là những lựa chọn cho mức độ an toàn đối với người sản xuất”, ông Tùng khuyến nghị.
Nhận định diễn biến xâm nhập mặn từ Tổng cục Thủy lợi, xâm nhập mặn mùa khô năm 2022-2023 xuất hiện sớm và vào sâu hơn so với trung bình nhiều năm, nhưng vẫn thấp hơn các năm xâm nhập mặn lịch sử 2016, 2020. Vì vậy, các khu vực ven biển có nguy cơ xâm nhập mặn tăng cao vào tháng 1 và 2/2023 tại các tỉnh Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang cần xuống giống sớm.
Mặn có thể ảnh hưởng đến 4 tỉnh ven biển với diện tích gần 60.000 ha
Theo Tổng cục Thủy lợi, với khả năng cấp nước hiện tại của các công trình, ở thời điểm cao nhất, xâm nhập mặn khả năng ảnh hưởng đến 4 tỉnh ven biển với tổng diện tích gần 60.000 ha, gồm Tiền Giang 11.900 ha, Bến Tre 12.000 ha, Trà Vinh 15.000 ha và Sóc Trăng 20.000 ha. Vì vậy, các địa phương này cần phải có giải pháp canh tác phù hợp với tình hình nguồn nước, chủ động xuống giống sớm đối với những diện tích không chủ động nguồn nước ngọt trong cả vụ.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Lương Văn Anh cho biết, đến thời điểm hiện tại, còn khá sớm để dự báo chính xác xâm nhập mặn mùa khô năm 2022-2023, do nguồn nước về ĐBSCL phụ thuộc rất lớn vào dòng chảy từ thượng nguồn sông Me Kong trong thời gian còn lại mùa mưa lũ. Tuy nhiên, các địa phương không được chủ quan, những vùng sản xuất không bị ảnh hưởng trực tiếp của xâm nhập mặn vẫn phải đề phòng tình trạng hạn hán, thiếu nước trong những trường hợp bất thường.
“Tình hình hạn mặn năm tới cần tuyệt đối tuân thủ dự báo nguồn nước từ khu vực ven biển trở vào với 60 – 70km dọc các dòng sông chính, nên phải lưu ý vận hành các công trình thủy lợi, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Trong thời điểm triều cường, xâm nhập mặn tràn sâu vào trong phải vận hành đóng các hệ thống cống, điều tiết đảm bảo môi trường trong khu vực canh tác”, ông Anh cảnh báo.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, cơ cấu giống lúa cho vụ Đông Xuân vùng ĐBSCL phù hợp với nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu gạo của Việt Nam. Trong vụ lúa này, các địa phương ven biển sẽ xuống giống theo đúng lịch thời vụ khoảng 400.000 ha để né hạn mặn cuối vụ, những diện tích còn lại sẽ xuống giống trong tháng 11 và dứt điểm trong tháng 12.
Sản lượng dự kiến vụ lúa Đông Xuân hơn 10,7 triệu tấn lúa. |
Một trong những vấn đề mà các địa phương cần quan tâm là giảm lượng giống gieo sạ. Hiện nay, người dân đã từng bước giảm lượng giống nhưng vẫn chuyển biến chậm, gây lãng phí hạt giống làm tăng phát thải khí nhà kính và tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển. Trước thực trạng trên, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng, cần phải giảm lượng giống trong gieo sạ, ứng dụng kỹ thuật trong sản xuất, nhất là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
“Quan điểm chỉ đạo của Bộ NN&PTNT cũng dựa vào những kinh nghiệm năm vừa qua các địa phương thực hiện rất thành công. Về thời vụ cố gắng xuống giống sớm, với cơ cấu giống đa dạng, ngắn ngày năng suất, ưu tiên chất lượng cao đảm bảo xuất khẩu cũng như phục vụ chế biến, các nhóm đặc sản như lúa thơm phát huy lợi thế và đáp ứng phân khúc thị trường”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh lưu ý.
Vụ lúa Đông Xuân là vụ lúa quan trọng đối với sản xuất lúa ở vùng ĐBSCL, vụ lúa này cho năng suất chất lượng cao nhất trong năm, đóng góp rất lớn vào xuất khẩu gạo của Việt Nam. Trước những khuyến cáo từ ngành nông nghiệp, các địa phương cần triển khai lịch thời vụ theo đúng khuyến cáo để né hạn, mặn và thiếu nước sản xuất cuối vụ.
Đồng thời, cần tập trung nhân rộng các mô hình hiệu quả cao trong sản xuất như “Cánh đồng lớn”; “3 giảm 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, “Quản lý dịch hại bằng công nghệ sinh thái”, giảm lượng gieo sạ để hạn chế sâu bệnh và phân bón hướng đến mục tiêu canh tác lúa theo hướng xanh, bền vững để đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường, khẳng định thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới./.
Theo Phạm Hải/VOV-ĐBSCL
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin