Triển khai Kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ, trong đó ưu tiên các loại cây, vật nuôi chủ lực và tiềm năng như: lúa, cây có múi, khoai lang, bò, heo, gà thả vườn, cá tra, thủy sản nuôi lồng bè…, tỉnh Vĩnh Long phấn đấu đến năm 2025 nâng giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản hữu cơ cao gấp 1,3- 1,5 lần so với sản xuất phi hữu cơ.
Nông dân ý thức sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, theo hướng hữu cơ. Ảnh: THẢO LY |
(VLO) Triển khai Kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ, trong đó ưu tiên các loại cây, vật nuôi chủ lực và tiềm năng như: lúa, cây có múi, khoai lang, bò, heo, gà thả vườn, cá tra, thủy sản nuôi lồng bè…, tỉnh Vĩnh Long phấn đấu đến năm 2025 nâng giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản hữu cơ cao gấp 1,3- 1,5 lần so với sản xuất phi hữu cơ.
Vai trò của sản xuất nông nghiệp hữu cơ
Sản xuất nông nghiệp giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế của Vĩnh Long. Đặc biệt, những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển với tốc độ khá theo hướng hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, đã tạo ra khối lượng nông, thủy sản hàng hóa lớn đảm bảo tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của tỉnh giai đoạn 2016- 2020 tăng bình quân trên 2%/năm, trong đó có một phần đóng góp của nông nghiệp hữu cơ.
Đến nay, tại Vĩnh Long đã xuất hiện nhiều mô hình sử dụng phân hữu cơ hoặc sản xuất theo hướng hữu cơ như: Cánh đồng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tân Tiến ở xã Mỹ Lộc (Tam Bình), mô hình sản xuất gạo hữu cơ thảo dược Tấn Đạt của HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt ở xã Trung Ngãi (Vũng Liêm), mô hình chuỗi giá trị lúa gạo hữu cơ tại HTX Nông nghiệp Làng hữu cơ Hiếu Thuận (xã Hiếu Thuận, huyện Vũng Liêm), mô hình trồng cam hữu cơ của HTX Nông nghiệp cam sành Organics huyện Trà Ôn…
Toàn tỉnh có 24 cơ sở sản xuất nông nghiệp- thủy sản và 31 trại, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm được chứng nhận các tiêu chuẩn sản xuất tốt, tiên tiến.
Trong đó, có 13 cơ sở sản xuất cây trồng (hơn 300ha), 2 cơ sở chăn nuôi và 9 cơ sở nuôi thủy sản thương phẩm (gần 6ha cá tra, 60.732m3 nuôi thủy sản lồng bè và 5,5ha nuôi thủy sản khác) được chứng nhận tiêu chuẩn GAP và tương đương.
Nhiều mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP trên cây ăn trái đặc sản được chứng nhận đạt mới hoặc tái chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP.
Điển hình trong các cơ sở nêu trên có thể kể đến HTX Nông nghiệp Làng hữu cơ xã Hiếu Thuận ở ấp Quang Mỹ, xã Hiếu Thuận (Vũng Liêm). Vào cuối tháng 7/2019, HTX ra đời với 24 thành viên, hoạt động chủ yếu là sản xuất lúa 3 vụ/năm trên diện tích 20ha, đến nay đã lên đến 35ha.
Bên cạnh hiệu quả từ sản xuất hữu cơ mang lại (nhất là cải thiện môi trường đồng ruộng ở khu HTX), nhờ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp nên hiệu quả kinh tế tăng lên đáng kể.
Theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, sản xuất nông nghiệp hữu cơ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao giá trị gia tăng, phát triển kinh tế bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái và tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Kết quả bước đầu nêu trên tạo điều kiện cho tỉnh mở rộng loại hình sản xuất này trong thời gian tới.
Phát triển nông nghiệp hữu cơ dài hạn
Thực tiễn cho thấy, sản xuất nông nghiệp của Vĩnh Long đang từng bước chuyển dịch theo hướng an toàn, hữu cơ để khắc phục những nhược điểm vốn đã tồn tại lâu dài là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chất lượng hàng hóa nông sản chưa cao, lợi nhuận còn thấp, ô nhiễm môi trường, sử dụng quá nhiều hóa chất, nhất là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng…
Hợp tác xã Tấn Đạt với sản phẩm gạo đạt chuẩn gạo hữu cơ. Ảnh: THẢO LY |
Nhằm nâng tầm sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ngày 3/6/2021, UBND tỉnh Vĩnh Long ra Quyết định số 1314/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ đến năm 2030 theo hướng giá trị gia tăng cao, bền vững và thân thiện môi trường.
Tỉnh xác định kế hoạch này nhằm phục vụ Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và phát huy tiềm năng thế mạnh về nông nghiệp hữu cơ của Vĩnh Long.
Vĩnh Long phấn đấu đến năm 2025 và năm 2030 đạt các mục tiêu lần lượt là: Diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt 1% và 2% đất trồng trọt.
Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt 1% và 2% tổng sản phẩm chăn nuôi. Diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt 0,5%, 1,5% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản (ưu tiên các loài có trị kinh tế như: cá tra, cá lồng bè, tôm càng xanh).
Và giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản hữu cơ cao gấp 1,3- 1,5 lần và 1,5- 1,8 lần so với sản xuất phi hữu cơ.
Để đạt mục tiêu này, tỉnh ưu tiên thực hiện nhiệm vụ phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung và các sản phẩm hữu cơ chủ lực.
Trong đó, sẽ quy hoạch, xây dựng kế hoạch chuyển đổi các vùng sản xuất cây trồng, vật nuôi và nuôi trồng thủy sản chủ lực tập trung sang sản xuất theo hướng hữu cơ, mở rộng các vùng sản xuất đã được chứng nhận hữu cơ hoặc sản xuất theo hướng hữu cơ, hình thành vùng sản xuất các sản phẩm bản địa, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước để xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý sản phẩm.
Cụ thể: Xây dựng hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ và sản xuất theo hướng hữu cơ, lần lượt đến các năm là: Vùng sản xuất cây trồng đạt 1.000ha (năm 2025) và 1.500ha (năm 2030); nuôi trồng thủy sản là 12ha (đến 2025) và 50ha (đến 2030); sản phẩm chăn nuôi đạt 1.100 tấn (đến 2025) và 1.500 tấn (đến 2030).
Bên cạnh đó, tỉnh còn triển khai thực hiện các nhiệm vụ như: Phát triển đa dạng các hình thức tổ chức sản xuất và các sản phẩm hữu cơ; nghiên cứu ứng dụng công nghệ nông nghiệp hữu cơ và xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đầu tư trong lĩnh vực này.
TRUNG CHÁNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin