Tại hội thảo "Làm gì để hình thành được đội ngũ người làm nông chuyên nghiệp", Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Lê Minh Hoan đã đặt câu hỏi: "Vì sao cần phải có đội ngũ nông dân (ND) chuyên nghiệp, hay nói cách khác, nếu ND không chuyên nghiệp thì điều gì sẽ xảy ra?".
Nhiều nông dân đã thay đổi tư duy sản xuất, từng bước chuyển đổi chuyên nghiệp. |
Tại hội thảo “Làm gì để hình thành được đội ngũ người làm nông chuyên nghiệp”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Lê Minh Hoan đã đặt câu hỏi: “Vì sao cần phải có đội ngũ nông dân (ND) chuyên nghiệp, hay nói cách khác, nếu ND không chuyên nghiệp thì điều gì sẽ xảy ra?”.
Vì sao phải cần có đội ngũ ND chuyên nghiệp?
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Lê Minh Hoan, cho rằng: Việt Nam đang là nền nông nghiệp truyền thống, manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, nền nông nghiệp mù mờ, nông nghiệp đánh đổi rất nhiều chi phí. Đánh đổi ở đây là đánh đổi bởi môi trường thiên nhiên, sức khỏe của ND, người tiêu dùng, đánh đổi hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học để tạo ra được sản lượng.
Chúng ta chưa bao giờ khấu trừ những chi phí đánh đổi đó, mà chỉ tính vật tư phân bón là bao nhiêu, nhân công là bao nhiêu, tiền thuê đất là bao nhiêu. Bên cạnh đó, nền nông nghiệp đứng trước ba cái “biến” lớn, đó là: biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, dịch bệnh khó lường; biến động thị trường; biến chuyển xu thế tiêu dùng, tức người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn, ăn sạch hơn, xu thế tiêu dùng xanh sẽ chi phối sản phẩm.
Trong khi đó, ông Phạm Thái Bình- Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cũng cho rằng: Rau quả nhiệt đới của Việt Nam là hàng hiếm và là “ước mơ” của nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng so với một số nước trong khu vực, kim ngạch xuất khẩu hàng năm còn thấp. Lý do chính vẫn là sản phẩm không đạt yêu cầu nước nhập khẩu và hạn chế đó có một nguyên nhân rất cơ bản là tính chuyên nghiệp trong làm nông nghiệp chưa cao.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, từ một loại nông sản nhưng khi chuyên nghiệp biết cách bán giá cao hơn, thu lợi nhuận cao hơn, nghĩa là thu nhập không chỉ dựa vào sản lượng mà dựa vào kiến thức thị trường, kỹ năng kinh doanh nông sản, bằng sự hợp tác của người ND lại trong một không gian rộng hơn không gian gia đình. Do đó, không có tri thức thì không thể chuyên nghiệp, mà không có ND chuyên nghiệp thì không có ngành nông nghiệp chuyên nghiệp, không có một nền nông nghiệp chuyên nghiệp.
“Thật ra có một bộ phận chuyên nghiệp rồi và tôi quan sát thấy trong lúc rủi ro thị trường nhất thì những sản phẩm từ người ND chuyên nghiệp ít rủi ro, bởi vì người ta biết cách thích ứng với sự thay đổi. Người ND biết lên Facebook, Zalo tự giới thiệu nông sản của người ta để bán hàng, đó cũng là tính chuyên nghiệp ban đầu của người ND”- ông Lê Minh Hoan nói.
Thế nào là người ND chuyên nghiệp?
Theo GS. TS Võ Tòng Xuân- chuyên gia ngành nông nghiệp, để ND chuyên nghiệp cần huấn luyện tại chỗ, tức khi doanh nghiệp có đầu ra nông sản thì có thể trình bày với địa phương để được hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu, thiết lập hợp tác xã. Khi đó, thành viên của hợp tác xã sẽ được huấn luyện làm theo đúng quy trình của doanh nghiệp để sản xuất ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường và chỉ cần 1- 2 tuần huấn luyện, ND hoàn toàn có thể đáp ứng được.
Còn theo GS. TS Hà Thanh Toàn- Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ: Cần làm rõ ba vấn đề, đó là xác định rõ các loại tri thức mà người ND cần có trong bối cảnh thị trường hiện nay; tìm kiếm nguồn thông tin, tri thức đó ở đâu và có chính sách nào để phổ cập tri thức đó đến người ND. Bà Vũ Kim Hạnh- Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, cho rằng: Cần phải xây dựng một hệ sinh thái để hỗ trợ người ND, trong đó có cấp quản lý, viện, trường, lực lượng cán bộ nông nghiệp và doanh nghiệp hỗ trợ ND.
Trong khi đó, theo TS Trần Minh Hải- Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp- PTNT 2, muốn có ND chuyên nghiệp thì cấp ủy, chính quyền phải năng động; có nhiều hoạt động hỗ trợ để giúp tri thức hóa ND, giúp ND chuyên nghiệp; hỗ trợ ND trong phạm vi, khả năng và quyền hạn thuộc cấp mình quản lý. Ngoài ra, ở vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, người ND có nhu cầu sử dụng các thiết bị công nghệ đầu cuối hiện đại, nhưng hạ tầng internet, tốc độ wifi còn chậm nên cần phải cải thiện. Mặt khác, cần tăng cường tuyên truyền các mô hình thành công.
Nông dân cần nâng cao trình độ, tri thức, kỹ năng, từng bước nâng tính chuyên nghiệp. |
Theo ông Lê Minh Hoan: “Không phải một sớm một chiều mà có thể hoàn chỉnh, chuẩn hóa giáo trình đồng bộ, chương trình đa dạng, phương pháp tùy chỉnh phù hợp cho tất cả. Chuyên nghiệp hóa ND có thể tính đến việc tổ chức trường lớp, khóa học chính quy cho một số đối tượng có nhu cầu. Bên cạnh đó, chuyên nghiệp hóa ND còn có thể tiếp cận những hình thức linh hoạt, được lồng ghép, tích hợp từ các chương trình có sẵn. Cần có cách tiếp cận từng bước, linh hoạt, tùy theo điều kiện, năng lực sẵn có và nhu cầu của từng nhóm đối tượng ND…”.
Ông Lê Minh Hoan- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT, cho rằng: Đừng quá kỳ vọng cùng lúc hơn 10 triệu ND Việt Nam trở thành chuyên nghiệp, bởi chuyên nghiệp không có điểm dừng, tri thức cũng không có điểm dừng. Mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng chúng ta nâng tính chuyên nghiệp bằng cách chia sẻ tri thức cho người ND, có thể bắt đầu từ việc nhỏ, từ bán hàng, cách làm giống, cách thu hoạch… dần dần đưa công nghệ số, thương mại điện tử, các kiến thức vào cho người ND. ND chuyên nghiệp là người có kiến thức nền tảng về sản xuất, kinh doanh, kinh tế, khoa học công nghệ… hiểu biết nhất định về môi trường tự nhiên, đa dạng sinh học, về giá trị của tài nguyên bản địa, cả yếu tố văn hóa, xã hội địa phương. ND chuyên nghiệp là người không chỉ biết sản xuất đơn thuần, mà còn luôn quan tâm đến các câu hỏi: “Sản xuất cái gì? Sản xuất như thế nào? Sản xuất cho ai?”. |
Bài, ảnh: TRÀ MY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin