Vụ 3 đáng giá bao nhiêu để đánh đổi mùa nước nổi?

02:09, 14/09/2022

Làm vụ 3 nông dân có lời không? Lời bao nhiêu một công lúa? Những câu hỏi này không cần phải điều tra công phu gì, mà chỉ cần hỏi một vài nông dân nào đó họ sẽ đọc vanh vách, tiền phân bón, tiền thuốc bảo vệ thực vật, các chi phí gieo trồng, thu hoạch, nhân công… rồi làm bài toán trừ đơn giản, cuối cùng là lời càng ngày càng meo, thậm chí lỗ nặng.

(VLO) Làm vụ 3 nông dân có lời không? Lời bao nhiêu một công lúa? Những câu hỏi này không cần phải điều tra công phu gì, mà chỉ cần hỏi một vài nông dân nào đó họ sẽ đọc vanh vách, tiền phân bón, tiền thuốc bảo vệ thực vật, các chi phí gieo trồng, thu hoạch, nhân công… rồi làm bài toán trừ đơn giản, cuối cùng là lời càng ngày càng meo, thậm chí lỗ nặng.

Hôm rồi, Hai Lúa tui đi qua cồn Cống, những nông dân trồng lúa xen các đầm tôm giữa rừng phòng hộ năm nay đều bỏ vụ 3, vì nếu làm thì mỗi công lỗ gần triệu bạc.

Khu vực này sình lầy không thể dùng cơ giới thu hoạch mà chỉ có thể thuê nhân công, giá tiền cao gấp 3 lần tiền thuê máy gặt đập mà cũng chẳng có người làm.

Gần đây, một số nông dân buông ruộng lúa và cho thuê đất trồng cam, cầm tiền trong tay mà rưng rưng nước mắt, khi thấy người ta lên liếp trồng cam rồi xịt thuốc cá nổi bụng trắng mương. Khác nào sự hủy hoại môi trường diễn ra ngay trước mắt.

Quá nhiều vấn đề với nền nông nghiệp mà có lẽ ai cũng thấy, sự đánh đổi này có đáng giá không? Những nông dân trồng lúa có thể giàu lên không? Trước mắt, một mùa nước đổ về mang theo gần 20 tỷ khối nước cùng lượng phù sa khổng lồ trôi tuột ra biển. Một mùa nước nổi đồng bằng đáng giá bao nhiêu?

Phía sau nguồn nước đó nếu được tràn đồng sẽ đem lại bao nhiêu nguồn lợi cho đất đai, liệu có đáng để đánh đổi với vụ 3 không? Nếu nhìn thẳng, nhìn sâu vào bản chất vấn đề mới thấy khi sản lượng lúa tăng lên thì ai là người có lợi nhất?

Chắc chắn không phải là nông dân, thậm chí họ còn lỗ nặng khi tài sản lớn nhất của nông dân là đất đai, đang dần kiệt quệ, sức khỏe cũng ảnh hưởng khi năm này tháng nọ tiếp xúc với nguồn thuốc hóa học. Nếu có bài toán khấu hao đất đai, thì rõ ràng cái lỗ nó không chỉ thể hiện qua mỗi vụ mùa.

“Bắt mạch, kê toa trị bệnh” cho nền nông nghiệp hiện nay không nên vuốt ve bằng những ngôn từ hoa mỹ, những con số sản lượng lúa năm sau cao hơn năm trước, cần những cuộc “đại phẫu” dù đau đớn nhưng đem lại sức khỏe tốt cho hệ sinh thái đồng bằng, một tư duy sản xuất khoa học, hợp lý và kinh tế hơn.

Vai trò lịch sử của công cuộc khai thác quỹ đất tăng sản lượng lúa của đồng bằng giờ nên xem lại, để có cách ứng xử thông minh với nguồn nước hiện nay. Cũng chính là phục hồi nguồn nước và thổ nhưỡng trở nên xanh hơn, sạch hơn.

Hailua@.com

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh