Để vụ lúa Thu Đông "ăn chắc"

11:08, 09/08/2022

Những năm gần đây, nhờ hệ thống thủy lợi từng bước hoàn chỉnh và các tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng mạnh mẽ, nên nhìn chung sản xuất vụ lúa Thu Đông ở tỉnh ta càng thuận lợi hơn, nhất là tình hình lũ năm nay được dự báo ít rủi ro hơn.

(VLO) Những năm gần đây, nhờ hệ thống thủy lợi từng bước hoàn chỉnh và các tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng mạnh mẽ, nên nhìn chung sản xuất vụ lúa Thu Đông ở tỉnh ta càng thuận lợi hơn, nhất là tình hình lũ năm nay được dự báo ít rủi ro hơn.

Nông dân trong tỉnh dọn cỏ chuẩn bị xuống giống lúa Thu Đông.
Nông dân trong tỉnh dọn cỏ chuẩn bị xuống giống lúa Thu Đông.

Theo nhận định của Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam (thuộc Bộ Nông nghiệp- PTNT), lũ đầu vụ ở vùng ĐBSCL không cao, đến cuối tháng 7, mực nước lớn nhất đầu nguồn sông Cửu Long ở mức 2,3m tại trạm Tân Châu (phía sông Tiền) và 1,9m tại trạm Châu Đốc (phía sông Hậu).

Ở hạ nguồn, tại Cần Thơ mực nước lớn nhất đạt 1,56m, tại Mỹ Thuận đạt 1,54m. Còn mực nước lũ nội đồng được ở mức từ 1,4- 3m, tập trung ở các địa phương đầu nguồn như: huyện An Phú, thị xã Tân Châu, huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) và huyện Hồng Ngự, TP Hồng Ngự, huyện Tân Hồng (tỉnh Đồng Tháp).

Các khu vực ven sông Tiền, sông Hậu và khu vực ven Biển Đông dưới tác động của lũ sông Mekong và triều cường, mực nước cao nhất khoảng 1- 1,4m.

Mùa lũ năm 2022 được dự báo là năm lũ nhỏ, đỉnh lũ chính vụ có khả năng xuất hiện vào giữa tháng 10, mực nước đỉnh lũ tại Tân Châu dao động ở mức 3,5- 3,7m (xấp xỉ và trên mức báo động 1 từ 0- 0,2m, thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm khoảng 0,2- 0,4m, cao hơn cùng kỳ năm 2021 khoảng 0,7- 0,9m), mực nước đỉnh lũ tại Châu Đốc dao động ở mức 3- 3,2m (xấp xỉ và trên mức báo động 1 từ 0- 0,2m, thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,3- 0,5m, cao hơn cùng kỳ năm 2021 khoảng 0,4- 0,6m).

Như vậy, kể từ lũ lớn năm 2011 đến nay, lũ thượng nguồn sông Mekong và đầu nguồn sông Cửu Long càng giảm, lũ có xu hướng lũ nhỏ càng có lợi cho vụ lúa Thu Đông. Và cũng từ năm đó đến nay, vụ Thu Đông trở thành vụ lúa chính trong năm ở ĐBSCL theo chủ trương của Bộ Nông nghiệp- PTNT.

Theo các nhà khoa học ở Viện Lúa ĐBSCL, trước diễn biến lũ thượng nguồn càng giảm, lũ có xu hướng lũ nhỏ thì cần tập trung đầu tư để ổn định diện tích và tăng sản lượng vụ lúa Thu Đông hơn nữa, nếu như đáp ứng đầy đủ, kịp thời về nguồn nước cho sản xuất. Điều này liên quan đến công tác thủy lợi.

Do vậy, thực hiện đầu tư mở rộng, duy tu, sửa chữa hệ thống thủy lợi cần được tiến hành nhằm đảm bảo nguồn nước tưới, tiêu, ngăn triều, chống lũ phục vụ sản xuất lúa kết hợp với các mục tiêu khác.

Song song đó, nhu cầu đầu tư các trạm bơm tưới, tiêu cố định hoặc di động (giải pháp tưới tiêu bằng động lực) cũng rất lớn kết hợp với đầu tư nạo vét, khơi thông kinh, mương nội đồng để tiến tới chủ động trong tiêu thoát, cấp nước khi gặp những điều kiện bất lợi xảy ra cho sản xuất như mưa lớn, triều cường gây ngập úng.

Một điều kiện nữa để giúp vụ lúa đạt kết quả tốt là tăng cường sử dụng giống lúa cực sớm (dưới 90 ngày) thay cho lúa dài ngày để rút ngắn chu kỳ sản xuất của một vụ lúa. Giống lúa này tuy lai tạo khó khăn nhưng thực tế toàn vùng ĐBSCL đã phát triển trên hàng chục ngàn héc ta.

Đồng thời với giải pháp này, cần thực hiện các biện pháp canh tác hỗ trợ như sử dụng máy nông nghiệp vào các khâu sản xuất thay cho thủ công (như máy cày, máy xới, máy sạ hàng, máy cấy lúa, máy cắt xếp dải, máy gặt đập liên hợp, máy sấy và máy bơm nước); thực hiện tốt các hình thức canh tác, như xuống giống đồng loạt từng khu vực, cơ cấu giống, chế độ bón phân hợp lý và đặc biệt là kiểm soát, phòng trị tốt sâu hại, dịch bệnh...do điều kiện mưa, nắng thất thường, ẩm độ cao.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp- PTNT), khi bố trí thời vụ cho lúa Thu Đông cần lưu ý đến thời điểm xuống giống chính vụ lúa Đông Xuân 2022- 2023, chú ý kết thúc xuống giống lúa Thu Đông vào ngày 20/8, tối đa là 30/8/2022.

Sử dụng những giống lúa cho vụ Thu Đông cần lưu ý về tính chống chịu với rầy nâu, vàng lùn và lùn xoắn lá, bệnh cháy lá, cháy bìa lá và giống có độ cứng cây để hạn chế đổ ngã (trong vụ Thu Đông năm nay, khuyến cáo cơ cấu giống lúa sử dụng: Giống lúa chủ lực xuất khẩu gồm OM5451, OM6976, OM18, OM7347, OM4900,...).

Từ vụ Hè Thu sang Thu Đông cần có thời gian giãn cách và làm đất, vệ sinh đồng ruộng thật tốt, tiêu hủy nguồn bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá, tiêu hủy rơm rạ hoặc sử dụng các hoạt chất phân hủy rơm rạ để hạn chế ngộ độc hữu cơ.

Sử dụng phân bón trong vụ Thu Đông ngoài việc cung cấp dinh dưỡng đa lượng phải lưu ý đến việc bổ sung canxi và silic cho lúa để tăng cường tính chống chịu trong điều kiện mưa bão.

Đi đôi với tăng diện tích, sản lượng lúa, các nhà khoa học ở Viện Lúa ĐBSCL còn cho rằng, cần chú ý các giải pháp nâng cao chất lượng lúa gạo, trong đó biện pháp giống là chủ đạo, cần khuyến cáo nông dân sử dụng giống có thời gian sinh trưởng ngắn, kháng được sâu bệnh, tiêu chuẩn giống ít nhất đạt tiêu chuẩn cấp xác nhận và có phẩm chất gạo tốt đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Thực tế nhiều năm qua, giải pháp này đã được thực hiện ở nhiều nơi trong vùng thông qua các chương trình như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, mô hình công nghệ sinh thái...

Các nhà chuyên môn còn cho rằng, song song với những giải pháp về kỹ thuật giúp tăng năng suất, sản lượng lúa, cần xem xét hiệu quả kinh tế- xã hội và đặc biệt là vấn đề tăng thu nhập cho người trồng lúa (về giá cả, thị trường, sự liên kết trong chuỗi sản xuất lúa gạo...).

Vụ lúa Thu Đông năm nay, tỉnh Vĩnh Long có kế hoạch gieo sạ 41.000ha, chia làm 3 đợt chính, từ ngày 5/6- 22/8/2022. Đợt 1, tập trung xuống giống 7.000ha, từ ngày 5- 23/6. Đợt 2 (đợt chính), xuống giống 29.000ha, tập trung từ ngày 8- 23/7. Đợt 3, xuống giống 5.000ha từ 7- 22/8. Các giống lúa được Sở Nông nghiệp- PTNT khuyến cáo sử dụng là nhóm giống lúa chủ lực như: OM5451, OM4900, OM6976, Đài thơm 8, OM18, OM380,… và nhóm giống lúa bổ sung, gồm: LH8, OM2517, OM9577, OM9955,…

Bài, ảnh: MỸ TRUNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh