Thực hiện chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh ruột hồng, nhiều hộ gia đình ở xã Tân Long Hội (Mang Thít) có nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Ông Phúc phấn khởi vì vườn bưởi luôn tươi tốt, duy trì trái quanh năm. |
Thực hiện chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh ruột hồng, nhiều hộ gia đình ở xã Tân Long Hội (Mang Thít) có nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Lợi nhuận cao từ bưởi da xanh ruột hồng
Ghé thăm 8 công vườn trồng bưởi da xanh ruột hồng của gia đình ông Nguyễn Văn Phúc (ấp Tân Long 2- xã Tân Long Hội) mới cảm nhận được sự cần lao, vất vả trong hơn 10 năm để giờ đây thu về “quả ngọt” là vườn bưởi trĩu quả. Ông Phúc là một trong những hộ gia đình đầu tiên đem giống bưởi da xanh ruột hồng về trồng trên đất Tân Long Hội, cho hiệu quả khá cao.
Ông cho biết, trước đây gia đình chủ yếu sống nhờ lúa và cam sành, nhưng đến mùa thu hoạch thì gặp cảnh được mùa, mất giá. Quá chán nản, năm 2005, ông quyết định chuyển đổi 4 công vườn sang trồng bưởi da xanh ruột hồng. “Lấy ngắn nuôi dài” khi bưởi còn nhỏ tận dụng những khoảng đất trống ông trồng xen đu đủ. Do bưởi da xanh ruột hồng là giống khá mới nên bên cạnh lên mạng học hỏi, ông cũng đi sang nhiều địa phương khác để tích lũy kinh nghiệm chăm sóc vườn. Tuy nhiên, bắt tay vào trồng ông Phúc nhận “trái đắng” bởi “mua nhằm giống bưởi không đạt tiêu chuẩn, cây khi cho trái vỏ dầy, cơm trắng, nhiều hột...”
Không bỏ cuộc, ông Phúc bắt tay trồng lại, đặc biệt là tìm được nơi cung ứng giống tốt kết hợp việc tận dụng các điều kiện về thời tiết, đất đai...nên sau gần 3 năm chăm sóc vườn bưởi bắt đầu cho trái. “Lứa bưởi đầu tiên tôi bán được giá khá cao, lợi nhuận gấp nhiều lần trồng lúa. Quá phấn khởi nên tôi quyết định lên liếp hết 4 công còn lại để tiếp tục trồng bưởi gia xanh ruột hồng.”- ông Phúc cho biết.
Đến nay vườn bưởi của gia đình ông có gần 400 gốc, cây cao nhất đã 17 năm tuổi, thấp nhất cũng đã 6 năm, cho trái quanh năm. “Một cây bưởi có thể cho từ 70 đến hơn 100 trái, trọng lượng trung bình khoảng 1,2- 2,5 kg/trái…là chuyện bình thường”- ông Phúc cũng cho biết, lúc khan hiếm giá bưởi tăng lên khoảng 60.000 đ/kg, lúc thấp nhất cũng hơn 20.000 đ/kg. Mỗi năm, vườn bưởi của gia đình ông cung cấp cho thị trường hơn 20 tấn trái, sau khi trừ các chi phí ông có khoảng lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng.
Tiến tới xây dựng thương hiệu
Theo ông Phúc, bưởi da xanh rất sợ nước nên khi trồng phải lên liếp, đắp mô cao, bên cạnh đó phải đào mương để mùa mưa nước có thể rút nhanh không gây ngập úng. Vào mùa nắng rễ bưởi có thể hút nước dưới mương để nuôi cây, giúp cây phát triển. Trong cách bón phân, ông kết hợp sử dụng giữa 2 loại phân hữu cơ và phân hóa học, vì theo ông “nếu như sử dụng phân hóa học trong một thời gian dài sẽ làm cho đất bị bạc màu, nóng làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng phát triển của cây bưởi. Do đó, kết hợp bón với phân hữu cơ, phân chuồng để cải tạo đất, giúp cho cây phát triển bền vững”.
“Vườn bưởi nhà tôi hàng năm đều được bón phân chuồng 2 lần, các loại thuốc sử dụng để diệt sâu bệnh, cung cấp dưỡng chất tôi đều ưu tiên thuốc sinh học. Tôi tâm niệm mình làm gì cũng vậy, cũng phải đặt cái tâm chứ không phải lợi nhuận lên hàng đầu.”- ông Phúc chia sẻ.
Chia sẻ kinh nghiệm trồng bưởi theo mô hình VietGap đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều bà con nông dân trên địa bàn xã Tân Long Hội. |
Hiện ông Phúc tham gia Tổ hợp tác bưởi da xanh xã Tân Long Hội để chia sẻ, học hỏi thêm kinh nghiệm chăm sóc. Ông cũng là người mạnh dạn vận động bà con chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh và nhiệt tình chia sẻ kiến thức trồng, chăm sóc, phòng trị bệnh, xử lý trái mùa nghịch đối với cây bưởi để bà con nông dân học hỏi, góp phần ổn định kinh tế gia đình.
Ông Nguyễn Văn Bé Hai- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Long Hội cho biết, Tổ hợp tác bưởi da xanh trên địa bàn hiện có 12 hộ tham gia với hơn 5ha trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGap từ năm 2019 đến nay. Đây là một trong những mô hình đem lại lợi nhuận kinh tế rất cao cho bà con nhân dân. Trong thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ, vận động tổ hợp tác xây dựng thương hiệu, xây dựng chuỗi giá trị liên kết góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng nguồn thu nhập cho người dân.
Chú Dương Ngọc Đức (ấp Tân Long 2)- thành viên Tổ hợp tác bưởi da xanh xã Tân Long Hội cho hay: “Vườn bưởi của anh Phúc thì nhất rồi, bưởi đẹp trái, chất lượng. Theo mô hình anh Phúc, tôi cũng trồng được 2 công bưởi, trong quá trình chăm sóc hễ có vấn đề gì là tôi lại sang nhờ anh tư vấn hỗ trợ, hay lắm.” |
Bài, ảnh: TÂN- LIỄU
Các tin liên quan |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin