Phòng trị bệnh xuất huyết trên cá rô phi

06:07, 12/07/2022

Xin Bạn Nhà nông cho biết nguyên nhân cá rô phi bị bệnh xuất huyết và hướng dẫn cách phòng trị bệnh này hiệu quả?

Xin Bạn Nhà nông cho biết nguyên nhân cá rô phi bị bệnh xuất huyết và hướng dẫn cách phòng trị bệnh này hiệu quả?

Phạm Văn Trường

(Xã Chánh An- Mang Thít)

Anh Trường mến!

Cá rô phi có tốc độ tăng trưởng lớn, thời gian nuôi ngắn, tỷ lệ hao hụt thấp,… Tuy nhiên, trong quá trình nuôi, cần chú ý một số loại bệnh, trong đó có bệnh xuất huyết trên cá. Bệnh chủ yếu do vi khuẩn Streptococcus spp gây ra. Bệnh xuất hiện ở hầu hết các giai đoạn phát triển của cá và thường xảy ra khi cá bị sốc hay trong thời tiết bất lợi, chuyển mùa. Đặc biệt, bệnh phát triển mạnh trong môi trường nước nuôi bị nhiễm bẩn, lượng khí độc tích lũy nhiều dưới đáy ao, hàm lượng oxy hòa tan thấp. Bệnh lây truyền trực tiếp từ cá khỏe sang cá yếu hoặc bệnh có thể lây lan theo nguồn nước cấp.

Khi cá mắc bệnh, cá yếu bơi lờ đờ, kém ăn hoặc bỏ ăn, hậu môn, gốc vây chuyển màu đỏ; mắt, mang, cơ quan nội tạng và cơ xuất huyết… Cá bệnh nặng bơi quay tròn không định hướng, mắt đục và lồi ra, bụng trương to.

Để phòng bệnh cần tiến hành các biện pháp tổng hợp cho cá. Chọn cá có nguồn gốc rõ ràng tại các trại giống có uy tín, cá giống khỏe mạnh, vận chuyển giống cẩn thận, tránh làm xây xát cá. Đối với nuôi cá lồng, cần vệ sinh lồng nuôi sạch sẽ, loại bỏ rong rêu, chất bẩn bám làm tăng lưu thông dòng chảy, vớt phân cá, xác cá và thức ăn thừa trong lồng nuôi để tránh tích lũy mầm bệnh. Đối với nuôi ao, cần cải tạo ao theo đúng quy chuẩn kỹ thuật trước và sau mỗi vụ nuôi. Cần có biện pháp đảm bảo hàm lượng oxy hòa tan, đặc biệt vào những ngày thời tiết bất thường, lặng gió cho ao nuôi.

Khi cá xuất hiện bệnh, có thể được chữa trị trong giai đoạn đầu phát hiện bệnh bằng kháng sinh kết hợp với xử lý môi trường nước nuôi: Diệt khuẩn môi trường nước ao nuôi; trộn thuốc kháng sinh với thức ăn kết hợp với thuốc bổ nâng cao sức đề kháng. Sử dụng thuốc để trị bệnh cho cá liên tục trong khoảng 5- 7 ngày.

Trong thời gian điều trị bệnh, lượng thức ăn giảm còn khoảng 1/2- 2/3 lượng thức ăn thông thường. Sau khi điều trị bệnh bằng kháng sinh có thể sử dụng một số loại men vi sinh để ổn định vi khuẩn đường ruột cho cá.

Việc sử dụng thuốc kháng sinh trị bệnh cho cá cần lưu ý, vì sử dụng kháng sinh liên tục với liều lượng cao dần sẽ gây hiện tượng kháng thuốc của vi khuẩn và ảnh hưởng đến kháng sinh tồn dư trong thịt cá.

BẠN NHÀ NÔNG

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh