Phát triển hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao

10:06, 21/06/2022

Tại Mang Thít, nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ cao (CNC), từ đó, tăng năng suất và hiệu quả lao động, giảm nhân công và giá thành, thúc đẩy phát triển kinh tế.

 

Hợp tác xã Sản xuất và tiêu thụ lươn công nghệ cao Sông Măng Vĩnh Long bước đầu hoạt động hiệu quả, có đầu ra ổn định.
Hợp tác xã Sản xuất và tiêu thụ lươn công nghệ cao Sông Măng Vĩnh Long bước đầu hoạt động hiệu quả, có đầu ra ổn định.

Tại Mang Thít, nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ cao (CNC), từ đó, tăng năng suất và hiệu quả lao động, giảm nhân công và giá thành, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Mạnh dạn đầu tư sản xuất mô hình mới

Ông Hồ Phước Dư- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Mang Thít, cho biết: Thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện đã tăng cường vận động hộ dân, HTX hướng đến thực hiện sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Theo đó, đã có không ít HTX tích cực hưởng ứng, chủ động đưa CNC vào sản xuất và đạt được nhiều kết quả khả quan.

Là HTX nuôi lươn CNC đầu tiên của huyện được thành lập từ đầu năm 2022 với 7 thành viên, HTX Sản xuất và tiêu thụ lươn CNC Sông Măng Vĩnh Long (ấp Tân Mỹ, xã Chánh An- Mang Thít) đã đi đầu trong sản xuất lươn giống. Ông Phạm Hoàng Minh- Chủ tịch Hội đồng quản trị- Giám đốc HTX, cho biết: “Trước đây tôi trồng thanh long nhưng vài năm gần đây tôi thấy thị trường tiêu thụ trái thanh long thường bấp bênh nên tôi đã tìm hiểu thêm lĩnh vực thủy sản. Khi đó, thị trường cung cấp lươn giống còn khan hiếm nên tôi đã mạnh dạn đầu tư, tìm hiểu kỹ thuật để phát triển nuôi”.

Theo ông Minh, từ những năm đầu nuôi, thị trường lươn giống bố mẹ rất khan hiếm.

Những khi lươn bệnh, chết nhiều khiến ông rất lo lắng, bị thiệt hại nhưng ông không nản chí. Nhờ tích cực học hỏi kinh nghiệm, cuối cùng ông Minh cũng đã nhân giống lươn thành công và chia sẻ kinh nghiệm ương, nuôi với các thành viên. Ông Minh sử dụng thuốc trị bệnh cho lươn có nguồn gốc thảo dược nên lươn giống khỏe mạnh, được khách hàng rất tin tưởng ưa chuộng do rất ít hao hụt.

Cũng được thành lập vào đầu năm 2022, HTX Sản xuất và tiêu thụ mật ong CNC Vĩnh Long (Khóm 5, thị trấn Cái Nhum- Mang Thít) cũng được đầu tư sản xuất, tạo liên kết từ đầu vào đến đầu ra. Anh Tống Hữu Cường Quốc- Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX, cho biết: “Trước đây tôi có kinh nghiệm 10 năm nuôi ong ở Long An, Đồng Tháp và cũng tìm được đầu ra cho sản phẩm. Sau đó, tôi về quê nhà để phát triển nghề này theo quy trình khép kín từ kỹ thuật- sản xuất- kinh doanh- bao tiêu sản phẩm”.

Theo anh Quốc, muốn nuôi ong thì phải chọn nơi có hoa. Nghề này vừa dễ vừa khó, phải am hiểu về đặc tính của con ong, kiên trì, chịu khó và đầu tư về kỹ thuật. Cụ thể, tùy theo từng nơi mà nuôi ong theo mùa hoa tại các địa phương có nguồn thức ăn thích hợp để nhân đàn và phát triển số lượng ong. Sau đó, mới “đánh mật” (thu hoạch mật) tại các nơi có nguồn hoa đang nở. Theo đó, thành viên của HTX có các vùng khác nhau như xã Tích Thiện (Trà Ôn), xã An Bình (Long Hồ), xã An Phước (Mang Thít),… Bên cạnh đó, khi dựng trại ong phải chú ý hướng gió, nếu chọn sai địa hình thì nguồn mật thu được rất ít. Thùng ong phải đặt nơi cao ráo, thoáng mát, đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt, con ong rất nhạy cảm với các hóa chất độc hại có trong thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích sinh trưởng cho cây… nên cần lưu ý là không dựng trại ong gần những vùng trồng lúa, rau, hoa màu có sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật.

Từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất

Chia sẻ về những khó khăn, anh Quốc cho hay: Giai đoạn đầu HTX cũng gặp khó khăn về vốn đầu tư, thành viên còn ngại vì thấy mô hình mới, chưa dám đầu tư, nhưng qua vận động, thuyết phục các thành viên đã mạnh dạn thực hiện. Hiện HTX đang nuôi ong lấy mật từ mật bưởi, mật nhãn, mật chôm chôm,… Hiện HTX hướng đến thị trường tiêu thụ trong nước bởi nhu cầu nội địa hiện rất cao, nhiều tiềm năng và giá bán cũng ổn định hơn.

Nói về hiệu quả và tiềm năng phát triển của mô hình sản xuất lươn giống, ông Minh cho biết thêm: “Hiện nay, các thành viên sẽ nhận nuôi lươn gia công cho HTX với chi phí khoảng 1.000 đ/con. Bà con nhận của HTX lươn giống cỡ 1.000 con/kg, ương nuôi lên cỡ 500 con/kg. Hàng tháng, bình quân mỗi thành viên sẽ giao HTX xuất bán khoảng 30.000 con. Các thành viên ương nuôi gia công lươn bột thành lươn giống với các kích cỡ để HTX cung cấp cho thị trường. Tùy vào kích cỡ mà có giá bán khác nhau từ 2.500- 5.000 đ/con lươn giống. Những tháng qua, HTX đã xuất bán ra thị trường trên 200.000 lươn giống/tháng, mang về thu nhập cho các thành viên từ 20 triệu đồng/hộ trở lên”.

Đánh giá về 2 mô hình HTX này, ông Hồ Phước Dư cho hay: Cải thiện từ cách làm truyền thống và xóa bỏ dần tư tưởng mạnh ai nấy làm, các HTX đã có bước cải tiến, đổi mới tư duy sản xuất, mang lại hiệu quả thiết thực. Trong đó, HTX Sản xuất và tiêu thụ lươn CNC Sông Măng Vĩnh Long được phát triển trên nền từ lươn bố mẹ cho đẻ, ương lên để cung cấp con giống. HTX đã có đầu ra tương đối ổn định, các thành viên HTX cũng đang tiếp tục nghiên cứu, học hỏi để nâng cao chất lượng sản phẩm. Còn HTX Sản xuất và tiêu thụ mật ong CNC Vĩnh Long tuy chỉ mới thành lập nhưng cũng tổ chức sản xuất khá bài bản từ khâu sản xuất đến đầu ra, nâng cao chất lượng sản phẩm, phấn đấu từng bước đạt sản phẩm OCOP.

Hợp tác xã Sản xuất và tiêu thụ mật ong công nghệ cao Vĩnh Long phát triển nghề nuôi ong theo quy trình khép kín.
Hợp tác xã Sản xuất và tiêu thụ mật ong công nghệ cao Vĩnh Long phát triển nghề nuôi ong theo quy trình khép kín.

Về định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng CNC, trong đó, có phát triển HTX, ông Hồ Phước Dư, cho hay: Thời gian tới, ngành chức năng sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về chuyển giao, nhân rộng ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp; rà soát, bổ sung các mô hình, dự án hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC. Đồng thời, thông tin, phổ biến để nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn đã đạt hiệu quả, chất lượng nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, tập quán sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp về nông nghiệp ứng dụng CNC, tư duy về phát triển kinh tế nông nghiệp.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh