Bên cạnh những khó khăn trong tiêu thụ nông sản, việc cấp mã số vùng trồng (MSVT), cơ sở đóng gói hiện nay vẫn đang gặp vướng mắc. Đây chính là một trong những rào cản khiến nông sản khó xuất khẩu.
Doanh nghiệp khó tìm vùng nguyên liệu được cấp mã số vùng trồng để thu mua. |
Bên cạnh những khó khăn trong tiêu thụ nông sản, việc cấp mã số vùng trồng (MSVT), cơ sở đóng gói hiện nay vẫn đang gặp vướng mắc. Đây chính là một trong những rào cản khiến nông sản khó xuất khẩu.
Do đó, việc cấp MSVT cần đi trước một bước trước khi mở cửa thị trường. Và để đạt được các tiêu chí cấp MSVT thì nỗ lực của nông dân, các địa phương rất quan trọng bởi MSVT giờ không chỉ cho xuất khẩu mà còn tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Khó tìm vùng nguyên liệu được cấp MSVT để thu mua
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp- PTNT), tình trạng ùn ứ trái cây qua thị trường Trung Quốc đã giảm trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, thị trường này vẫn tiếp tục thực hiện chính sách Zero COVID, đồng thời ngày càng siết chặt việc kiểm soát đối với sản phẩm nhập khẩu, trong đó có tăng cường giám sát vùng trồng và cơ sở đóng gói. Thời gian đàm phán đối với các sản phẩm kéo dài và chịu sự tác động của dịch COVID-19 (chuyên gia không thể sang Việt Nam để kiểm tra vùng trồng),… tiếp tục ảnh hưởng tới xuất khẩu trái cây của Việt Nam.
Thông tin về vấn đề tìm MSVT, ông Nguyễn Đình Tùng- Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group cho hay: Hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) đi tìm vùng nguyên liệu được cấp MSVT để thu mua gặp rất nhiều khó khăn, dễ trùng lặp, vướng mắc với các đơn vị, DN khác. Một DN không thể tự mình đi tới tất cả các địa phương để làm MSVT. Bên cạnh đó, việc cấp chứng nhận MSVT theo từng năm sẽ khó khăn cho DN khi phải liên tục xin cấp lại chứng nhận, điều này vô hình chung sẽ làm cho xuất khẩu, bàn giao đơn hàng cho đối tác quốc tế bị chậm trễ.
Ông Lê Thanh Tùng- Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết việc cấp MSVT, cơ sở đóng gói hiện nay vẫn đang gặp những khó khăn như: Mới triển khai chủ yếu đối với cây ăn trái, chưa triển khai được nhiều với các sản phẩm có khối lượng xuất khẩu lớn như lúa, chè, hồ tiêu, cà phê,... Vẫn còn tình trạng mạo danh MSVT, sử dụng không đúng mã số để xuất khẩu làm ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt Nam. Ngoài ra, còn có các khó khăn khác về chi phí đầu vào sản xuất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng tác động đến sản xuất cây ăn trái, có thể ảnh hưởng năng suất, chất lượng trái cây. Năng lực chế biến trái cây trong nước còn hạn chế, chủ yếu xuất khẩu trái tươi, nếu xuất khẩu gặp khó thì tiêu thụ sẽ khó khăn theo.
“Hiện Cục Bảo vệ thực vật cũng đã hướng đến triển khai cấp MSVT cho thị trường mục tiêu để khi mở cửa thị trường là sản phẩm có thể đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu ngay. Tuy nhiên, để đạt được các tiêu chí cấp MSVT thì nỗ lực của nông dân, các địa phương rất quan trọng. MSVT giờ không chỉ cho xuất khẩu mà còn tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong nước”- ông Lê Thanh Tùng cho hay.
Đẩy mạnh xây dựng MSVT, mở rộng thị trường
Ông Lê Văn Thiệt- Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho hay: Cục đã và đang tích cực đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu. Trong thời gian qua Việt Nam đã xuất khẩu nông sản sang nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand. Trong năm 2019, khi Trung Quốc yêu cầu cấp MSVT cho 8 loại trái cây tươi, tiếp nhận chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp- PTNT, Cục đã cấp MSVT cho các địa phương. Trong quá trình chuẩn bị cấp MSVT, Cục đã ban hành 2 tiêu chuẩn cơ sở: Tiêu chuẩn 774 quy định về MSVT, và Tiêu chuẩn 775 quy định về mã số nhà đóng gói.
Theo ông Trần Trọng Khiêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Sóc Trăng, thời gian qua, do ý thức sản xuất của người dân được nâng cao nên nông sản trên địa bàn tỉnh đã tiêu thụ tốt, không xảy ra tình trạng ùn ứ. Ngành nông nghiệp tỉnh đã cấp được 77 MSVT. Hiện nay, sản phẩm trái cây của Sóc Trăng đang được nhiều thị trường quốc tế quan tâm. Điển hình như trái vú sữa sẽ được thị trường Mỹ nhập khẩu hơn 40 tấn trong thời gian tới. Đó là điểm sáng của Sóc Trăng và người dân cũng đang chủ động nâng cao chất lượng, đăng ký MSVT, tham gia các hợp tác xã để hướng đến sản xuất một số loại trái cây khác.
Để doanh nghiệp dễ tìm vùng nguyên liệu được cấp MSVT, theo ông Nguyễn Đình Tùng: Các địa phương nên chủ động xây dựng những vùng trồng được cấp mã số, khi những DN có nhu cầu đăng ký, địa phương cung cấp sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Về tham gia hội chợ quốc tế, theo ông Tùng, nên xây dựng một ngôi nhà chung cho trái cây Việt Nam khi tham gia các hội chợ quốc tế thay vì chia nhỏ thành các gian hàng cho các DN như hiện nay. Bên cạnh đó, những DN được chọn phải thể hiện sự chuyên nghiệp, trau chuốt hình ảnh để tôn vinh, nâng tầm, khẳng định thương hiệu của trái cây Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Theo ông Lương Phước Vinh- Giám đốc khu vực Đông Nam Á, Tập đoàn Tentamus, hiện nay công tác sản xuất tại vùng nguyên liệu của Việt Nam đã được triển khai tốt. Thế nhưng nông sản của Việt Nam lại đang thiếu thông tin để định hướng thị trường và quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. “Nhiều thị trường ở Châu Âu rất tiềm năng, không thua kém thị trường Trung Quốc nếu sản phẩm của Việt Nam có thể đáp ứng. Tiêu chuẩn mà các thị trường này đưa ra cũng không quá gắt gao. Điều quan trọng là chúng ta cần hiểu được bản chất và yêu cầu của thị trường, các đối tác Châu Âu sẽ sẵn sàng hỗ trợ chúng ta”- ông Vinh cho hay.
Nhắc lại lời Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Lê Minh Hoan nói trong phiên chất vấn trước Quốc hội, rằng không thể chủ quan vì giá bán nông sản cao tại Mỹ, Nhật Bản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản đề nghị: Cần tăng cường các liên kết sản xuất, đặc biệt là những chính sách hỗ trợ hợp tác xã, DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp. Đây là những đối tượng thường khó đi một mình và gặp nhiều rào cản khi đưa nông sản vào các kênh tiêu thụ. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý, DN, hợp tác xã, người dân xác định rõ, sát thực tế về cơ cấu giá thành sản xuất nông sản. Đây là cơ sở để ngành nông nghiệp chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng các trung tâm logistics, bảo quản ở khu vực cửa khẩu, vùng nguyên liệu lớn,…
Cả nước hiện có 4.000 MSVT (300.000ha), tại 50/63 tỉnh- thành trực thuộc Trung ương, cho các loại trái tươi như: chuối, thanh long, mít, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, dưa hấu, măng cụt, chanh leo,… Trong đó, ĐBSCL được cấp 1.561 mã (chiếm tỷ lệ 39,02%), Đông Nam Bộ có 224 mã (chiếm 5,6%), Tây Nguyên 168 mã (tỷ lệ 4,2%). |
Bài, ảnh: TRÀ MY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin