Nông dân ứng phó khi giá vật tư nông nghiệp tăng cao

03:05, 20/05/2022

Giá vật tư nông nghiệp hiện ở mức cao khiến chi phí sản xuất gia tăng, nhiều nông dân lo lắng lợi nhuận giảm, thậm chí lo bị lỗ. Vì thế, cần tăng cường kiểm soát giá, tìm cách chia sẻ, hiến kế để nông dân thích ứng, yên tâm sản xuất.

 

Cần tăng cường kiểm soát, bình ổn giá vật tư nông nghiệp để giảm bớt gánh nặng chi phí cho nông dân.
Cần tăng cường kiểm soát, bình ổn giá vật tư nông nghiệp để giảm bớt gánh nặng chi phí cho nông dân.

Giá vật tư nông nghiệp hiện ở mức cao khiến chi phí sản xuất gia tăng, nhiều nông dân lo lắng lợi nhuận giảm, thậm chí lo bị lỗ. Vì thế, cần tăng cường kiểm soát giá, tìm cách chia sẻ, hiến kế để nông dân thích ứng, yên tâm sản xuất.

Chi phí sản xuất “đội” lên

Đang làm 5 công ruộng, chú Ba Công ở ấp Nhơn Trí (xã Nhơn Bình- Trà Ôn) cho biết, giá cả vật tư tăng gấp đôi so năm trước nên chi phí đầu tư từ 1,5 triệu đồng/công giờ đã “đội” lên 3 triệu đồng. Với năng suất khoảng 35 giạ/công, nếu giá lúa 5.000 đ/kg thì chỉ huề vốn, chưa kể tốn công sức mấy tháng trời. Chú Ba cho biết thêm, năm ngoái chú đã chuyển 2 công ruộng lên vườn trồng cam sành, dự định thu hoạch lúa xong mùa này tiếp tục lên vườn trồng cam 5 công còn lại. Tuy nhiên, chú Ba rất băn khoăn vì “trồng lúa lo vật tư tăng giá một thì trồng cam lo tới 10, vì chi phí trồng cam cao gấp nhiều lần trồng lúa”. Giá cam hiện là 13.000- 14.000 đ/kg, chú Ba nhẩm tính: “Ruộng nhà, công nhà thì giá 13.000 đ/kg có lời chút đỉnh. Nếu giá giảm còn 10.000 đ/kg thì đất nhà chỉ huề vốn, người đi mướn đất trồng là cầm chắc lỗ”.

Vừa ra cửa hàng vật tư nông nghiệp mua 2 bao Humic kích rễ, anh Tư Tùng (cùng ở ấp Nhơn Trí) nói: “Tôi thấy phân hữu cơ như Humic là ít biến động, còn lại như Urê, DAP, NPK 20-20-15, NPK 30-10-10+TE,… tăng giá rất cao”. Theo anh Tùng, người nào mua phân, thuốc trả tiền liền thì không phải trả tiền lãi. Tuy nhiên, bà con phần nhiều là mua thiếu, xong mùa vụ hoặc cuối năm trả tiền. Hiện nhiều cửa hàng vật tư, công ty nông nghiệp thường xuyên tổ chức hội thảo để hướng dẫn nông dân sản xuất. Thông qua đó, bà con nông dân có thể gom lại cùng đặt mua số lượng lớn từ công ty, đại lý cấp 1 để có được giá cả hợp lý, sản phẩm đúng chất lượng.

Tại một cửa hàng vật tư nông nghiệp ở xã Nhơn Bình (Trà Ôn), DAP Nga 1.360.000 đ/bao, NPK 16-16-8 Đầu trâu 850.000 đ/bao, Humic Nhật, bao 10kg giá 620.000đ. Chủ cửa hàng cho biết, giá vật tư tăng dần từ lúc dịch COVID-19 bùng phát tới nay. Rất nhiều loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng giá từ 50- 80%, thậm chí có loại tăng hơn gấp đôi. So năm 2020, phân DAP Trung Quốc loại 1 từ 650.000 đ/bao hiện đã là 1.380.000 đ/bao, phân Urê Cà Mau từ 400.000 đ/bao thì hiện giá là 920.000 đ/bao...

Ông Nguyễn Văn Út- Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã (HTX) Thương mại- Dịch vụ- Xây dựng- Sản xuất nông nghiệp Tân Quới (thị trấn Tân Quới- Bình Tân) cho biết: Giá phân bón, vật tư nông nghiệp những tháng đầu năm nay ở mức cao khiến chi phí sản xuất của nông dân bị đội lên nhiều. “Thời điểm phân, thuốc mắc, người dân đi mua chịu, ghi vô sổ tính lãi thì càng mắc hơn”- ông Út nói. Để chia sẻ với nông dân, HTX định hướng đầu tư phân bón, vật tư nông nghiệp cho người dân sản xuất theo vụ, thu mua sản phẩm theo kiểu “đầu tư trước rồi trừ lại, không tính lãi”.

Thay đổi thói quen canh tác

Anh Nguyễn Văn Thảo- Giám đốc HTX Nông nghiệp Thuận Thới (Trà Ôn) cho biết: “Giá vật tư nông nghiệp tăng và ở mức cao, trong khi giá nhiều sản phẩm thì giảm, nông dân mang tâm lý đầu tư sẽ lỗ nên họ không đẩy mạnh chăm sóc vườn cây ăn trái. Rất mong ngành chức năng có cách bình ổn giá phân, phát triển giao thương, đẩy mạnh xuất khẩu ổn định cho nông sản để nông dân mạnh dạn đầu tư sản xuất”.

Theo khảo sát của Bộ Nông nghiệp- PTNT, từ đầu năm 2021 đến tháng 4/2022, giá phân bón tăng 40- 50%; giống cây trồng tăng 10- 15%, thuốc bảo vệ thực vật tăng 10- 20%; thức ăn chăn nuôi, thủy sản tăng 15- 20%, thuốc thú y tăng 10- 15% so với cùng kỳ năm trước. Bộ Nông nghiệp- PTNT đã đề nghị Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi luật theo hướng chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế với mức thuế suất hợp lý. Qua đó, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước và giảm bớt khó khăn cho nông dân. Để góp phần ổn định thị trường, Bộ Công thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong điều hành giá để kiểm soát giá cả hàng hóa đầu vào, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn các hoạt động găm hàng, đầu cơ, thao túng giá.

Nông dân chọn thuê phun thuốc bằng thiết bị bay không người lái để giảm chi phí.
Nông dân chọn thuê phun thuốc bằng thiết bị bay không người lái để giảm chi phí.

Bên cạnh các giải pháp để “hạ nhiệt”, kiểm soát giá… thì vấn đề thay đổi thói quen canh tác, sử dụng phân bón phù hợp, hiệu quả hơn là hết sức cần thiết. Theo GS.TS. Võ Tòng Xuân- Hiệu trưởng danh dự Trường ĐH Nam Cần Thơ, sản xuất nông nghiệp tiêu phí 50- 60% phân bón hóa học. Nếu nông dân vẫn bón phân như từ trước đến giờ thì sẽ phải tiếp tục bón nhiều phân hơn để cây cối đạt sản lượng bằng những năm trước, chi phí cho phân bón sẽ tăng đáng kể. Giải pháp cho vấn đề này là phải sử dụng phân bón một cách hữu hiệu hơn, sạch hơn. Cần sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, giảm thiểu phân bón hóa học, khi vi sinh vật xuất hiện trở lại thì tỷ lệ thuốc bảo vệ thực vật cũng sẽ giảm tương ứng với phân bón hóa học.

Bài, ảnh: THẾ QUÂN-
SÔNG HẬU

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh